Dạy trẻ làm người tốt... mù quáng

02/10/2019 - 07:29

PNO - Nhan nhản trong sách giáo khoa, sách bài tập và trong trường phổ thông là những bài học dạy làm người một cách khiên cưỡng, phản giáo dục. Những đứa trẻ đang được “nhồi” những bài học về lòng dũng cảm, lòng trắc ẩn… một cách sáo rỗng.

Nhan nhản trong sách giáo khoa, sách bài tập và trong trường phổ thông là những bài học dạy làm người một cách khiên cưỡng, phản giáo dục. Những đứa trẻ đang được “nhồi” những bài học về lòng dũng cảm, lòng trắc ẩn… một cách sáo rỗng. Cứ ngỡ đó là những bài học nhân văn nhưng thực sự lại thiếu nhân văn nhất.

Bốc hỏa với những bài học từ sách

“Tối qua, ngồi học cùng con, tôi mới tá hỏa khi ngay trong trường, người ta “nhồi” vào đầu đứa trẻ những bài học hết sức sai trái. Một bài tập trong vở thực hành chính tả lớp Hai của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được dạy trong trường có nội dung: “Nai Nhỏ xin cha cho đi chơi xa cùng bạn. Biết bạn của con khỏe mạnh thông minh và nhanh nhẹn, cha Nai Nhỏ vẫn lo. Khi biết bạn của con liều mình cứu người khác, cha Nai Nhỏ mới yên lòng cho con đi chơi với bạn”.

Sau đó, cô giáo còn cho học sinh ghi ý nghĩa bài học là: ca ngợi sự dũng cảm và sẵn sàng giúp đỡ người khác của bạn Nai Nhỏ”, một phụ huynh có con học lớp Hai tại Q.Tân Phú, TP.HCM kể. 

Vị phụ huynh này nhận xét: “Đây là bài học phản giáo dục, nếu không muốn nói chính xác là ngu dốt. Tại sao lại dạy trẻ liều mình cứu người? Bao nhiêu cái chết oan uổng của trẻ đã xảy ra từ bài học kiểu này rồi?”. 

Chị Thanh Tâm (Q.11) bức xúc: “Tại sao không viết ra những bài học thực tế, hữu ích và có tính thực hành hơn, như là: Nai Nhỏ nhanh trí gọi đến số điện thoại khẩn cấp 115 hay 113 cho lực lượng cứu hộ đến cứu bạn… Hoặc kiểu như Nai nhỏ gọi bác Nai Sừng Tấm đến ứng cứu”.

Day tre lam nguoi tot...  mu quang
Bài tập đọc trong sách Tiếng Việt lớp Bốn: Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca được cho là thiếu tính nhân văn

Nhan nhản trong sách mà những đứa trẻ đang học ngày học đêm còn có những bài học mà theo chúng tôi là sự nhẫn tâm của người viết sách. Chị Trịnh Thanh Th., nói trong uất ức: “Sách Tiếng Việt lớp Bốn, nghe nói sách cải biên mỗi năm và được chọn lọc để dạy con em chúng ta. Tôi đọc thử và chỉ biết kêu trời".

Bài tập đọc, tuần thứ sáu có tên Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca nội dung đại ý rằng: An-đrây-ca lên 9, sống với mẹ và ông. Ông em 96 tuổi nên rất yếu. Một buổi chiều, ông bị khó thở. Mẹ bảo An-đrây-ca đi mua thuốc. Cậu bé đi ngay nhưng gặp bạn rủ chơi đá bóng em lại nhập cuộc. Đến khi em mua thuốc về nhà thì ông đã qua đời. Dù mẹ nói không phải lỗi do em nhưng từ đó về sau, kể cả khi lớn lên em đều tự dằn vặt: giá mình mua thuốc về kịp thì ông còn sống thêm được ít năm nữa! 

“Để dạy con trẻ về sự hối hận, dằn vặt, họ sẵn sàng đưa vào một câu chuyện thiếu nhân văn - cho ông cậu bé chết đi để trở thành nỗi ám ảnh khắc sâu trong tâm trí của một đứa bé chín tuổi. Buộc ông phải chết cho đủ sức nặng để đứa trẻ dằn vặt, day dứt là một bài học dã man. Tôi tự hỏi vì sao lại bắt cậu bé chín tuổi đi mua thuốc? Thuốc không phải là món mà trẻ con có thể tự mua, điều này rất vô lý”, chị Th., chia sẻ. 

Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, những bài học để giáo dục trẻ không chỉ chú trọng đến hiệu quả truyền tải mà nội dung cần phải có tính ứng dụng thực tế, phương pháp ở đó phải là dạng có kỹ năng và nội dung câu chuyện phải có tính nhân văn. Ví dụ, không thể dạy các em dũng cảm bắt cướp hay nhảy sông cứu bạn mà phải biết nhờ người lớn hoặc lực lượng chức năng, chuyên nghiệp, cũng như khi ông bệnh nặng thì phải đưa đi cấp cứu, nằm viện nhờ bác sĩ chữa trị chứ không thể tự ý đi mua thuốc…

Giáo dục làm người nhưng thiếu kỹ năng

Nhìn những bài học vô lý đang nhan nhản trong sách, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho rằng: “Đây là những bài học dạy làm người nhưng lại phản giáo dục. Muốn dạy học trò làm người tốt thì không nên dạy hành động một cách mù quáng, không tự bảo vệ được sự an nguy của bản thân, đó là sự liều lĩnh thiếu kỹ năng chứ không phải là hành động dũng cảm.

Điển hình như vụ năm bạn học sinh cùng chết vì đuối nước khi liều mình cứu một bạn bị đuối nước ở Nghệ An là kết quả rất thực tế cho bài học liều mình cứu bạn”. Đến bao giờ mới không còn những bài học tưởng là giáo dục con người nhưng thực tế lại là xúi dại trẻ nhỏ?

Mới mấy ngày trước, giáo sư Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, đã đăng đàn về vấn đề này: “Ngày 22/9, trong hành trình chinh phục Cực Đông, 16 bạn trẻ (trong đó 14 bạn là sinh viên, cựu sinh viên Trường đại học Hoa Sen) đã đến Hòn Ghềnh, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi cả nhóm hoàn thành chuyến trekking và di chuyển về bằng tàu. Do tàu không cập được sát bờ nên đã thả cho các bạn tự bơi về. Trong lúc bơi về bờ, một bạn đã bị vọp bẻ và được ba bạn quay lại trợ giúp.

Không may, các bạn rơi đúng dòng nước xiết. Mặc dù được người dân khẩn trương cứu giúp nhưng sinh viên một trường đại học khác đã không qua khỏi. Riêng một cựu sinh viên Trường đại học Hoa Sen hiện vẫn đang mất tích. Gia đình, bạn bè sinh viên Liêm, đại diện nhà trường cùng cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang tích cực tìm kiếm quanh khu vực Liêm bị nạn”. 

Giáo sư Quỳ nhắn nhủ các bạn trẻ: tổn thất về con người, nhất là những người trẻ, là tổn thất không gì có thể bù đắp. Tuổi trẻ là dấn thân, tuổi trẻ là khám phá. Nhưng trước khi làm bất cứ điều gì, xin hãy nhớ cuộc sống chỉ có một và các bạn còn nhiều, nhiều lắm những việc phải làm. Ít nhất là làm cho cha mẹ, những người luôn sống vì các bạn, hạnh phúc và hãnh diện. Vì vậy, hãy quan tâm đến sự an toàn cho mình và cho những người thân xung quanh mình. Du lịch biển luôn tiềm ẩn nguy cơ. Hãy tuân thủ tuyệt đối quy tắc về an toàn… 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI