Chương trình giáo dục phổ thông mới: Có giẫm lên vết xe đổ phân ban?

09/01/2019 - 08:30

PNO - Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng theo hình thức cuốn chiếu kể từ năm học 2020-2021. Từ cấu trúc chương trình tổng thể, thấy nổi lên một số vấn đề đáng quan ngại khi đưa vào thực hiện.

Chưa thấy phân biệt thời gian cho lứa tuổi

Quy định tổng số tiết bắt buộc/năm học trong chương trình tổng thể ở các cấp: lớp Bốn, Năm: 1.050 tiết (bình quân: 30 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn); lớp Tám, Chín: 1.032 tiết (bình quân: 29,5 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn), lớp 10, 11, 12: 1.015 tiết (bình quân: 29 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn).

Nhìn vào tổng số tiết ở mỗi cấp học, dẫu những người biên soạn chương trình lý giải rằng, tiểu học mỗi tiết học 35 phút, cũng thấy quỹ thời gian đến trường để học giữa các cấp sít soát nhau. Không thấy ban biên soạn chương trình phân biệt quỹ thời gian về tổng số tiết đến trường để học theo độ tuổi. Với cấu trúc chương trình này, áp lực thời gian học đè nặng lên học sinh lớp Bốn, Năm. 

Giáo dục tiểu học đặt nền tảng ban đầu rất quan trọng đối với học sinh. Đây là lứa tuổi cần tạo lập nền nếp để rèn luyện đức hạnh, tâm tính, ngăn chặn những biểu hiện xấu mới có cơ sở vững chắc phát triển về sau.

Những đặc điểm, dấu hiệu về tâm lý, tính nết, hành vi biểu hiện trong những lúc vui chơi, giải trí, trong sinh hoạt tập thể nên cần phải có quỹ thời gian để giáo viên quan sát, theo dõi, phát hiện, cùng đồng hành với học sinh trong quá trình giáo dục, chứ không nên dồn ép kiến thức vào não bộ trẻ.

Cảnh tỉnh vết xe đổ

Việc phân nhóm môn học ở THPT nhằm đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS, định hướng cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông là cần thiết, nhưng không mới, bởi nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã triển khai từ lâu. 

Theo cấu trúc chương trình mới, ngoài các môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh), phân hóa đối tượng thành ba nhóm để đáp ứng nhu cầu và năng lực học sinh: nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm môn công nghệ và nghệ thuật.

Chuong trinh giao duc pho thong moi: Co giam len vet xe do phan ban?
Học sinh tiểu học thích thú với tiết học ngoài nhà trường

Dạng thức phân nhóm có kế thừa chương trình phân ban hiện hành, nhưng khác hơn ở chỗ: thêm nhóm môn công nghệ và nghệ thuật; yêu cầu dạy tích hợp ở một số bộ môn. Theo chương trình phân hóa này, khi học sinh tự chọn theo nhóm, có một số môn sẽ bỏ hẳn - không học suốt ba năm THPT. 

Nhìn lại việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa trước đây, lúc đầu thí điểm phân ban THPT có hai ban: khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV) và khoa học tự nhiên (KHTN). Nhưng một thời gian, nhiều học sinh không theo học nổi nên chương trình thay đổi, thêm ban cơ bản. Đối với ban KHXH-NV, rất ít học sinh theo học. Số học sinh theo học ban KHTN cũng không nhiều, khoảng 3-4 lớp. Hầu hết các trường dạy - học theo chương trình ban cơ bản. 

Một điểm nữa, khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thời gian đầu mới thay sách, Bộ GD-ĐT ra đề thi còn dành riêng cho đối tượng học theo từng ban. Những năm gần đây, đề thi chỉ thống nhất nội dung một chương trình theo ban cơ bản. Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa này tốn kém rất nhiều công sức, nhưng cuối cùng việc thực hiện chương trình phân ban đến nay hoàn toàn phá sản.   

Liệu có đủ giáo viên?

Với nhóm môn công nghệ và nghệ thuật mà trước đây chưa có, liệu có kịp thời đào tạo đủ giáo viên để đáp ứng giảng dạy hay không? Bởi âm nhạc, mỹ thuật là những môn thuộc về năng khiếu, trước tiên người dạy phải có năng khiếu. 

Đối với chương trình phân hóa tự chọn, khi đưa vào triển khai thực hiện sẽ có tình trạng: có trường học sinh nghiêng về chọn nhóm môn khoa học xã hội, hoặc ngược lại, sẽ xảy ra hiện tượng thừa giáo viên ở bộ môn này và thiếu giáo viên ở bộ môn kia.Thực tế này sẽ dẫn đến hai tình huống.

Thứ nhất: Nếu hiệu trưởng nghiêng về đáp ứng tự chọn cho học sinh, tất nhiên sẽ có những môn thiếu giáo viên, buộc phải dạy tăng tiết để thực hiện đúng số tiết của chương trình, nảy sinh vấn đề tiền thừa giờ. Còn những bộ môn thừa giáo viên, hiệu trưởng sẽ khó khăn vì không có quyền cắt giảm biên chế. 

Thứ hai: Nếu hiệu trưởng nghiêng về phía giáo viên, để cân bằng số tiết giảng dạy, không để xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên, thì hiệu trưởng sẽ định hướng, học sinh sẽ không còn quyền tự chọn môn học. Nếu rơi vào tình huống thứ hai sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực, sở thích của học sinh sau THPT; sẽ gặp sự phản ứng của phụ huynh. Điều quan trọng hơn, sẽ vô hiệu hóa mục tiêu cơ bản của công cuộc cải cách.

Dĩ nhiên còn nhiều vấn đề khác, từ khâu đào tạo, đào tạo lại giáo viên, cũng như phương án dạy tích hợp mà các trường rất băn khoăn, lúng túng… Nếu Bộ GD-ĐT không chuẩn bị chu đáo, chắc rằng sẽ giẫm lên vết xe đổ như thực trạng phân ban vừa qua. Phụ huynh rất sợ khi con em mình lại rơi vào thân phận “chuột bạch”, tốn công mất của, tác hại khôn lường. 

Võ Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI