Học tiếng Anh để... đi thi

16/10/2019 - 07:45

PNO - Có lẽ, đây là điểm mấu chốt khiến cả người dạy lẫn người học Việt Nam tắc tị trước loại sinh ngữ phổ biến số một thế giới này. Bởi vì, chúng ta sai ngay từ khi bắt đầu - đó là xác định mục đích không đúng.

Sáng 14/10, tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào học tiếng Anh. Bộ kỳ vọng thầy cô, học sinh ngày càng chủ động, tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng dạy và học tiếng Anh hiện nay, nhiều người không khỏi băn khoăn bao giờ năng lực ngoại ngữ của học sinh Việt Nam mới được cải thiện?

Mục tiêu học để thi

Thay vì cần khẳng định mục đích học tiếng Anh là để sử dụng và một phần vì niềm vui của việc học sinh ngữ. Thế nhưng, nhà trường phổ thông đang dạy tiếng Anh theo mục tiêu học để thi, để đạt điểm cao, để xét tuyển đại học…

Chương trình học tiếng Anh ở Việt Nam khá nặng về ngữ pháp. Một thầy giáo lấy ví dụ từ đề thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, chỉ kiểm tra khả năng đọc hiểu, không yêu cầu thí sinh viết nguyên câu, không cần bày tỏ ý kiến hay tóm tắt thông tin, và tất nhiên không có phần nào liên quan giao tiếp.

Ông dẫn chứng: đề thi có các câu hỏi kiểm tra kiến thức từ vựng, mà đến một người sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm cũng phải phân vân không biết chọn đáp án nào. Một số câu hỏi khác khiến giáo viên này tự hỏi không biết học sinh cấp III ở Úc, Canada có biết cụm từ “disseminate knowledge” (phổ biến kiến thức) hay “broach a subject" (động đến vấn đề nhạy cảm) là gì không. Câu hỏi đặt ra là phần lớn người bản ngữ còn chưa chắc rõ những từ này thì người trẻ Việt Nam chưa vào đại học biết để làm gì?

Nhìn vào các đề thi tiếng Anh, các nhà chuyên môn chỉ thấy được mục đích là kiểm tra kiến thức về tiếng Anh. Còn mục đích kiểm tra khả năng dùng tiếng Anh thì gần như không thấy. Bởi thế, không thể trách người dạy và người học học tiếng Anh theo kiểu đối phó.

Hoc tieng Anh de... di thi
Nhiều trường mời giáo viên bản xứ về dạy để tăng cường khả năng giao tiếp cho học sinh

Nhưng trớ trêu là dù đặt nặng mục tiêu thi cử, kết quả vẫn không cao. Cụ thể tại các kỳ thi THPT quốc gia trong ba năm 2017, 2018, 2019, phổ điểm môn ngoại ngữ đều có điểm trung bình dưới 5. 

Hình thức đánh giá hiệu quả dạy học chỉ tập trung vào đọc hiểu, nhất là các kỳ thi lớn như học kỳ, chuyển cấp, tốt nghiệp. Do đó, cả hệ thống giáo dục chưa đầu tư thật sự hiệu quả để dạy kỹ năng thực hành ngôn ngữ như nghe, nói và viết. 
Có thể thấy tiếng Anh trong trường phổ thông được thực hiện một cách thực dụng - để thi có kết quả cao, nhưng lại không thực tế - không dùng được trong sinh hoạt và làm việc. 

Sinh ngữ được dạy... kiểu “chết”

Chị Nguyễn Ngọc Ngân Nhi (Q.9, TP.HCM) có hai con đang học phổ thông, một em lớp Ba và một em lớp Tám. Cả hai đều được nhận xét là giao tiếp tiếng Anh tốt. Nhưng kết quả học giỏi tiếng Anh là nhờ… trung tâm ngoại ngữ chứ không dính líu nhiều với trường học. Con lớn học tiếng Anh từ lớp Một nhưng tới lớp Năm vẫn không thể nói được gì hoặc nói mà như đọc, dù điểm ở trường vẫn đủng đỉnh nằm ở top giỏi.

Cho đi học thêm ở trung tâm, dù đã học 5 năm ở trường nhưng kiểm tra đầu vào con chị phải học lại từ trình độ sơ cấp. Sau một thời gian học ở trung tâm, con chị đã cải thiện đáng kể, nói nhiều hơn và có ngữ điệu giống người bản xứ. Đến đứa thứ hai, rút kinh nghiệm, chị cho học bên ngoài ngay từ lớp lá. 

Thực tế, nhiều gia đình phải đưa con đi học thêm ở các trung tâm vì chương trình tiếng Anh ở nhà trường không đáp ứng nổi. Chương trình tiếng Anh hiện hành được thiết kế bảy năm, bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 12. Tính ra, tổng thời lượng môn tiếng Anh trong toàn bộ chương trình chỉ có 700 tiết là quá ít; đồng thời tới lớp Sáu học sinh bắt đầu được học tiếng Anh. Đó chính là hạn chế khiến cho năng lực tiếng Anh của học sinh học theo chương trình hiện hành còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong học tập và giao tiếp. 

Theo báo cáo của EF vào năm 2018 thì mức độ thành thạo tiếng Anh của người Việt được xếp hạng 41 trong số 88 quốc gia, thuộc mức độ thông thạo trung bình (EF EPI 2018). 

Một số giáo viên tiếng Anh trong trường phổ thông cho biết, không chỉ sĩ số quá đông, mà chương trình còn dài, với kiến thức ngữ pháp hàn lâm, trong khi thời lượng chỉ dạy có ba tiết/tuần. Chính vì vậy, giáo viên không thể tương tác với học sinh. Học sinh không được tương tác với nhau nên dù là sinh ngữ nhưng được giảng dạy theo kiểu môn “chết”. Dẫn đến người học thiếu tương tác, thiếu phản xạ. 

Đến giáo viên còn không tự tin giao tiếp tiếng Anh

Có không ít giáo viên dạy tiếng Anh nhưng không thể giao tiếp tự tin và thuần thục. Dù có thâm niên đứng lớp hàng chục năm nhưng các giáo viên có tuổi không thể giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Bởi các giờ dạy học trên lớp chỉ gói gọn trong chương trình; giáo viên cũng không có môi trường để trau dồi. 

Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.10, TP.HCM kể: “Dạo trước, trường có mời giáo viên bản ngữ về dạy một số tiết tiếng Anh tăng cường cho học sinh. Nhưng trường thuê người giỏi về đâu chỉ dạy cho học sinh mà tranh thủ để giáo viên học ké. Tuần đầu tiên, tôi phân công giáo viên tiếng Anh ở trường cùng lên lớp, dự giờ, cùng làm một vài dự án soạn bài chung… Nhiều giáo viên liền “né” vì không đủ tự tin. Lúc này mới “lòi” ra năng lực thực sự, có một vài giáo viên thậm chí không giao tiếp được. Tôi phải động viên thì dần dà mọi người mới bỏ qua mặc cảm, tiếp cận, học hỏi và khá dần lên. 

Phát biểu tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố then chốt quyết định việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ” do đề án Ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD-ĐT tổ chức, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc đề án, cho biết: trong quá trình thí điểm thực hiện dạy và học ngoại ngữ, 30% giáo viên ngoại ngữ chưa đáp ứng năng lực theo yêu cầu.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI