Con không cần phải cứu thế giới!

22/10/2018 - 06:02

PNO - Thay vì kỳ vọng, thậm chí tạo áp lực để con cái trở thành người “phải có danh gì với núi sông”, thì hãy hướng con chọn một cuộc đời bình thường nhưng đầy tư cách, đam mê, có lòng tự trọng và phẩm giá.

Vì con cái chúng ta không cần trở thành anh hùng đi cứu thế giới mà chỉ cần sống tử tế, hạnh phúc và có ích cho cộng đồng. 

Tư tưởng này của Lương Nguyễn An Điền, tác giả cuốn sách Không nổi tiếng cũng đâu có sao! liệu có phù hợp với một thời đại mà sự nổi tiếng luôn được tôn vinh, ca ngợi và trở thành nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ, cũng như chính đứa trẻ từ đời thực đến mạng xã hội...?

Con khong can phai cuu the gioi!
Đừng kỳ vọng con trở thành khuôn mẫu thành công

Khi cha mẹ là “máy bay trực thăng”

Tháng 9/2017, trên trang xã luận của The New York Times có bài viết đáng chú ý mang tựa đề You’ll Never Be Famous - And that’s O.K. (tạm dịch: Bạn sẽ không bao giờ nổi tiếng - và điều đó ổn thôi) của chuyên gia tâm lý nổi tiếng Emily Esfahani Smith. Trong bài viết này, tác giả cho biết, bà thấy không ít sinh viên Mỹ theo đuổi mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo tài ba nhằm thay đổi thế giới. Họ cho rằng chỉ những người nổi tiếng, làm được điều phi thường thì mới có cuộc đời ý nghĩa, đáng sống. Chẳng hạn như trở thành một người có sức ảnh hưởng cộng đồng (KOLs), một doanh nhân tài ba hay nhà lãnh đạo kiệt xuất... Chính các trường hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Fulbright cũng ưu tiên tuyển dụng những sinh viên có “kỹ năng lãnh đạo”. 

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra sự sai lầm trong cách hiểu của cả người trẻ lẫn các bậc phụ huynh. “Kỹ năng lãnh đạo” mà các đại học hàng đầu nước Mỹ tìm kiếm hoàn toàn không phải là cá nhân muốn trở thành những nhà lãnh đạo, cầm quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân và hào quang của sự nổi tiếng, mà mục tiêu cốt lõi của các trường chính là tạo ra những con người có đam mê, khát vọng được đóng góp cho xã hội. Thế nhưng, ngay cả trong xã hội Mỹ cũng hiểu sai triết lý này, khiến cho trẻ lớn lên đã khao khát cuộc đời phi thường. Tuổi trẻ hẳn nhiên là phải có lý tưởng, khát vọng, tác giả Smith thừa nhận điều này. Nhưng nó không nên là các cá nhân kiệt xuất theo chuẩn mực trên internet. Quan điểm này vô hình trung đã tạo những áp lực lớn lên giới trẻ. 

Theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương - người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường Việt Nam - làm cha mẹ ít nhiều chúng ta đều muốn con cái học giỏi. Do sự sợ hãi với đói nghèo trong quá khứ và sự đàm tiếu của gia tộc có truyền thống khoa bảng, nhiều cha mẹ muốn con không chỉ tốt nghiệp đại học mà còn phải đứng đầu trong mỗi cấp lớp. Và tất nhiên, tốt nghiệp thủ khoa là một danh dự, là chiếc cúp mà mỗi gia đình đều muốn có để khoe mỗi khi có khách đến chơi nhà. 

Kết quả thực tế cho thấy, hầu hết các thủ khoa ra trường đều thành công và có công việc ổn định. Nhưng nghiên cứu của tiến sĩ Karen Arnold ở Boston College trong cuốn sách Lives of Promise: What Becomes of High School Valedictorians (Cuộc sống hứa hẹn: Những thủ khoa trung học đã ra sao) cho thấy, sau một thời gian làm việc thì các em không còn dẫn đầu. Họ thường làm việc chăm chỉ, tuân theo nguyên tắc, luật lệ, ham học hỏi, họ làm rất tốt trong một hệ thống nhưng không thay đổi chúng. 

Tiếng lóng của Mỹ gọi những bậc phụ huynh luôn bay vòng vòng trên đầu con cái để kiểm soát việc học hành của con là “máy bay trực thăng”. Họ sẽ hạ cánh ngay tức khắc nếu con cái đi trật ra khỏi con đường để có được hào quang. “Việt Nam cũng không thiếu những cha mẹ như thế và áp lực mà cha mẹ đặt lên con cái đã tạo nên những con số đau lòng về tỷ lệ học sinh bị trầm cảm trong xã hội hôm nay. Theo nghiên cứu đăng trên tờ BMC Public Health năm 2013, trong 1.260 học sinh THPT tại Cần Thơ thì có đến 41,1% học sinh trầm cảm; tỷ lệ trẻ có ý định tự tử là 26,3%, có kế hoạch tự tử là 12,9%, đã từng tự tử là 3,8%. Con số này nếu nhìn rộng ra cả nước hẳn thật đáng sợ!”, tiến sĩ Lê Nguyên Phương nói.

“Trong một thế giới biến đổi không ngừng, rất khó để phân biệt lời khuyên từ người lớn, thế hệ đi trước là kinh nghiệm vô giá hay định kiến lỗi thời”.

Yuval Noah Harar

Thay đổi để thích nghi

Trong cuốn sách đang đình đám 21 lessons for the 21st century (tạm dịch: 21 bài học cho thế kỷ 21), tác giả Yuval Noah Harari đã chỉ rõ: trong tương lai, khi mà trí tuệ nhân tạo (AI) thống lĩnh và có thể làm thay con người cũng như phục vụ họ tận răng ở nhiều lĩnh vực, một trong những thách thức lớn nhất của mỗi người là cần phải xác định rõ mình là ai, mình thực sự muốn gì. Tác giả cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: trong một thế giới biến đổi không ngừng, rất khó để phân biệt lời khuyên từ người lớn, thế hệ đi trước là kinh nghiệm vô giá hay định kiến lỗi thời. “Tôi đồng ý với quan điểm này”, Lương Nguyễn An Điền nói. Theo An Điền, không ai trong chúng ta nên sống theo kỳ vọng, khuôn mẫu thành công được đặt ra bởi người khác, dù đó có là người thân của mình. Biết rõ mình muốn gì, mình cần đi con đường nào là trách nhiệm của mỗi người không ai có thể làm thay được. 

Trong thời mạng xã hội và KOLs có tiếng nói “quy ra thóc” như hiện nay, thì người trẻ nào cũng muốn trở thành KOLs cả. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Pew (Mỹ), mạng xã hội là nơi mà bất luận người ta có ý kiến gì thì tuyệt đại đa số những người vào comment sẽ là những người đồng ý; ai không đồng ý đa phần chọn giải pháp bỏ đi, không màng tới. Chính vì vậy, người ta rất dễ có cảm giác “ta là một, là riêng, là thứ nhất” trong thế giới ảo mạng xã hội của mình.

Não bộ mỗi người cũng phát triển theo kiểu sẽ đi tìm thông tin, dữ liệu nhất quán với những gì chúng ta đã tin, đã thấy. Nói cách khác, chúng ta luôn tin những gì mình muốn tin và thấy những gì mình muốn thấy. Từ đó, chúng ta luôn có xu hướng tìm kiếm thông tin, dữ liệu chỉ để chứng minh cho những gì bản thân mình luôn muốn tin và từ chối tiếp nhận những thông tin, dữ liệu ngược lại với những gì mình đã tin. Đây được gọi là hiện tượng thiên kiến xác nhận.

Lương Nguyễn An Điền chiêm nghiệm: “Trong một thế giới phức tạp và không ngừng thay đổi như hiện nay, nếu chúng ta chỉ tin những gì mình muốn tin và từ chối tiếp nhận thông tin theo chiều hướng ngược lại, chúng ta sẽ rất dễ bị bỏ lại đằng sau vì lối suy nghĩ bảo thủ đó. Tôi đã từng nghĩ mình sẽ không bao giờ làm việc được với các bạn 9x vì cho rằng cách tư duy, cách sống của họ không hợp với mình. Thế nhưng, trong suốt ba năm qua, tôi hầu như làm việc với các bạn 9x. Điều này đòi hỏi tôi phải thích nghi và thay đổi. Tôi phải cố gắng hiểu ngôn ngữ, tư duy và nếp nghĩ của các bạn để dung hòa nhằm đảm bảo công việc thuận lợi, trơn tru nhất. Nhờ vậy, chúng tôi học được lẫn nhau rất nhiều. Quá trình thích nghi luôn là đường hai chiều”.

Từ những kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn của mình, bà Smith khẳng định rằng, cuộc sống có ý nghĩa nhất là cuộc đời bình thường nhưng đầy tư cách và phẩm giá, chứ không phải là cuộc đời kiệt xuất phi thường. Người có cuộc sống ý nghĩa sẽ luôn tạo ra sự kết nối, đóng góp cho cộng đồng với bất kỳ hình thức nào, dù nhỏ nhoi đến đâu và dù có nhiều tiền hay không. 

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Dạy trẻ biết sống cân bằng 

Hãy dạy con trẻ học ra học, chơi ra chơi. Mỗi đứa trẻ khi ngồi trên ghế nhà trường hãy chú tâm trọn vẹn vào thực tại của mình. Thực tại đó là trách nhiệm với gia đình và trường học. Và thực tại đó cũng nằm trong những phút giây thư giãn nghỉ ngơi. Không chìm đắm trong vui chơi nhưng cũng không mệt nhoài trong học hành. Vấn đề là trẻ phải tận lực, chuyên chú và có trách nhiệm với việc mình làm. Các em không thể lười biếng thờ ơ trong việc học rồi biện hộ miễn sao mình hạnh phúc. Ngược lại, một học sinh cũng không thể chìm đắm trong ganh đua, hy sinh tất cả cho sự thành đạt để rồi một ngày giàu sang danh tiếng mà trầm cảm, oán hận và cô đơn.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI