Hè, giáo viên rủ nhau đi học nâng chuẩn

18/06/2019 - 06:30

PNO - Chưa có quy định rõ ràng về lộ trình nâng chuẩn nên giáo viên cũng chỉ truyền tai nhau phải có bằng đại học này, bằng tiếng Anh nọ rồi đổ xô đi học.

Không biết kết quả mang lại từ việc học cấp tập để nâng chuẩn này đến đâu, chỉ thấy trước mắt giáo viên than thở vì mất quá nhiều tiền cho các khoản ôn thi, đi thi, học phí… mà thu nhập hiện tại chẳng có bao nhiêu.

“Tôi dạy tiểu học gần 20 năm nay, có biên chế lâu rồi mà giờ lo quá, phải đi học chứ không vài năm nữa không được đi dạy”, cô H.T (giáo viên Trường tiểu học Hàm Tiến, tỉnh Bình Thuận) nóng ruột chia sẻ.

He, giao vien ru nhau di hoc nang chuan
Ảnh minh họa

Là giáo viên diện 9 + 3, nên cô H.T “ngủ không yên” khi biết tin về vụ nâng chuẩn. Cô T. cho biết, trước đây dù có mong muốn được tiếp tục học liên thông lên đại học để nâng chế độ lương nhưng cô vẫn chưa tranh thủ được vì vướng hai đứa con còn nhỏ. Mới đó, nhìn qua nhìn lại cả trường chỉ còn mấy người chưa có bằng đại học, trong đó có mình, không lo học mà chần chừ nữa là không ổn. Nghĩ vậy nên cô quyết tâm phải lấy cho được bằng đại học để yên tâm công tác.

Tháng 4 vừa rồi, theo dõi thông tin thấy Trường cao đẳng Cộng đồng liên kết với Đại học Huế đào tạo chương trình đại học từ xa, cô liền nộp hồ sơ dự thi. Cô phân trần: “Nếu thi đậu, coi như mất đứt mùa hè. Mỗi ngày phải chạy 40km cả đi lẫn về, nhưng phải ráng chứ biết làm sao”.

Biên chế gần hai mươi năm còn vậy, nói chi đến những giáo viên đang dạy hợp đồng. Được đánh giá chuyên môn tốt, nhưng cô L.T.S (giáo viên Trường tiểu học Phú Thủy 2, tỉnh Bình Thuận) luôn trong tâm trạng phập phồng, lo có ngày bị cắt hợp đồng vì thiếu bằng đại học.

Thế rồi vừa kết thúc năm học từ cuối tháng 5 thì ngay đầu tháng 6, cô S. đăng ký vào học chương trình liên thông trung cấp lên đại học nói trên. ‘Có hơn 70 giáo viên tiểu học trong tỉnh đăng ký học. Phần lớn để bổ sung cái bằng cho đủ chuẩn. Nhiều người nóng lòng nhưng chưa đăng ký được vì còn vướng con”, cô S. nói.

Chưa có quy định lộ trình rõ ràng về nâng chuẩn, nên giáo viên cũng chỉ truyền tai nhau phải có bằng đại học này, bằng tiếng Anh nọ rồi đổ xô đi học. Không biết kết quả mang lại tới đâu nhưng trước mắt chỉ thấy giáo viên tốn kém tiền bạc cho việc học nâng chuẩn.

Cụ thể, với lịch học bắt đầu từ ngày 3/6 và kết thúc từ ngày 22/7 (tương đương chương trình của một năm học với 9 học phần, 22 tín chỉ, 330 tiết), mỗi học viên phải đóng 9 triệu đồng. Như vậy, để có bằng đại học, mỗi giáo viên phải mất 18 triệu đồng cho hai mùa hè, chưa đến 4 tháng.

Chưa kể, để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học theo hình thức liên thông tổ chức tại địa phương, thí sinh phải mất đứt 1.000.000 đồng (bao gồm phí ôn thi là 400.000 đồng cho hai ngày với hai môn toán, tiếng Việt (môn triết học tự ôn); lệ phí thi 500.000, cộng thêm hai bộ hồ sơ 100.000 đồng).

Mặc dù theo thông tin từ giáo viên khóa trước, ai cũng biết rằng đây là kỳ thi “bao đậu” vì số lượng thí sinh trúng tuyển và tốt nghiệp luôn đạt 100%, nhưng để chắc chắn được học, ai cũng chấp nhận mất tiền.

Do toàn bộ chương trình học tương đương với thời lượng hai năm dồn trọn trong hai mùa hè chưa đầy 4 tháng nên hiệu quả mang lại khó có thể nói là cao được. Nhưng giáo viên không có lựa chọn nào khác.

“Ngán” học phí, cộng với lịch học dồn liên tục không có thời gian để thở, để kịp tiêu hóa kiến thức, nhiều giáo viên muốn bỏ cuộc nhưng không vì sợ mất việc, lại phải cố cho qua hai mùa hè.

“Thật ra mọi người đi học cũng mang cái tâm lý lên ngồi điểm danh cho có để lấy bằng thôi chớ học hành gì”, một giáo viên đang tham gia lớp học cho biết.

Thực tế vẫn tồn tại một lượng giáo viên hiện nay không đáp ứng yêu cầu trình độ nên việc nâng chuẩn là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ cái cần nâng là gì, nếu không, việc nâng chuẩn dễ trở thành một cuộc phổ cập bằng cấp ồ ạt, mà không mang lại lợi ích gì cho chính bản thân giáo viên.

Để trở thành một giáo viên giỏi, việc không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức là trách nhiệm của mỗi giáo viên. Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là kỹ năng, nghiệp vụ được trau dồi nhiều hơn phía sau tấm bằng.

Chưa kể, việc đòi hỏi một giáo viên tiểu học phải có tấm bằng đại học trong tay không quan trọng bằng kỹ năng giảng dạy phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới đang chuẩn bị áp dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng bằng cấp không quyết định chất lượng đứng lớp. Với quy định phải có bằng đại học trở lên đối với giáo viên bậc học mầm non, tiểu học thì trình độ đào tạo cao không quyết định chất lượng đứng lớp mà đó phải là kỹ năng sư phạm, tình cảm tâm huyết, cách hỗ trợ người học trong việc tiếp nhận kiến thức.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI