Đại học Nguyễn Tất Thành: Hành trình 20 năm đi để tỏa sáng

29/05/2019 - 11:37

PNO - Là một trường học có “xuất thân” khá đặc biệt, Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành ra đời từ một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến giáo dục là Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Trong lịch sử 20 năm phát triển, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ doanh nghiệp phát triển thành trường học, tận dụng thế mạnh về thực hành ứng dụng, những lứa sinh viên mà họ đào tạo ra trường, đi làm và thành đạt đã bảo chứng cho một “đế chế” giáo dục tư thục uy tín.

Dai hoc Nguyen Tat Thanh: Hanh trinh 20 nam di de toa sang

Khi doanh nhân làm nhà giáo

Là một trường học có “xuất thân” khá đặc biệt, Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành ra đời từ một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến giáo dục là Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục, những doanh nhân ngành may mặc bắt tay vào làm giáo dục với rất ít kinh nghiệm trước đó. Tuy “đá chéo sân” nhưng họ đã tận dụng được thế mạnh của những nhà sử dụng lao động để “hiểu” thị trường cần gì ở nguồn nhân lực tương lai để làm kim chỉ nam đào tạo.

Với sự nhạy bén và tư duy hành động của những người làm kinh tế, những nhà sáng lập ĐH Nguyễn Tất Thành thừa hiểu, một trường ĐH non trẻ không thể cạnh tranh với các trường lâu đời, họ chọn đi con đường đào tạo ra người làm nghề chắc tay, thực học để thực nghiệp và thực danh.

20 năm - vẫn là một thành viên non trẻ của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam nhưng ĐH Nguyễn Tất Thành đã tận dụng khả năng quản trị tối ưu hóa của doanh nghiệp vào vận hành ngôi trường, biết sử dụng hiệu quả sức mạnh nội lực chính là con người để tạo bề dày cho mình. Họ không chỉ đào tạo “người trong nhà” mà còn mời gọi, thu hút các chuyên gia đầu ngành về học thuật và nghiên cứu khoa học về đầu quân hoặc hợp tác với trường. Giờ đây trường đã có được một đội ngũ giảng viên hùng hậu, yêu nghề với gần 2.000 giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, trong đó có 11 giáo sư, 28 phó giáo sư, hơn 155 tiến sĩ, gần 670 thạc sĩ.

Trường trẻ cũng như người trẻ, có sự táo bạo, sáng tạo, dám dấn thân, dám thử thách, chấp nhận tranh luận - phản biện để đổi mới liên tục. Và quan trọng hơn, họ không bị phụ thuộc vào nguồn ngân sách và hành chính công, chỉ cần thấy thiết thực liền có thể lên kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho giảng viên và sinh viên. Bằng chứng là khi mới thành lập Trung tâm Đào tạo vào năm 1999 với chỉ 2 phòng học lý thuyết, đến nay, ngôi trường chỉ mới 20 năm tuổi này là một trong những trường ĐH đa ngành có quy mô tuyển sinh và đào tạo lớn nhất nước.

Trường có thể cung cấp hơn 20.000 chỗ học cho sinh viên tại 15 khoa, 44 chương trình đào tạo ĐH với đầy đủ các chuyên ngành đào tạo về sức khỏe, kinh tế - kỹ thuật - công nghệ, xã hội - nhân văn, nghệ thuật - mỹ thuật. Mỗi năm, nhà trường trích hàng chục tỷ đồng trao tặng học bổng để khuyến khích sinh viên học tập, tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, thực tập và cọ xát thực tế qua các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế. Thông qua câu lạc bộ gần 2.000 doanh nghiệp thành viên, 100% sinh viên tốt nghiệp của trường được giới thiệu việc làm ngay và được các doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao.

Khẳng định vị thế

Chia sẻ về những dự định tương lai của trường, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: muốn khẳng định tên tuổi thì phải đi đường dài, xây dựng xong những nền tảng cơ bản thì phải chuẩn bị cho phát triển bền vững trong dài hạn. Có người học, ổn định hoạt động rồi thì phải gầy dựng vị thế trong giới học thuật...

Hằng năm, nhà trường dành 20 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học; từ năm 2011 đến nay đã có hàng trăm đề tài các cấp, đã công bố hơn 671 bài báo khoa học quốc tế ISI/SCOPUS, 855 bài báo đăng tạp chí trong nước và quốc tế.

Tiếp theo, trường còn được tổ chức xếp hạng QS Stars (Anh quốc) đánh giá xếp hạng 3 sao và là 1 trong 20 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng quốc gia và trở thành thành viên liên kết của mạng lưới các trường ĐH hàng đầu Đông Nam Á AUN-QA.

NGUYỄN TIẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI