Bây giờ, chúng ta phải làm gì đây?

06/04/2018 - 07:15

PNO - Án kỷ luật nào dành cho người đứng đầu ngành giáo dục thành phố khi không kiến thiết nổi một môi trường dạy học lành mạnh, công bằng ở ngay trong một huyện xa và nghèo?

Đó là câu hỏi của Phạm Song Toàn: “Nếu con im lặng thì tình trạng này có thể sẽ diễn ra với ai nữa đây? Rồi các em cũng không nói, rồi các bạn của con cũng không nói, vậy bây giờ chúng ta phải làm gì đây?”.

Bay gio, chung ta phai lam gi day?
 

Chúng ta phải làm gì đây, thưa cô Trần Thị Minh Châu? Được biết, ngày 6/4, sẽ có phiên họp toàn thể đơn vị để thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật viên chức đối với cô. Có vẻ như, sự việc đang được giải quyết dứt điểm. Có vẻ như cuộc đối thoại của học sinh Phạm Song Toàn đã có phản hồi.

Vâng, và sự phản hồi “mạnh mẽ” nhất mà cũng chua xót nhất khi chỉ sau 7 ngày lên tiếng, từ hôm 23/3 đến 30/3, bố của Toàn buộc phải viết đơn xin chuyển trường cho con gái. Thì rằng, sắp bước vào kỳ thi học kỳ, thì là cấp III muốn chuyển trường phải có sự đồng ý của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, của lãnh đạo trường sẽ chuyển đến… Nhưng chấp nhận hết những thủ tục, những cản ngại ấy, gia đình vẫn mong được chuyển trường cho con. Đủ để thấy, cuộc đối thoại ấy và thực chất giải quyết những vấn đề của cuộc đối thoại ngày 23/3, vẫn chỉ là cuộc độc thoại của một nữ sinh, nó dẫn tới bước rời bỏ đơn độc của một thái độ, một sự chọn lựa đi về phía lẽ phải.

Dĩ nhiên, nó khác biệt với cái kiểu độc chép của cô trong 4 tháng trời, cái thái độ quay lưng về phía học trò, tự cho mình quyền im lặng mà chức trách nghề nghiệp, nghĩa vụ lao động không cho phép. Đó là tôi chưa nói đến lương tri nhà giáo, điều mà nó đã “đi vắng” từ rất lâu trong lời nói, hành xử và chọn lựa của cô, ít nhất là từ hơn 10 năm trở lại đây.

Thật lòng, khi nghe cô mở lời “tôi đã sai”, tôi chẳng lấy làm mừng bởi tôi không mấy tin. Trước một phản ứng im thin thít suốt 4 tháng trời, vốn bất thường, nay quay ngoắt nhận thấy mình sai, mình sẽ sửa đổi và lập tức hào phóng mở miệng thì đố mà bình thường!

Mà cái sự mở miệng ấy, nào có đẹp đẽ, thanh tao gì cho cam. Một nữ sinh lớp Mười, tuổi dậy thì nên len lén thoa son. Cô chỉ tay: “Mày đi giặt cái mỏ ngay cho tao”. Một nữ sinh bị phạt đứng suốt trong 2 tiết, vì mỏi, em dựa vào tường, cô gào lên: “Mày đã ngu lại còn lì lợm, đồ cái thứ mất dạy”… Những học sinh phật ý cô, lập tức phải lùi về ngồi dãy bàn cuối cùng, bị cô lập với tất cả xung quanh, không được hỏi bài, không được ho he…

Một mình cô, cô im lặng suốt 4 tháng trời nhưng đó là sự im lặng mà cô được quyền chọn, được quyền ban phát không giảng bài, không giải thích. Còn những đứa trẻ tuổi ăn tuổi học, chúng nó không được quyền hỏi điều chúng không biết, chúng không có quyền hiếu động, nghịch ngợm của cái tuổi đang lớn; và kể cả chúng không được quyền sửa chữa những “lỗi lầm” (với cô).

Chúng ta phải làm gì đây, thưa các ông hiệu trưởng, khi chính các ông, với sự dung dưỡng, bao che cho những sai phạm về tư chất, về tư cách của một người thầy từ những năm còn công tác tại Trường THPT Long Thới, chuyển qua Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, rồi lại quay về Long Thới, vẫn tính cách hung tợn, lỗ mãng, chuyên quyền; thử hỏi chừng ấy năm, là bao lớp học trò bị tổn thương, bị xúc phạm một cách thô bạo?

Đừng bao biện bằng “chuyên môn giỏi” cho một tư cách làm thầy kém cỏi và phi đạo đức như thế! Trong chuyên môn là đã bao hàm phương pháp sư phạm khoa học, tương tác, hiệu quả.

Đừng bao che cho “danh tiếng” của trường, bởi núp bóng dưới cái danh ấy lại là một hay nhiều hơn thế những người thầy người cô sẵn sàng chà đạp, phỉ báng học trò; là nơi mà khi học sinh và phụ huynh lên tiếng cầu cứu thì giáo viên chủ nhiệm lẫn trợ lý thanh niên đều… im lặng quay lưng; là môi trường học đường mà thầy cô thì thản nhiên bảo với phụ huynh “không giảng trên lớp thôi, có gì đâu mà làm dữ vậy”, học trò thì hồn nhiên hùa theo cô giáo (đã tịnh khẩu 4 tháng) để chế giễu, cô lập bạn mình vì dám lên tiếng không đúng chỗ…

Chúng ta phải làm gì đây, thưa ông giám đốc sở?

Từ giọt nước mắt của cô học trò hôm 23/3, sự việc bung trổ sau đó, cho tới khi gia đình quyết định xin chuyển trường, tôi những mong chí ít cũng một lần ông đến và ngồi lại cùng Toàn, như một người thầy, là một người thầy để lắng nghe lâu hơn, sâu hơn những khổ sở của em, để truyền tiếp cái bài học tin vào cái đúng, bảo vệ lẽ phải cho một người trẻ đang trưởng thành.

Nhưng, có khi, ông chẳng thuộc bài cũng nên.

Bởi nếu không, ông đã không xóa đi cái án kỷ luật “buộc thôi việc” với giáo viên Trần Thị Minh Châu của Hội đồng kỷ luật Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quyết nghị năm 2011.

Giờ đây, các văn bản kỷ luật sắp sửa được ban hành và thực thi cho cô Châu, ông Bình, cho giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên… Còn ông, là án kỷ luật nào dành cho người đứng đầu ngành giáo dục thành phố khi không kiến thiết nổi một môi trường dạy học lành mạnh, công bằng ở ngay trong một huyện xa và nghèo; không loại bỏ những tư cách nhà giáo phản sư phạm, lại còn bao che, dung dưỡng cho những kẻ nhân danh bục giảng, phấn trắng?

Sáng 5/4, tôi ngồi với K., cựu học trò Trường THPT Long Thới, vì hoàn cảnh, K. đã thôi học, đang làm nghề bán hàng qua mạng. K. bảo, khi nghe chuyện của Song Toàn, K. thốt lên "lại nữa rồi". K. từng là học sinh rất khá, rồi không may làm mếch lòng cô Châu, K. bị đẩy xuống dãy bàn cuối cùng. Ức chế. Bị xúc phạm. K. nói với tôi, không ai dám lên tiếng cả, dù thầy cô nào cũng biết. Tụi con làm gì bây giờ?

Những đứa trẻ đang lớn, chúng bơ vơ ngay trong môi trường mà ai cũng tin rằng, chúng được chăm sóc, bảo vệ, dạy dỗ. Ông, trước khi là một giám đốc sở, thì hẳn phải là một người thầy, một người cha, ông “làm gì bây giờ” cho những đứa trẻ - học trò, để chúng không phải ngơ ngác, thảng thốt, tự vệ mà hỏi rằng “bây giờ, chúng ta phải làm gì đây?”.

***

Đơn xin chuyển trường của phụ huynh học sinh Phạm Song Toàn đang chờ hiệu trưởng trường mới có đồng ý tiếp nhận hay không, dự kiến hôm nay, thứ Sáu, ngày 6/4 sẽ có câu trả lời. Mong rằng, Toàn sẽ đến được ngôi trường mới. Tin rằng, cái tiếng nói phản kháng trước bất công, sai trái sẽ luôn vọng lên từ trái tim trong trẻo và nhiệt thành ấy.

Và rằng, những người lớn có lương tri, trách nhiệm hãy luôn biết mà tự hỏi: bây giờ, chúng ta phải làm gì đây? 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI