Còn mô hình đào tạo sư phạm cũ, còn 'thợ dạy'

09/09/2019 - 07:39

PNO - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trường sư phạm phải đào tạo nhà giáo dục thay cho việc đào tạo “thợ dạy". Ngành giáo dục đang hoàn thiện đề án sắp xếp lại các trường sư phạm. Trong đó, trường CĐSP là đối tượng giảm đầu mối...

Thế nhưng, theo nhiều nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết với giáo dục, vấn đề cốt lõi hiện nay không phải là sắp xếp lại các trường sư phạm, mà là sắp xếp lại việc đào tạo giáo viên (GV). Bởi, mô hình đào tạo GV lỗi thời và câu chuyện giải pháp nóng của hôm nay, đã được nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân đề cập từ ba mươi năm trước. Báo Phụ Nữ TP.HCM trò chuyện với giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam, xoay quanh vấn đề này.
Trường sư phạm cần đa ngành hóa

Trường sư phạm cần đa ngành hóa

* Phóng viên: Thưa giáo sư, với ngành giáo dục, đặc biệt là trước thực trạng của các trường sư phạm hiện nay - không ít trường CĐ sư phạm có nguy cơ “khai tử”, chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng tinh thần nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”?

Con mo hinh dao tao su pham cu, con 'tho day'

- Giáo sư Trần Hồng Quân: Theo tôi, cần nhận thức lại nghị quyết 19, vì có lẽ từ nghị quyết này mà đặt ra vấn đề sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm. Ở diện rộng, cả hệ thống hành chính và sự nghiệp của ta đều đang ở trạng thái khó khăn. Bộ máy hành chính cồng kềnh, quá nhiều đầu mối, biên chế nặng nề, ngân sách nhà nước rất khó để có thể đảm bảo. nghị quyết 19 đã ra rất đúng lúc, có chuyện sắp xếp lại hệ thống, giảm đầu mối, giảm biên chế để giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời phải bảo đảm cho hệ thống hành chính cũng như hệ thống sự nghiệp hoạt động hiệu quả.

Yêu cầu đặt ra là giảm ngân sách nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu quả, và giảm đầu mối, giảm biên chế là một trong những giải pháp cơ bản mà nghị quyết 19 nêu ra chứ không phải là giải pháp bất biến. Có nghĩa, ta có thể áp dụng nhiều giải pháp, cốt sao giải quyết được hai yêu cầu đặt ra đó.

Xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm do Bộ GD-ĐT nêu ra, mới là dự thảo nhưng đã gây xôn xao trong hệ thống các trường sư phạm và các trường có đào tạo ngành sư phạm. Vấn đề ở đây không phải là sắp xếp các trường sư phạm, mà là sắp xếp lại việc đào tạo GV. Vì hiện nay, việc đào tạo GV đâu chỉ ở trong các trường sư phạm. Cả nước có hơn 150 cơ sở đào tạo GV, trong đó hơn 90 cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. 

Ngược lại, nhiều trường mang tên sư phạm nhưng không chỉ đào tạo GV. Ví dụ các trường sư phạm kỹ thuật, phần lớn hiện nay đào tạo kỹ sư chứ không đào tạo GV dạy kỹ thuật, dạy nghề. Trường sư phạm nghệ thuật không chỉ đào tạo GV dạy nghệ thuật mà còn đào tạo nghệ sĩ, hoạt động nghệ thuật. Như vậy, trường sư phạm không chỉ đào tạo GV và GV không chỉ được đào tạo ở các trường sư phạm. Nên bản chất của sắp xếp này cần hiểu là sắp xếp lại việc đào tạo GV.

* Thời kỳ giáo sư làm bộ trưởng, những bất cập trong mô hình đào tạo sư phạm đã được ông phân tích rất kỹ. Tháng 9/1990, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức hội nghị Quy trình đào tạo mới trong các trường ĐH. Nay, Bộ GD-ĐT bàn lại câu chuyện đổi mới của ba mươi năm trước?

- Trường sư phạm là sản phẩm của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng vậy, chủ yếu là các trường đào tạo đơn ngành. Sau đó, các trường này đã đa ngành hóa. Trong khi nước ta vẫn duy trì trường sư phạm như một loại hình đào tạo khép kín, đơn ngành, tuy thực tế đã có sự đa dạng hóa như trên. Ba mươi năm trước, tôi đã thấy mô hình đào tạo này không còn thích hợp và đề xuất quy trình đào tạo mới. Nhưng không hiểu vì sao, những bộ trưởng sau này không nhắc đến vấn đề đó nữa.

Thực tế, việc đào tạo GV ở trường đa ngành, đa lĩnh vực tốt hơn ở trường sư phạm khép kín. Vì các trường này đào tạo phần cơ bản rộng hơn, tạo ra môi trường đào tạo cho GV không chỉ là “thợ dạy” mà là nhà giáo dục, nhà khoa học. Một cách tự phát, hiện nay các trường đã dần dần chuyển theo xu thế đó, chúng ta thấy đúng thì chủ động chuyển đổi.

Con mo hinh dao tao su pham cu, con 'tho day'

Lớp học của một trường cao đẳng sư phạm chỉ có ba sinh viên

Trong đề án sắp xếp lại các trường sư phạm còn có vấn đề xây dựng hai trường ĐH sư phạm trọng điểm. Vấn đề này có hai điểm: một là dự án vẫn khẳng định trường ĐH sư phạm trọng điểm (mô hình cũ, không còn thích hợp) chứ không phải trường đa ngành trọng điểm. Hai là, có sự chỉ định đối với trường trọng điểm mà không phải là chọn sự phát triển của nó để trở thành trường trọng điểm. Trong khi cái chúng ta cần là sự tự khẳng định của các trường có chất lượng đào tạo cao.

Cử nhân sư phạm cần tự tìm việc làm

* Theo giáo sư, đổi mới đào tạo GV cần phải tiến hành như thế nào để có hiệu quả và lâu dài?

- Chúng ta cần chia giai đoạn. Một là giai đoạn đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản; ít kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cụ thể. Đào tạo theo hướng này đặc biệt thích hợp trong giai đoạn hiện nay, khi ngành nghề biến đổi nhanh chóng.

Giai đoạn hai là đào tạo nghiệp vụ sư phạm, có thể thực hiện ở hai năm cuối đại học (khác với mô hình cũ, đào tạo môn học và đào tạo nghiệp vụ sư phạm đồng thời trong suốt chương trình). Hoặc đào tạo môn học ở chương trình cử nhân, đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở chương trình cao học. Quy trình này trang bị cho sinh viên (SV) tiềm năng khoa học để vận dụng trong quá trình hành nghề, không phải “cầm tay chỉ việc”, đào tạo họ thành nhà giáo dục chứ không phải “thợ dạy”.

Nhược điểm của mô hình đào tạo cũ là kiến thức môn học của SV không thật sâu sắc, khó chuyển đổi nghề nghiệp khi có biến động của thị trường nhân lực. Theo cách đào tạo mới, có thể giai đoạn đầu hành nghề, GV chưa thật thành thạo việc giảng dạy, cần một thời gian để thích nghi. Tuy nhiên, ưu điểm của đào tạo nối tiếp là GV hiểu sâu về môn học cũng như kiến thức khoa học giáo dục để vận dụng có hiệu quả trong suốt cuộc đời giảng dạy. Thực ra, điều này chúng ta đã làm được từ rất sớm, nhưng sau này, rất tiếc chúng ta lại bỏ đi.

* Trong hơn hai mươi năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH đã có tới ba lần được quy hoạch và một lần điều chỉnh. Sau những lần điều chỉnh đó, cơ sở giáo dục ĐH đã tăng vọt, từ 52 (1995) lên 237 cơ sở (tháng 8/2019); quy mô SV tăng từ 367.500 lên 1.707.000 SV. Trong khi, tỷ lệ SV ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành ở mức cao. Giáo sư nhận định thế nào về vấn đề này?

- Sau khi tính toán, chúng tôi thấy trước mắt ta chưa thừa GV. Với sĩ số lớp học hiện nay 50-60 học sinh, nếu đúng chuẩn 20-30 học sinh, thì thậm chí ta thiếu rất nhiều GV. Nhưng ta cũng có một số không nhỏ GV cần phải bồi dưỡng, thậm chí phải sàng lọc. Hiện nay, người ta vẫn nói còn 250.000 SV sư phạm tốt nghiệp không có việc làm và cho rằng đào tạo quá nhiều. Tôi nghĩ không thuần túy là trách nhiệm của ngành giáo dục. Đó là vấn đề chung của xã hội.

Hơn nữa, theo các tổ chức lao động thế giới, tỷ lệ thất nghiệp đó chỉ ở mức tầm tầm so với các nước khác. Nên đừng lấy đó để nói ta đào tạo quá nhiều. Hơn nữa, cần phải theo nguyên tắc: đào tạo ra SV không phải lúc nào nhà nước cũng phải có trách nhiệm phân công công việc. Đương nhiên, về vĩ mô nhà nước phải chỉ đạo làm sao cho cân đối, không đào tạo thừa. Và cũng cần phải làm sao để SV ra trường tự tìm việc làm như SV tốt nghiệp ngành nghề khác.  

Con mo hinh dao tao su pham cu, con 'tho day'
Về nguy cơ “khai tử” các trường CĐ sư phạm, phó giáo sư - tiến sĩ  Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, thẳng thắn: “Hiện nay, trong tổng số 154 trường đào tạo sư phạm sẽ có trường đạt chuẩn, trường không đạt chuẩn. Theo tôi hiểu ý của Bộ GD-ĐT: những trường nào không đạt chuẩn thì muốn đi đâu thì đi, không sống được thì chết. Như vậy là không nhân văn. Trong thời điểm này, bản thân họ cũng không biết đi đâu, về đâu. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường. Thực tế, nhiều trường đào tạo sư phạm, đặc biệt là các trường CĐ địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Tâm lý chung là hoang mang và lúng túng trong định hướng phát triển, không biết sẽ đứng đâu trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, hầu hết các trường CĐ sư phạm đều rất khó tuyển sinh. Ngành giáo dục không thể gạt họ ra mà phải tìm cách đổi mới để họ tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo”.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI