Chỉ tiêu đại học tăng, lại lo thừa thầy thiếu thợ

21/05/2019 - 08:12

PNO - Mỗi năm, bộ chỉ hậu kiểm tra được 20 trường và vẫn có trường vi phạm, khiến việc tăng chỉ tiêu là đáng lo ngại. Chưa kể còn làm tăng tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Việc “xin” chỉ tiêu của các trường chủ yếu dựa vào phần tự kê khai tiềm lực và sau đó là hậu kiểm của Bộ GD-ĐT. Nhưng mỗi năm, bộ chỉ hậu kiểm được 20 trường và vẫn có trường vi phạm, khiến việc tăng chỉ tiêu là đáng lo ngại. Chưa kể còn làm tăng tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Mỗi năm chỉ hậu kiểm 20/367 trường

Năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) dựa vào Thông tư 01. Nhưng điểm dễ nhận thấy là Thông tư 01 có nhiều quy định cũng chẳng khác với “người tiền nhiệm” Thông tư 06 là mấy. Có thể thấy, việc “xin” chỉ tiêu chủ yếu dựa vào phần tự kê khai tiềm lực của trường.

Từ năm 2017 đến nay, các trường bắt đầu kê khai nguồn lực đội ngũ, cơ sở vật chất trang thiết bị, tỷ lệ sinh viên có việc làm. Cách thức này cũng là kẽ hở lớn, các trường dễ dàng “qua mặt” để có được chỉ tiêu mình mong muốn bởi từ trước đến nay danh sách giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng rất dễ được “phù phép”. Có giảng viên cho hàng loạt trường “mượn tên”; nhiều phó giáo sư đã mất từ lâu nhưng vẫn còn tên trong danh sách giảng viên... là những chuyện không còn lạ.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT, bộ có phần mềm rà soát rất kỹ để xem các trường có gì tăng đột biến hay không. Qua những đợt hậu kiểm, trên cơ sở đó bộ điều chỉnh kịp thời khi cần thiết, để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phải phù hợp với nguồn lực của từng trường. Trường càng tự chủ thì càng phải công khai, càng chịu trách nhiệm về các số liệu đó, để sinh viên, xã hội, cơ quan quản lý nhà nước giám sát.

Chi tieu dai hoc tang, lai lo thua thay thieu tho
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào đại học

Thế nhưng, những cuộc hậu kiểm mà bộ tin rằng sẽ là lá chắn phát hiện ra những trường chưa đảm bảo chất lượng là gì? Đó là mỗi năm chỉ có thể đi kiểm tra khoảng 20 trường, con số này chẳng bõ bèn gì so với số trường ĐH, cao đẳng (CĐ) khối ngành sư phạm mà bộ đang quản lý. Trong khi cả nước hiện nay có 367 trường ĐH, CĐ, trung cấp tham gia xét tuyển.

Lý giải cho điều này, ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, cho biết: “Chúng ta không thể nào có đủ nguồn lực, kể cả về con người, tài chính để đi kiểm tra tất cả cơ sở này. Trong năm 2019, bộ trưởng đã ký quyết định đi kiểm tra khoảng 20 cơ sở. Trong số 20 trường này cũng phải tính toán trường nào nên đi”. 

Năm ngoái, sau khi bộ đi hậu kiểm các trường đã phát hiện trường hợp buộc trường phải điều chỉnh hạ chỉ tiêu. Mới đây, đoàn kiểm tra của bộ đã hoàn tất công tác hậu kiểm các trường năm nay. Mục đích nhằm bảo đảm sao cho chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp, tương xứng với năng lực tuyển sinh các trường. 

Thế nhưng, tổng chỉ tiêu năm nay vẫn đội lên gần 490.000 chỉ tiêu, tăng khoảng 7,5% so với năm ngoái. Bộ GD-ĐT lý giải, những trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao... sẽ được tăng chỉ tiêu phù hợp với năng lực của trường. Trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 46.000, tăng khoảng 10.000 so với năm 2018. Ông Nghệ giải thích thêm, mặc dù nhu cầu các địa phương gửi về là hơn 63.000 giáo viên đang còn thiếu, nhưng bộ chỉ xác định 46.000 chỉ tiêu. 

Đến nay, chúng ta vẫn hiếm khi thấy Bộ GD-ĐT công bố rộng rãi tên những trường bị cắt chỉ tiêu, kê khai tiêu chí đảm bảo chất lượng… Hoặc chí ít cũng phải công khai trên website của bộ để người học tìm hiểu, xã hội nhìn nhận, bởi đây là điều mà người học có quyền được biết. 

Đại học có “hốt” hết người học của Cao đẳng, trung cấp?

Với lượng chỉ tiêu tăng dần đều và cách xét tuyển bằng học bạ “biết trước đậu” của các trường ĐH khiến nhiều người lo ngại trường ĐH sẽ “hốt” hết người học và phá vỡ kết cấu nguồn nhân lực cần phải có, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và số lượng cử nhân thất nghiệp sẽ càng tăng. 

Trong khi đó, Bộ GD-ĐT phản bác thông tin cho rằng “ĐH tuyển nhiều quá nên không còn nguồn cho các trường CĐ, trung cấp tuyển”. Phía bộ khẳng định các minh chứng cho thấy trừ số vào ĐH thì nguồn tuyển vẫn còn khoảng 1 triệu thí sinh cho giáo dục nghề nghiệp tuyển vào. 

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2019, cả nước có 367 đơn vị tham gia xét tuyển sinh, tổng chỉ tiêu gần 490.000 và kết quả thực tuyển đạt ở mức 82-85%. Mặt khác, hằng năm số tốt nghiệp THCS mà không vào THPT cũng dao động từ 250.000-300.000 học sinh. Như vậy, nguồn tuyển cho giáo dục nghề nghiệp vẫn còn hơn 1 triệu học sinh nên không thể nói là thiếu nguồn tuyển. Những số liệu thực tế đó cho thấy, nguồn tuyển của giáo dục nghề nghiệp còn rất lớn. Vấn đề là giáo dục nghề nghiệp phải làm sao để thu hút được người học.

Còn theo ông Mai Văn Trinh, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ của năm 2019 giữ ổn định so với năm 2017, 2018. Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm từ 2015 trở về trước thì số thí sinh có nguyện vọng vào ĐH, CĐ đã giảm nhiều.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI