Cái cúi đầu

03/10/2017 - 11:04

PNO - Ở đó, thứ các em thu vào ký ức của mình không chỉ có thầy cô, bạn bè, những kỳ thi, chuyện học hành, mà còn có những con người vô cùng khiêm tốn ở một góc nhỏ nhoi nào đó.

Chiều tối 29/9, “cõi mạng” sốt hừng hực với đoạn clip ngắn được lan truyền bằng tốc độ của… hỏa tiễn. Chỉ trong buổi tối đã có hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Đoạn clip do một phụ huynh ghi lại cảnh học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lễ phép cúi đầu chào bác bảo vệ mỗi buổi sáng đến trường. 

Cai cui dau

Ngày nhỏ, chúng ta được dạy phải đi thưa về trình, gặp người lớn thì gỡ nón, khoanh tay, cúi đầu chào. Đó là cái cúi đầu dành cho người lớn hơn, bất kể địa vị, nghề nghiệp. Nhưng không biết từ khi nào, cái điều bình thường ấy đã trở nên xa lạ. Đến trường, học sinh chỉ tôn trọng (cũng có thể là sợ) thầy cô giáo. Về nhà, chúng ta cũng thường nghe phụ huynh dạy con phải biết chào cô, chào thầy.

Hình ảnh học sinh vô tư lướt qua những cô lao công, bác bảo vệ - những người được mặc định không có vai trò quan trọng trong trường học - trở nên chuyện thường nhật. Bởi thế nên việc học sinh cúi đầu trước bác bảo vệ - một hành động rất nhỏ, rất bình thường nhưng lại “gây bão”. 

Cũng trong tuần qua, Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý - một ngôi trường tư được xếp vào hàng “có số má” tại Sài Gòn đánh dấu cột mốc 10 năm phát triển. Một buổi lễ lớn nhưng chỉ toàn những người trong nhà động viên nhau làm sao đó giúp học trò thích học thay vì nói về kết quả… Nhưng thứ đáng trân quý hơn là tấm lòng, và đây cũng là bài học họ dành cho học trò.

Tại buổi lễ trang trọng, trong số hàng trăm cán bộ - giáo viên - nhân viên, họ chọn ra chừng 20 người để tri ân vì sự đồng hành và những đóng góp. Càng bất ngờ hơn khi trong số ít những người được tôn vinh không ai là cán bộ quản lý mà chỉ là những nhân viên lao công, tạp vụ với bộ trang phục lao động hằng ngày khi bước lên bục tôn vinh.

Và tôi thực sự sửng sốt khi những con người có vị trí thấp nhất nhận được những cái cúi đầu cảm ơn của hai vị “quyền lực” nhất trường - chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng - đều đã ngoài 60 tuổi.

Trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của học trò, một thanh niên ngồi cạnh “thuyết minh”: “Lúc em học, cô L., làm lao công; còn cô A. trông coi lớp học, nhà vệ sinh”. Hóa ra đó là một cựu học sinh của trường. Em này đã giúp tôi hiểu rằng ngôi trường đó đã thành công trong việc gieo vào học trò thứ tình cảm với mái trường phổ thông.

Ở đó, thứ các em thu vào ký ức của mình không chỉ có thầy cô, bạn bè, những kỳ thi, chuyện học hành, mà còn có những con người vô cùng khiêm tốn ở một góc nhỏ nhoi nào đó.

Thế mới thấy được sự cống hiến không phụ thuộc vào thứ bậc, vị trí. Mỗi người, dù làm nhiệm vụ nhỏ nhặt nhất, đều có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nhà trường. Rất nhiều người hiểu được đạo lý này nhưng thực hiện nó thì dường như rất ít.

Đã từ lâu những buổi lễ trong nhà trường phổ thông không tìm thấy những khoảnh khắc tương tự. Cái cúi đầu của học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong trước bác bảo vệ già trở nên nóng sốt âu cũng dễ hiểu. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI