Đại bàng sao ở được với chim sẻ?

12/11/2015 - 07:50

PNO - Đà Nẵng đang kiện những người trong đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) của thành phố, đi học nước ngoài bằng tiền ngân sách.

Cam kết học xong trở về phục vụ ít nhất bảy năm, nhưng họ “đi là đi biệt”. Phiên tòa sơ thẩm đã xử. Gia đình của bảy trong chín người bị kiện kháng cáo.

Các gia đình kháng cáo vì tiền bồi thường thiệt hại rất lớn, ít nhất là một tỷ, nhiều nhất là hơn ba tỷ. Số tiền này lẽ ra còn nhiều hơn, bởi theo hợp đồng, các học viên phải đền gấp năm lần chi phí, nhưng tại một cuộc họp vào năm 2014, Thành ủy Đà Nẵng xét nếu thu cao, học viên khó trả được và bản thân việc học cũng tốn kém nên đã giảm xuống.

Dai bang sao o duoc voi chim se?
Cam kết học xong trở về phục vụ ít nhất 7 năm nhưng họ đã đi biền biệt - Ảnh minh họa: Internet

Những người có trách nhiệm tại Đà Nẵng cho rằng “cực chẳng đã” mới kiện, nhưng đó chỉ là nói về cái tình. Về lý, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao, tài hay không chưa nói, nhưng có trình độ học vấn cao để làm việc tốt hơn. Chính quyền tạo điều kiện cho họ đi học, nhưng họ đã phản bội niềm tin, “lật kèo”.

Hẳn họ đã tính toán từ trước, nếu không, đã chẳng để gia đình tại Việt Nam phải “đáo tụng đình”. Tiền họ đi học ở đâu ra? Đó là tiền ngân sách, tiền thuế của dân, không phải trên trời rơi xuống. Hành xử kiểu đó là "ăn cắp", là phải bị phán xét.

Một điều chắc chắn, gia đình không thể không biết chuyện con cháu mình “xù” cam kết. Việc kháng cáo xin giảm tiền xem ra sẽ đuối lý khi ra tòa. Giảm thì tiền hao hụt từ mồ hôi của bao người lấy gì đắp vào? Làm bậy rồi xin xỏ là sao? Có ý kiến cho rằng, sao phải quay về mới là thực sự cống hiến cho quê hương? Thưa, nguyên tắc là đã ký vào cam kết thì phải thực hiện cho đúng! Lòng tự trọng của những người được coi là… chất lượng cao ấy chẳng biết đã đi đâu.

Gia đình của một người bị kiện biện minh, anh kia học giỏi nên bên đó cho học tiếp tiến sĩ, xin bảo lưu về quê thực hiện hợp đồng đã cam kết nhưng họ không cho. Người cha của học viên này nói: “Chúng tôi không muốn hầu tòa chỉ vì lý do con mình học giỏi. Con học giỏi được nhận học bổng mà lại trở thành bị đơn. Nếu chúng tôi sai thì đó là sai thậm tệ, hoặc chính sách hiện tại không đúng”.

Bỏ qua phần biện luận… cùn ở vế đầu, vế còn lại xem ra cần ngẫm ngợi. Đó là chính sách thế nào mà khiến người ta đi là đi luôn. Hẳn 15 người đang bị Đà Nẵng kiện (chín trường hợp đã xử sơ thẩm), trước khi đi, đã nhận thức rõ họ đang làm việc trong bộ máy hành chính ra sao.

Dẫu Đà Nẵng đang là một điểm sáng trong cải cách hành chính, nhưng thực tế, guồng máy hành chính vẫn đang chuyển động trong vô vàn cơ chế tréo ngoe, khiến người có năng lực không khỏi mệt mỏi, chán nản. Đất dụng võ thật sự cho người có năng lực ở đâu?

Chuyện này thật khó! Một vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nói, là từ chuyện này, cần cân nhắc việc du học phải theo ngành nghề trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phải là những ngành thực sự cần để dễ bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, việc xét duyệt cấp học bổng cũng phải chặt chẽ hơn trước, không tham về số lượng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là tính toán theo kiểu hành chính, tổ chức. Điều quan trọng là người tài làm việc với ai? Trên đầu, ngang hàng, ở dưới họ là ai? Một bộ máy hành chính cồng kềnh, tràn ngập chỉ thị, công văn, nạn quan liêu, hành chính hóa là trầm kha không ngăn chặn được, thì tài mấy rồi cũng bị thui chột.

Bộ máy hành chính chuyên nghiệp còn là chuyện vời xa, nên trách họ cũng đúng nhưng cũng thật chua chát, bởi từng có bao nhiêu người vì quê hương đã trở về rồi bầ m dậ p, nỗi lòng chung là không được trọng dụng, không có đất dụng võ. Nếu so sánh tài năng của họ với đại bàng, thì làm sao họ ở cùng lồng với chim sẻ được?

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI