Đầu năm học, vẫn còn áp lực thiếu giáo viên, trường lớp

07/09/2019 - 09:46

PNO - Còn một năm nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp Một sẽ được triển khai. Tuy nhiên đầu năm học này, nhiều tỉnh, thành vẫn thiếu hàng ngàn giáo viên.

Còn một năm nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp Một sẽ được triển khai. Tuy nhiên, đầu năm học này, theo thồng kê của Bộ GD-ĐT, nhiều tỉnh, thành vẫn thiếu hàng ngàn giáo viên.

Danh sách các địa phương thiếu giáo viên ở con sồ hàng ngàn vẫn còn dài như: Sơn La thiếu 3.355 giáo viên, Thái Bình: 3.167, Gia Lai: 2.572, Thanh Hóa: 2.877, Bình Dương: 2.811, Đồng Nai: 1.762, Nghệ An: 1.939, Hưng Yên: 1.742, Hải Dương: 1.823, Vĩnh Phúc: 2.300…

Riêng về giáo viên các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật - các môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bà Trịnh Hoài Thu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho hay với cấp tiểu học, số lượng giáo viên chuyên biệt môn âm nhạc và mỹ thuật đang thiếu cục bộ.

Thống kê sơ bộ, nếu mỗi trường tiểu học có một giáo viên âm nhạc, một giáo viên mỹ thuật thì cả nước còn thiếu khoảng 2.000 giáo viên âm nhạc và trên 2.000 giáo viên mỹ thuật.

Đối với bậc THCS, số lượng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật đang dạy học ở cấp THCS cơ bản là đủ. Tuy nhiên, ở cấp THPT, nội dung chương trình chưa có các môn học nghệ thuật; do đó, hiện nay chưa có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở cấp học này.

Bên cạnh đó, bài toán trường lớp cũng rất nan giải. Theo Bộ GD-ĐT, các địa phương đã xây dựng, sửa chữa bổ sung 14.000 phòng học nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Dau nam hoc, van con ap luc thieu giao vien, truong lop
Số học sinh vào lớp Một luôn tăng ở các thành phố lớn, áp lực lên sĩ số lớp

Chuẩn bị cho năm học 2019-2020, TP.HCM hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.364 phòng học mới. Tuy nhiên, với đặc thù mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 200.000 dân, việc xây dựng trên 1.000 phòng học/năm cũng là áp lực lớn với thành phố.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho biết địa phương này đã xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường. Tuy nhiên, vì dân số cơ học tăng nhanh đã gây tình trạng thiếu trường, lớp học, đặc biệt là ở các quận như Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy.

Trên bình diện cả nước, theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT, đối với cấp tiểu học, nếu tính trên số phòng học thì cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, vẫn còn xấp xỉ 25% số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm và có một số phòng học phải đi mượn. 

Do đó, vấn đề thiếu phòng học sẽ thực sự khó khăn sau năm 2020, khi các khối lớp từ lớp Một đến lớp Năm cũng sẽ học hai buổi/ngày theo chương trỉnh phổ thông mời. 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI