Bao giờ học sinh sẽ 'tách nhánh' học nghề sau THCS?

04/03/2019 - 09:07

PNO - Đây là câu hỏi mà nhiều năm chúng ta đi tìm lời giải vẫn chưa có. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT đã có những chia sẻ tâm huyết với báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này.

Bao gio hoc sinh se 'tach nhanh' hoc nghe sau THCS?
 

Phóng viên: Trong phương án tuyển sinh năm 2019, nhiều trường cao đẳng (CĐ) đã công bố tuyển sinh chương trình 9+ CĐ ở một số ngành nghề. Điều này mở ra cơ hội cho học sinh (HS), đẩy mạnh công tác phân luồng. Ông nghĩ chương trình 9+ CĐ đáng mừng hay đáng lo, bởi xưa nay, người học đâu chịu “tách nhánh” vào trường nghề khi mới 15 tuổi?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: Chủ trương phân luồng HS sau THCS tức khi HS khoảng 15 tuổi là đúng đắn, vì hằng năm có trên 300.000 HS không vào THPT mà cũng không đi học ở đâu cả. Khi lớn lên không có chút kỹ năng nghề nghiệp là điều rất đáng lo. Không chỉ là sự lãng phí nhân lực mà còn có thể tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực khác trong xã hội. Nói 9+ nhưng cộng như thế nào và chương trình được thiết kế và tổ chức thực hiện ra sao ở môi trường nào rất quan trọng. Sau tốt nghiệp THCS sẽ cộng thêm thời gian bao lâu? Người học sẽ đạt được những kỹ năng nào ở đầu ra? Những câu hỏi này chưa được trả lời thỏa đáng thì người học vẫn chưa thể tin.

* Nguyên nhân dẫn đến thực trạng người học “chê” chương trình này là gì, thưa ông? 

- Nguyên nhân chủ yếu là do chương trình chưa đủ sức hấp dẫn. Cơ hội việc làm đầu ra, chất lượng đào tạo nghề và chương trình đào tạo đều thiếu sức níu giữ người học ở lứa tuổi này. Chương trình thiết kế tách rời việc học các môn văn hóa giúp hình thành kiến thức nền tảng, kỹ năng “mềm” ra khỏi các môn học nghề ngay từ năm đầu tiên đã khiến tính hấp dẫn chương trình giảm, người học thấy khó và bỏ học. Thêm nữa, phần dạy về kỹ năng nghề lại tách khỏi các tiêu chuẩn kỹ năng của ngành kinh tế, thiếu sự tham gia của doanh nghiệp nên tính hấp dẫn càng giảm. 

Chúng ta cũng không loại trừ yếu tố quan niệm xã hội, cha mẹ HS, vì lứa tuổi này các em còn phụ thuộc nhiều. Cha mẹ có tâm lý cho rằng, con mình còn nhỏ, chưa có khả năng học nghề, vẫn nên học để lấy bằng THPT rồi tính tiếp. Ngay cả nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng ngại đón nhận HS ở lứa tuổi này vì vất vả hơn, tuổi mới lớn phải vừa dạy vừa dỗ. 

* Chương trình 9+ CĐ sẽ do trường CĐ phối hợp cùng giáo dục thường xuyên dạy chương trình THPT riêng cho các em. Vốn dĩ, người học phải vào chương trình này thường là không thể hoặc không muốn học tiếp chương trình phổ thông. Sự chắp vá này có phải cũng là nguyên nhân khiến chương trình 9+ CĐ kém thu hút? Vì sao không dạy kiến thức phổ thông theo định hướng nghề nghiệp, như dạy tích hợp chẳng hạn?

- Việc đưa các em học văn hóa một nơi và học nghề một nơi là việc làm cực chẳng đã do quản lý hệ thống phân chia cho hai ngành quản lý. Mặt khác, do nhu cầu “bằng cấp” tốt nghiệp THPT nên các em thường được nghe quảng cáo học trong ba năm kiếm được hai văn bằng. 

Bao gio hoc sinh se 'tach nhanh' hoc nghe sau THCS?

Chương trình 9+ cao đẳng phải hấp dẫn từ đầu vào lẫn đầu ra mới hy vọng thu hút được người học

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, tôi thấy người học vốn đã có học lực yếu, chương trình văn hóa của giáo dục thường xuyên khá nặng, lại học thêm môn nghề thì kết quả chẳng đi đến đâu. Giống như một người chỉ gánh được 45kg mà bị chất lên vai 90kg vậy. Vấn đề là phải thiết kế lại chương trình học văn hóa và học nghề theo hướng tích hợp, tránh học các môn văn hóa tách biệt như trung cấp chuyên nghiệp trước đây. Kể cả kết cấu chương trình, thứ tự thực hiện cũng cần có sự thay đổi.

Chương trình đào tạo như một món ăn được kết hợp nhiều loại thực phẩm và gia vị. Nếu đầu bếp dở thì người ăn sẽ chê và bỏ dở thôi. Điều quan trọng nữa, học xong chương trình ấy 9+3 năm chẳng hạn thì người học được công nhận tương đương có trình độ THPT. Vậy chúng ta cần làm bài toán ngược lại so với hiện tại, cần xác lập chuẩn đầu ra tối thiểu của tốt nghiệp phổ thông là gì để thiết kế lại chương trình 9+ CĐ, chứ không phải gộp cơ học chương trình phổ thông vào dạy như hiện nay.

Tôi đưa ra con số để thuyết phục vì sao chúng ta cần phải làm vậy. Chương trình được thiết kế và tổ chức thực hiện chưa tốt đã dẫn đến tâm lý chán học và tỷ lệ bỏ học khá cao. Có trường HS nhóm này bỏ học đến trên 40% trong khi quy mô học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quá con số 100.000 HS/năm.

* Thưa ông, HS đã tốt nghiệp chương trình THPT theo hệ nghề đã bỏ học rất nhiều, chương trình 9+ CĐ  liệu có đi vào vết xe đổ? 

- Không thể loại trừ khả năng này. Trước nay, HS hệ này bỏ học nhiều, còn trong tương lai hy vọng cơ quan quản lý nhà nước biết rút ra những bài học kinh nghiệm, tham khảo kinh nghiệm của thế giới để giải quyết nhiều vấn đề. Phân luồng HS là bài toán phức tạp. Lời giải hợp lý cần chú ý đến điều kiện kinh tế - xã hội vùng miền, cơ chế chính sách đào tạo và thị trường lao động, quy hoạch các trường THPT, trường nghề trên địa bàn quận, huyện. 

Đó là chiều dọc, còn chiều ngang, chúng ta vẫn thiếu sự "bắt tay” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho chiến lược và chương trình đào tạo; rồi địa phương cũng phải quyết liệt trong sự phân luồng; thiếu những dự báo xu hướng nhu cầu kỹ năng ở các ngành nghề tương lai trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. 

Không ai khẳng định được học nghề sau THCS hay học lên THPT sẽ tốt hơn. Kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, giả sử như ở TP.HCM sẽ có nhu cầu nhân lực trình độ phải khác với địa phương khác. Cứ nói đi vào phân luồng nhưng là đi đâu sẽ phù hợp? Nếu những định hướng vĩ mô về xu hướng phát triển kỹ năng ở thị trường lao động Việt Nam chưa rõ trong tương lai thì bài toán phân luồng vào học nghề vẫn mãi là thách thức.

* Vậy theo ông, có giải pháp nào để 9+ CĐ thu hút người học?

- Như đã nói, nếu chương trình chưa đủ hấp dẫn thì phải thiết kế lại, tích hợp gắn chặt các môn học văn hóa có áp dụng với nghề nghiệp thì sẽ cải thiện được tình hình. Ngay năm thứ nhất nên dạy thực hành cho HS một vài kỹ năng nghề nghiệp mà không cần thiết phải có kiến thức văn hóa trước để tạo động lực học nghề. Nếu HS sau vài tháng học nghề có thể ứng dụng được vào việc bảo trì điện gia đình chẳng hạn thì bố mẹ sẽ yên tâm và người học cũng thấy hứng thú hơn. Đó là chuyện từng trường phải tính. Nhưng quan trọng hơn là giải quyết những vấn đề vĩ mô hơn như phân luồng từ khi học phổ thông cho hiệu quả, hai bộ làm sao để có thể bắt tay cùng nhau thay đổi chương trình 9+ CĐ đủ sức hấp dẫn đầu vào lẫn đầu ra…

* Xin cảm ơn ông. 

"Phân luồng HS sau THCS là bài toán phức tạp bị chi phối bởi nhiều yếu tố như đã phân tích. Ở nước ngoài, người ta không còn các môn riêng giáo dục hướng nghiệp kiểu ở ta gọi là nghề phổ thông nữa. Vì người học không đạt được kỹ năng nghề để có thể đi làm sau THPT, HS không biết rõ tương lai nghề nghiệp sau khi học nghề phổ thông là gì. 

Hầu hết các quốc gia châu Âu và Mỹ, Úc, Hàn Quốc người ta đào tạo nghề ngay ở trường trung học, hướng nghiệp ngay từ bậc mầm non, tiểu học. Ở Phần Lan, người ta còn đào tạo nghề bảo dưỡng máy bay ở trường trung học... Tuy nhiên, ở ta do có sự phân công quản lý về cho hai bộ đòi hỏi phải có sự hợp tác của hai bộ thì bài toán lớn mới dần tháo gỡ được".

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI