'Cứu' đạo đức học sinh, bắt đầu từ đâu?

22/05/2019 - 09:44

PNO - Ở cấp tiểu học, môn đạo đức có thời lượng 35 tiết/năm học; cấp THCS và THPT, môn giáo dục công dân cũng có thời lượng 35 tiết/năm học. Dù số tiết học đầy đủ như vậy nhưng đạo đức học đường cứ ngày càng xuống cấp…

Phải tăng cường dạy môn đạo đức, giáo dục công dân cho học sinh (HS) là ý kiến của nhiều đại biểu tại các kỳ họp Quốc hội trước thực trạng đạo đức học đường xuống cấp như hiện nay. Giải pháp của Bộ GD-ĐT đưa ra là điều chỉnh, bổ sung chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng giảm tải kiến thức, cân bằng giữa 'dạy chữ' và 'dạy người', đồng thời có phương án điều chỉnh, bổ sung chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân theo hướng đổi mới phương pháp, tăng thời lượng, chất lượng...

'Cuu' dao duc hoc sinh,  bat dau tu dau?
HIện tượng học sinh đánh bạn hội đồng, quay clip đưa lên mạng không còn hiếm

Chưa chú ý giáo dục nền tảng

Tuy nhiên, ông Võ Văn Tám, nguyên cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, cho rằng, với cấu trúc chương trình mới, trọng lượng, áp lực thời gian học vẫn đè nặng lên HS cấp tiểu học khi quy định tổng số tiết bắt buộc trong năm học lên đến 1.050 tiết (bình quân: 30 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn). Trong khi lớp Tám, Chín: 1.032 tiết (bình quân: 29,5 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn); lớp 10, 11, 12: 1.015 tiết (bình quân: 29 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn).

'Theo số liệu trên, dẫu những người biên soạn chương trình lý giải rằng, tiểu học mỗi tiết học 35 phút, cũng thấy quỹ thời gian đến trường để học giữa các cấp sít soát nhau - không thấy sự phân biệt quỹ thời gian về tổng số tiết đến trường để học theo độ tuổi', ông Tám nói. 

Sở dĩ quan tâm đến thời lượng bởi theo ông Tám, giáo dục cấp tiểu học đặt nền tảng ban đầu rất quan trọng đối với HS. Đây là lứa tuổi cần tạo lập những nếp quen để rèn luyện, hình thành đức hạnh và tâm tính tốt, ngăn chặn những biểu hiện xấu, mới có cơ sở vững chắc phát triển về sau. 'Những đặc điểm - dấu hiệu về tâm lý, tính nết, hành vi luôn biểu hiện trong những lúc vui chơi, giải trí, trong những sinh hoạt mang tính tập thể. Nên cần phải có quỹ thời gian để giáo viên quan sát, theo dõi, phát hiện, đồng hành với HS trong quá trình giáo dục, chứ không nên dồn ép kiến thức', ông Tám nói.

Thay vì dạy chống tham nhũng, hãy dạy về lòng trung thực

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục đạo đức, nhân cách HS được thực hiện thông qua các môn học, hoạt động giáo dục, trong đó môn giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn đạo đức, ở THCS là môn giáo dục công dân, ở THPT gọi là môn giáo dục kinh tế và pháp luật) đóng vai trò quan trọng và được dạy xuyên suốt cả ba cấp học.

Cụ thể, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học, THCS), môn đạo đức và giáo dục công dân là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), môn giáo dục kinh tế và pháp luật được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh với thời lượng 70 tiết/năm học. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của cô Phạm Hồ Hoàng Điệp, giáo viên trường Quốc tế Canada, thì dù có tăng thời lượng, nhưng nếu môn đạo đức hay giáo dục công dân vẫn mang tính hình thức và nặng về lý thuyết suông như hiện nay thì sẽ không mang lại hiệu quả trong việc “cứu lấy” đạo đức HS.

Chỉ ra một ví dụ cụ thể, cô Điệp cho rằng: 'Cách dạy đạo đức trong trường hiện nay cũng vô hồn như hai chữ 'nội quy' mà trường nào, lớp nào cũng có. Hai chữ được tô đỏ, in đậm đặt ở nơi trang trọng với câu chữ khá súc tích yêu cầu HS phải tuân thủ nhưng chẳng mấy em nắm được hay quan tâm, nhớ đến. Trong khi giáo viên, nhà trường cũng không hề bận tâm đến việc HS cần hiểu rõ việc mình không được phép làm'. Theo cô, nhà trường chỉ cần làm sao để mỗi HS hiểu và tự nguyện tuân theo những quy định giữa thầy và trò đã là một bài học đạo đức thành công.

Một ví dụ cụ thể mà cô Điệp cho rằng 'sẽ chẳng mang lại lợi ích gì' trong chương trình giáo dục đạo đức cho HS, đó là thông tin sẽ đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình môn giáo dục công dân. “Đối tượng tham nhũng là ai? Nếu chống, các em sẽ chống như thế nào? Công cụ nào giúp các em làm điều đó?”, cô Điệp khẳng định nếu chưa trả lời được những câu hỏi ấy thì việc đưa thêm một nội dung vô bổ vào chương trình cũng chỉ tạo thêm gánh nặng cho HS.

Theo cô, cần thiết hơn so với việc dạy phòng, chống tham nhũng là dạy HS lòng trung thực, tự trọng ngay từ cách đánh giá đúng thực lực của mỗi HS từ phía nhà trường; từ việc dám nhìn thẳng vào những vấn đề tồn đọng của giáo dục để giải quyết nó. 'Nếu chúng ta cứ dạy đạo đức theo kiểu bất nhất giữa lý thuyết với thực tiễn, thì những lời hô hào sáo rỗng cũng chỉ có thể tồn tại cùng với sự xuống cấp đạo đức mà thôi', cô Điệp nói. 

Thu Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI