Học sinh sợ điều gì nhất ở trường?

04/10/2019 - 10:23

PNO - Nhịn đi vệ sinh suốt buổi học là tình trạng chung của nhiều học sinh từ tiểu học đến phổ thông, từ vùng quê đến thành phố lớn. Bởi, nhà vệ sinh trường học nổi tiếng là nơi rất... mất vệ sinh.

Trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM hồi đầu năm, một học sinh Trường THCS Tân Tạo, Q.Bình Tân, liền than thở nhà vệ sinh trong trường rất bẩn, không đủ nước sạch, nên vào mùa nắng nóng thường rất hôi, các em không dám sử dụng.

Có thể thấy, trong vô vàn chuyện trường lớp, khi có cơ hội, các em đều “ưu tiên” phản ánh nhà vệ sinh trong trường. Nhưng đây không phải chuyện mới, nhà vệ sinh là chuyện “biết rồi” nhưng vẫn phải “nói mãi”. 

Anh T.M.L., chi hội trưởng hội cha mẹ học sinh một trường THCS ở H.Hóc Môn kể, trường có gần 1.000 học sinh nhưng số lượng nhà vệ sinh ít, mỗi tầng có hai khu cho nam và nữ. Sàn nhà ẩm thấp nên có mùi. Nhà trường giải thích vì trường chỉ có hai lao công nhưng phải làm vệ sinh rất nhiều chỗ nên không thể túc trực dọn dẹp nhà vệ sinh.

Nhiều học sinh từng học tại Trường tiểu học P.N.L. (Q.Gò Vấp) đều sợ đi vào nhà vệ sinh vì mùi nồng nặc. Giờ ra chơi, nườm nượp học sinh xếp hàng chờ trước cửa phải chịu đựng mùi hôi này. Nhiều bé phải nhịn cả buổi học đến khi về nhà. 

Hoc sinh so dieu gi nhat o truong?

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường không để tồn tại nhà vệ sinh không đạt yêu cầu

Đa phần học sinh khi được hỏi về nhà vệ sinh trong trường thường cho biết cực chẳng đã mới vào. Chưa kể nhà vệ sinh xuống cấp nhếch nhác, học sinh đi đông, vội thường thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên tình trạng nhà vệ sinh… mất vệ sinh càng trầm trọng.

Trong những chuyến khảo sát cơ sở vật chất trường học tại TP.HCM, các đại biểu Hội đồng nhân dân đã cảnh báo tình trạng nhà vệ sinh có dấu hiệu xuống cấp, cần chú trọng cải tạo hạng mục này bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh.

Thực trạng này nếu nhìn trên bình diện cả nước càng kinh khủng hơn. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, có đến 49.951 nhà vệ sinh học sinh bán kiên cố, 9.630 nhà vệ sinh tạm. Một con số khiến chúng ta giật mình đó là có đến 1.723 nhà vệ sinh mà học sinh phải đi nhờ - mượn - thuê ở bên ngoài trường học.

Lâu nay, trong các công trình xây dựng trường học thường chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất dạy học mà ít chú trọng vào nhà vệ sinh. Nguồn kinh phí thường hạn hẹp, muốn cải tạo nhà vệ sinh phải nhờ đến xã hội hóa từ phụ huynh mới mau chóng. Nghệ An là địa phương có số lượng nhà vệ sinh phải nhờ - mượn - thuê nhiều nhất với 283 cái. Tiếp theo là các tỉnh Đắk Lắk (161), Hà Giang (93), Hà Nội (86), Kiên Giang (84), Hải Dương (70)... Trong số này, đáng chú ý là TP.Hà Nội cũng là nơi có số lượng nhà vệ sinh học sinh nhờ - mượn - thuê nhiều. 

Bộ GD-ĐT thừa nhận hiện nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, nhà vệ sinh hầu hết chỉ được xây dựng tạm thời bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá và thiếu nguồn nước hoặc không có nước. Đó là chưa kể có đến 15% trường học không có công trình nước sạch. 

Trường phổ thông phải có nhà vệ sinh phù hợp với nữ

Chiều 3/10, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản nhắc nhở các trường tăng cường công tác y tế và an toàn trường học. Sở đề nghị các đơn vị khẩn trương giải quyết triệt để, không được để tồn tại tình trạng nhà vệ sinh không đạt yêu cầu.

Nhà vệ sinh đảm bảo không có mùi hôi, đủ nước sử dụng, được quét dọn thường xuyên, khô ráo, sạch thoáng; trang bị xà bông rửa tay, giấy vệ sinh, thùng rác có nắp đậy hợp vệ sinh, không được khóa cửa các phòng vệ sinh nhằm giúp việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho học sinh đạt chất lượng và hiệu quả.

Lưu ý trang bị nhà vệ sinh kinh nguyệt cho nữ sinh đối với các trường phổ thông đảm bảo đầy đủ theo quy định. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI