Bọn trẻ cướp cửa hàng tiện ích: Hình phạt nào 'thích đáng'?

04/07/2018 - 10:30

PNO - Ngay từ cách gọi “bọn trẻ (đi) cướp” hay “bọn cướp trẻ” cũng đã làm chúng ta phân vân bởi tuổi đời của họ còn quá trẻ.

Hàng chục nghi phạm đều chưa tròn hai mươi, nhỏ nhất mới mười lăm tuổi (có nguồn ghi mười ba), theo Công an Q.10, TP.HCM.

Bon tre cuop cua hang tien ich: Hinh phat nao 'thich dang'?
 

Video tổng hợp các cảnh quay được trích xuất từ camera an ninh cho thấy, các cửa hàng tiện ích 24g bị tấn công, cướp hàng hóa xuất hiện trên internet hồi tuần trước. Đoạn clip ngay lập tức thu hút hàng trăm ngàn lượt views và khiến ai xem qua cũng phẫn nộ trước sự táo tợn của nhóm thanh thiếu niên. Theo ngày tháng còn in trên hình ảnh, các vụ cướp có thể bắt đầu xảy ra từ tháng 11 năm ngoái, kéo dài cho đến khoảng tháng Sáu năm nay.

Chưa kịp phẫn nộ lâu, chỉ vài ngày sau khi video lan truyền trên mạng, dư luận liền được xoa dịu bởi thông tin cơ quan điều tra đã tóm gọn bọn cướp. Hình ảnh những cậu bé đứng dàn hàng ngang, cầm bảng tên tại đồn công an được đăng tải trên các phương tiện truyền thông kèm theo tin bài và bên dưới là những comments.

Trước hết là những bàn luận về hình phạt nào sẽ dành cho bọn “cướp trẻ”? Xử lý hình sự hay biện pháp hành chính? Có người xác định luôn hành vi của bọn trẻ là cướp có tổ chức và có hung khí thì 3-7 năm, cũng có thể là 10 năm tù, hoặc chỉ đi trại giáo dưỡng. Rồi phần đông người ta muốn “loại này phải cho ăn cơm tù vài năm mới dạy được chúng, phạt tiền ăn thua gì!”; “còn nhỏ mà manh động, bầy đàn... đừng xử hành chính đâm lờn thuốc”; “nghiêm trị tù cải tạo để tụi này biết được nỗi cực khổ để răn đe chứ kiểu này rất nguy hiểm cho xã hội”…

Ở đâu đó, chắc chắn lại có những người lớn khác đang thắt lòng trước hình ảnh trên.
Người viết không dám nghĩ đến cha mẹ, người thân các em, bởi chắc chắn họ đã đang sẵn có hình phạt cho thảm kịch của gia đình mình; cũng không bàn đến nguyên nhân, bởi đã nhiều giấy mực phân tích cái gì phía sau một đứa trẻ phạm tội.

Chúng ta đã phẫn nộ mà quên đi quá nhiều nguy cơ có khả năng sẽ trỗi dậy kể từ thời khắc này, thời khắc mà chúng ta bắt đầu đưa ra cái nhìn về những đứa trẻ mới bị bắt và tìm cách xử lý, trừng trị, răn đe. Chúng ta quên, sẽ là bản án nào nếu đó là con em mình, hay chí ít, xã hội đang có những công cụ nào dành cho con cái chúng ta nếu một ngày nào đó, chúng cũng phạm những tội tương tự hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn?

Chẳng cần dẫn chứng, ai cũng đã có kinh nghiệm về con người sau năm tháng tù tội, đặc biệt là người trẻ. Vài năm, vài chục năm tù với một kẻ đôi mươi, sẽ hồi gia một người hoàn lương hay lắm khi, chỉ là bổ sung cho xã hội thêm một tay cộm cán? Công cụ được ca ngợi dành cho người chưa thành niên hiện nay là trường giáo dưỡng, nhưng cũng còn không ít hồ nghi.

Trong một hội thảo về sự cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên do Bộ Tư pháp tổ chức vào tháng 7/2017, nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ từng nêu trường hợp hy hữu. Khi tòa tuyên đưa bị cáo vào trường giáo dưỡng thì bố mẹ người chưa thành niên kháng cáo xin phạt tù treo, vì cho rằng vào trường giáo dưỡng chỉ hư thêm chứ không tốt lên được.

Liệu điều kiện và tầm nhìn của chúng ta có được như mong ước của ông Độ, khi chứng kiến một cơ sở giáo dưỡng ở nước ngoài có đến năm chuyên gia giáo dục, tâm lý, thể chất… cho một học viên? “Tôi hỏi chi phí có đắt đỏ quá không? Họ bảo không có gì là đắt đỏ cả. Vì các cháu này sẽ lấy chồng, lấy vợ, sinh con. Nếu giáo dục tốt thì thế hệ sau tốt lên, còn làm xấu thì thế hệ sau xấu đi. Công lý đắt đỏ lắm, nhưng phải thực hiện, vì có được công lý thì có được con người tốt tương lai”, ông Độ chia sẻ.

Như thế, ở đây chúng ta không kêu gọi sự khoan dung “ngọt bùi” dành cho lũ trẻ. “Công lý đắt đỏ lắm” có thể hiểu là chế tài không chỉ nhằm mục đích bảo vệ trật tự, an toàn chung mà còn là một công cụ để sửa chữa người phạm lỗi. Án phạt chính là khuyến khích người bị kết án tái hội nhập xã hội; đồng thời, phải cổ vũ cho một nền công lý mang tính hòa giải các quan hệ xã hội, mà trước đó đã bị hành vi tội ác phá vỡ. Hình phạt “đích đáng” chính là phải hoán cải được nội tâm con người, nhất là người mà đường đời còn thênh thang.

Nói như nhà giáo dục Mỹ W.E.B.Du Bois: “Vấn đề chính trong bất kỳ cộng đồng nào đang bị hoành hành bởi tội ác, đều không phải là hình phạt nào dành cho những tên tội phạm, mà chính là việc ngăn chặn người trẻ khỏi bị đào tạo để phạm tội” - cho thấy, chúng ta có quyền xây dựng tương lai bằng cách đòi hỏi được cung cấp một nền giáo dục chính đáng cho thế hệ trẻ. 

Bên cạnh đó, phải thấy vấn đề giáo dục trong gia đình đang có nhiều khuyết tật. Nhiều người trẻ đang lớn lên trong cảnh bị tước quyền được sinh ra trong một gia đình thực sự. Ta cứ thử tìm hiểu về gia cảnh của hàng chục nghi phạm trong vụ án “bọn trẻ đi cướp cửa hàng tiện ích” vừa qua, sẽ minh chứng điều này.

Một xã hội được xây dựng nền tảng trên gia đình chính là sự bảo đảm tốt nhất cho nó khỏi bị cuốn hút theo những "giá trị" hoang tưởng. Lợi ích của mỗi cá nhân cùng sự vận hành tốt của xã hội có liên quan mật thiết với sự lành mạnh của đời sống hôn nhân và giáo dục trong gia đình. Xem nhẹ vai trò trung tâm và trách nhiệm xã hội của gia đình, hậu quả chính là bài học “bọn trẻ đi cướp” và những điều tương tự đã, đang và sẽ còn tiếp diễn.

Cuối cùng, đừng quá phẫn nộ rồi quên nốt án phạt, giáo dưỡng hay giáo dục… tất cả đều phải xuất phát từ lòng yêu thương.

“Thật dễ để yêu người xa lạ nhưng không phải luôn luôn dễ dàng để yêu người gần gũi với chúng ta. Ta cho một lon gạo để giảm đói quả là dễ dàng hơn hành động để giảm sự cô đơn và nỗi đau của một người không được yêu thương trong chính ngôi nhà của mình. Mang tình yêu trở vào nhà bạn, vì đây là nơi tình yêu bắt đầu”, Mẹ Teresa Calcutta nói. 

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI