Định vị trí tuệ Việt trong thời đại 4.0

31/12/2018 - 08:46

PNO - Giáo dục 4.0 là Anytime (học bất kỳ lúc nào), Anywhere (học bất kỳ ở đâu), Anyone (ai cũng học được, đó là quyền bình đẳng về giáo dục) và Anyhow (học bằng bất kỳ phương cách nào, nhanh chậm đều được).

Thời gian qua đã có nhiều hội thảo, hội nghị xoay quanh vấn đề đổi mới giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Xung quanh vấn đề này, GS-TS Vương Thanh Sơn, đến từ Đại học British Columbia (Canada), đã có những hướng tiếp cận mới mở ra cho giáo dục đại học con đường để định vị trí tuệ Việt. 

Phóng viên: Là người đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị đề cập nội dung cải cách giáo dục đại học (ĐH) cho phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ông đánh giá thế nào về những buổi hội thảo này?

GS-TS Vương Thanh Sơn: Tôi thấy sự hăng hái, quyết tâm của những người làm giáo dục trong nước. Các cơ quan, ban ngành cũng như lãnh đạo các trường ĐH đều ý thức sự cần thiết phải thay đổi mô hình giáo dục ĐH, nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Chẳng hạn, khi tôi đề xuất mô hình ĐH 4.0, nhiều vị lãnh đạo khá cởi mở, nhiệt tình nói rằng tôi cứ mạnh dạn áp dụng mô hình mới trong… khung chuẩn ĐH. 

Nếu mọi thay đổi chỉ được diễn ra trong khung cũ thì làm sao đổi mới được. Mới đây, một vị giáo sư lâu năm trong ngành giáo dục cho rằng, ĐH 4.0 cần phải chú trọng cơ sở vật chất hiện đại, thầy giỏi, lựa chọn học trò xuất sắc và lớp học chỉ giới hạn số lượng nhỏ, từ 10-15 sinh viên. Những điều này tôi cho rằng đã cũ, không phù hợp với ĐH 4.0. 

Dinh vi tri tue Viet trong thoi dai 4.0
Cách mạng công nghiệp 5.0 sẽ dựa trên nền tảng kết nối trí tuệ (Internet if Minds)

* Vậy theo ông, ĐH 4.0 phải như thế nào? 

- Đại học 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, không giới hạn không gian thời gian, kết hợp học trong lớp và học trực tuyến. Nói về ĐH 4.0, tôi thường dùng mô hình 4A cho dễ hiểu, dễ nhớ. Đó là Anytime (học bất kỳ lúc nào), Anywhere (học bất kỳ ở đâu), Anyone (ai cũng học được, đó là quyền bình đẳng về giáo dục) và Anyhow (học bằng bất kỳ phương cách nào, nhanh chậm đều được).

Mặt khác, ĐH 4.0 phải đảm bảo ba yếu tố là kết nối internet (internet vạn vật), công cụ thông minh (với công cụ tính toán thông minh phần cứng và phần mềm hỗ trợ đào tạo, quản lý trường, chăm sóc sinh viên) và có yếu tố con người tham gia trong chu trình, gọi chung mô hình ICH (Internet working, Computing tools, Humans). Trong đó, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, hai yếu tố kết nối và thông minh cũng vẫn do con người làm chủ. 

* Trong ĐH 4.0, yếu tố “con người” làm chủ là người học hay người dạy, thưa ông?

- Cả người học và người dạy đều giữ vai trò quan trọng, nhưng sinh viên giữ vai trò nòng cốt. Sinh viên ở mọi trình độ đều có chương trình phù hợp đổi mới dựa trên sinh viên và mô hình đánh giá theo năng lực. Sinh viên phải có tư duy 4.0, nghĩa là tư duy phát triển trí tuệ, phát huy tối đa sự sáng tạo; tự giác, chủ động học tập, nghiên cứu, thực tập theo năng lực, tính cách và điều kiện của mình. Sinh viên chủ yếu tự học cũng như tự lựa chọn con đường sự nghiệp của mình với những phương tiện và công cụ học tập thông minh 4.0. 

Dinh vi tri tue Viet trong thoi dai 4.0
Robot ngày càng thông minh hơn

Thầy giáo dẫn dắt, tạo động lực, giám sát và khơi dậy tinh thần hiếu học trong sinh viên. Giáo trình, tài liệu và công cụ học tập không cần phải đầu tư quá mức, vì phần lớn đã được xây dựng và chia sẻ toàn cầu trong xu hướng ĐH không ranh giới. 

Người thầy giờ đây không còn độc quyền về mặt tri thức, nhưng phải nhận lãnh vai trò tổ chức, hướng dẫn sinh viên tiếp nhận tri thức. Do đó, thầy cũng như trò đều học hỏi và phát triển trí tuệ suốt đời trong mô hình ĐH 4.0.

Việc tuyển sinh và tiếp thị giáo dục cũng như chăm sóc sinh viên cũng sẽ khác nhiều so với ĐH truyền thống, với nhiều yếu tố mới như đối tượng tuyển sinh mở rộng không biên giới quốc gia, với độ tuổi khác nhau, ở thời điểm khác nhau trong lộ trình học vấn. Sẽ nhấn mạnh tuyển sinh qua mạng và mạng xã hội với công cụ hỗ trợ thông minh (dựa trên trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn), kết hợp với thông tin thị trường, cơ hội tuyển dụng khi ra trường. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta cần phải có triết lý giáo dục, để định hướng đào tạo những con người trí tuệ.

* Như vậy, việc xây dựng ĐH 4.0 là trách nhiệm của ai?

- Đó là nhiệm vụ của cả bốn phía: nhà nước bao gồm Bộ GD-ĐT, trường ĐH, sinh viên, các doanh nghiệp tuyển dụng. Nhà nước và Bộ GD-ĐT có thẩm quyền và trách nhiệm tạo ra cơ chế giáo dục mở theo định hướng trí tuệ. Trường ĐH luôn là yếu tố căn bản và cốt lõi, dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho sinh viên cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tích cực vừa là thị trường vừa là đối tác hợp tác đào tạo, nghiên cứu trong xu hướng cách mạng 4.0. 

* Xin cảm ơn ông. 

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI