Cần có 'luật chơi' sòng phẳng cho giáo dục tư

07/05/2019 - 09:01

PNO - Sự công bằng trên yếu tố chất lượng, duy chỉ có con đường đó mới phân định rạch ròi được trường mạnh - yếu, chứ không phải công hay tư.

Đề nghị đặt yếu tố chất lượng khi nói đến sự công bằng giữa giáo dục tư thục và công lập, PGS. TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng đề xuất “luật chơi’ cần sòng phẳng cho giáo dục công - tư. “Sự công bằng trên yếu tố chất lượng, duy chỉ có con đường đó mới phân định rạch ròi được trường mạnh - yếu, chứ không phải công hay tư. Chính sách đặc thù của nhà nước cho giáo dục cũng cần mở ra để cả 2 bên đều được tham gia nếu đủ tiêu chuẩn” - ông Phong nói.

Liên hệ với các nước tiên tiến, ông Phong cho biết mô hình tam giác có ba đỉnh đó là đại học – công nghiệp - chính phủ. Nếu có sự hài hoà giữa 3 yếu tố này đảm bảo sự hài hòa cho giáo dục đại học. Giáo dục tư thục bản thân họ có 2 đỉnh đại học và công nghiệp, chỉ cần có luật lệ tốt thì tôi tin giáo dục tư thục đủ sức phát triển mạnh trong tương lai.

PGS.TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương TP.HCM cho biết: Từ trường công qua tư như đi qua 1 thế giới khác. Nhiều trường tư đủ tạo ra 1 thị trường cạnh tranh hoàn hảo, nó tạo cho sinh viên cơ hội lựa chọn học tập tuỳ theo mỗi người. Bây giờ đâu ai khẳng định chất lượng trường công sẽ cao hơn trường tư? Đã là thị trường cạnh tranh, ai “chết” thì chịu. Trường công còn gò bó, trường tư được tự chủ học phí... để tạo ra sản phẩm giáo dục theo năng lực của mình.

Can co 'luat choi' song phang cho giao duc tu
PGS.TS Phan Thanh Bình: "Sẽ có "luật chơi" sòng phẳng cho giáo dục tư thục

PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhìn nhận, cùng với giáo dục công lập, giáo dục tư thục rất quan trọng, được xem là 2 cánh của một con chim. Hiện những thay đổi trong hành lang pháp lý đang tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát triển, nhưng cũng đặt ra yêu cầu "giáo dục tư thục cần làm gì và phải làm gì?".

Một thực tế phải thừa nhận, nhiều đại học tư thục vẫn không tuyển sinh được hoặc có những việc làm không chuẩn mực. Sắp tới luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho giáo dục tư thục phát triển trong 10, 20 năm tới. Các trường tư thục sẽ cạnh tranh trên thước đo chất lượng, hiệu quả đào tạo với trường công. Luật Giáo dục sửa đổi đang đi trên 3 quan điểm lớn là: mở, năng lực người học và tự chủ của cơ sở giáo dục. Trong đó, vấn đề tự chủ ở 3 khía cạnh học thuật, tổ chức và tài chính.

Người làm giáo dục “sợ tiếng xấu” kinh doanh giáo dục

PGS.TS Thái Bá Cần, Phó Tổng giám đốc phát triển đại học Tập đoàn Nguyễn Hoàng, cho rằng chất lượng giáo dục công lập chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, tụt hậu so với sự phát triển của giáo dục thế giới (do kinh phí đầu tư thấp, không có khả năng đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trả lương cho đội ngũ giáo thấp không đủ sức khuyến khích lao động sáng tạo của nhà giáo…).

Cụ thể, tuy dành đến 20% GDP đầu tư cho giáo dục nhưng do số lượng học sinh quá lớn thành ra đơn vị thấp. Năm 2017, con số đầu tư cho giáo dục là 248.118 tỷ đồng nhưng với 23.5 triệu học sinh sinh viên nên bình quân mỗi em chỉ được đầu tư 10 triệu đồng là quá thấp. Sự đầu tư dàn trải này không mang lại chất lượng như mong muốn. Do đó, cần phải đẩy mạnh giáo dục tư thục phát triển. Nhưng nước ta thuộc nhóm nước có tỷ lệ giáo dục tư thục thấp, sự quan tâm phát triển mảng giáo dục này của Nhà nước chưa cao. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn quan niệm xã hội về giáo dục như một phúc lợi xã hội. Các hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục tư thục thường hiểu là kinh doanh giáo dục, đó là tiếng xấu mà người làm giáo dục rất ngại.

Từ đó, PGS Cần chỉ ra 2 hướng phát triển của giáo dục tư thục hiện nay: Hướng thứ nhất là đại chúng - các trường tư thục góp phần tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng được học tùy theo điều kiện, năng lực của bản thân. Hướng thứ 2 là đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế - các trường đưa các chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới về Việt Nam.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI