18 tuổi, sinh viên không biết gì, lỗi tại ai?

21/08/2019 - 07:37

PNO - Những ngày này, tân sinh viên đổ về các trường nhập học. Chúng tôi bắt gặp không ít bạn trẻ 18 tuổi, bắt đầu chặng đường giáo dục chuyên nghiệp nhưng lại không thể tự chăm sóc bản thân, phải có phụ huynh đi kèm.

Những ngày này, tân sinh viên từ các nơi đổ về các trường nhập học. Chúng tôi bắt gặp không ít bạn trẻ 18 tuổi, bắt đầu chặng đường giáo dục chuyên nghiệp để kiến tạo tương lai nhưng lại không thể tự chăm sóc bản thân, không tự định đoạt được chuyện ở đâu, ăn gì, sống ra sao...

Bỏ quê, theo con đi học

Cô Nguyễn Thị Từ, một cô giáo cấp III đã nghỉ hưu tại H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre vừa “cuốn gói”... theo con gái nhập học vào Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). Dù sinh viên trường này có thể đăng ký vào ở ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM rất rộng rãi nhưng cô Từ nhất định không chịu vì nghĩ: ký túc xá mỗi phòng nhiều người tứ xứ đến, sợ con ở không hợp rồi bị bạn ăn hiếp, không có người lớn ở cạnh cũng dễ bị lây hư.

Chưa kể, con gái cô từ nhỏ tới lớn được mẹ chăm chút, chỉ lo mỗi chuyện học nên cô sợ “em nó không ăn uống được lại sinh bệnh rồi học không nổi”. Thế là, bỏ lại mảnh vườn và căn nhà dưới quê cho chồng trông nom, cô khăn gói theo con lên ở tạm nhà bà con ở Q.6, TP.HCM. Hằng ngày, cô nấu ăn và chăm sóc cho con gái.

Thúy Ng. (H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), 18 tuổi, cao 1,71m và trúng tuyển vào Học viện Hàng không. Mẹ V. phải đi làm nên phân công nhiệm vụ “vú nuôi” cho bà ngoại V. đã ngoài 60 tuổi lên TP.HCM nuôi cháu ăn học.

Đúng với nghĩa đen của hai từ nuôi cháu, hằng ngày bà đi chợ, nấu ăn, giặt đồ và chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho cô cháu cưng. Dù gia đình không quá giàu có nhưng vì cô cháu gái độc nhất xinh xắn được cưng chiều từ nhỏ không biết làm gì ngoài tiếp nhận sự chăm sóc của bà và mẹ.

18 tuoi, sinh vien khong biet gi, loi tai ai?

Chọn ngành vào đại học, cha mẹ cũng phải "đồng hành" cùng con.

Khi chúng tôi thắc mắc sao không để cháu tự lo mà bà phải vất vả vậy? Bà nói “con bé mất cha từ nhỏ nên tôi cứ muốn bù đắp để nó không thấy thiệt thòi. Phần nữa, mẹ nó sợ lên Sài Gòn cặp bè cặp bạn đi chơi rồi hư nên tôi đi theo cũng an tâm. Đằng nào ở quê, nhiều năm nay, tôi chỉ việc chăm lo cho nó nên lên đây cũng vậy thôi!”.

Hiện tại, hai bà cháu đang ở trọ tại một căn chung cư nhỏ trên đường Tôn Thất Thuyết (Q.4).   

Thế hệ “gà bông” đang dần lộ rõ sự yếu ớt của gà công nghiệp trong cuộc sống. Các em bước vào ngưỡng cửa đại học nhưng không thể tự lập, tự lo cho cuộc sống. Tiền học cha mẹ cho, cơm nước cha mẹ lo, tương lai chắc hẳn cũng do cha mẹ định đoạt? 

Lỗi tại ai?

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sinh viên của Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, kể: “Những ngày nhập học vừa rồi có thể thấy khoảng 90% tân sinh viên đều có cha mẹ đi cùng. Sợ con giữ nhiều tiền (7-10 triệu đồng) làm mất, sợ con không biết cách khai hồ sơ nhập học… có vô vàn lý do để cha mẹ làm thay con.

Chúng tôi bắt gặp nhiều trường hợp tân sinh viên tham gia lớp sinh hoạt công dân đầu khóa, cha mẹ ngồi chờ ở sân trường từ sáng đến trưa đón con, rồi về cho ăn uống, nghỉ ngơi…”.

Thạc sĩ Thoa cũng cho biết thêm: nhà trường yêu cầu để sinh viên tự làm nhằm làm quen với các quy trình của trường sau này. Chẳng hạn như khi có khó khăn cần trợ giúp thì biết liên lạc ở đâu… Điều quái lạ là con không tự lo được nhưng lại có quyền đòi hỏi. Cha mẹ chiều con vô điều kiện. 

Sinh viên T.M. (TP.Bến Tre) trúng tuyển ngành báo chí Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Năm thứ nhất, em học ở Q.Thủ Đức nhưng không thích ở ký túc xá mà muốn ra ở với bạn cho vui. 

Cha mẹ chiều, đóng tiền xong cũng xin rút, cho M. ra ở chung với bạn ở Q.Phú Nhuận. Mới thử đi xe buýt vài ngày lại than mệt, đi không nổi làm sao học, M. một lần nữa  đòi gia đình xin vô lại ký túc xá. Cha mẹ xin không được cũng ráng mà chạy nhờ người quen… xin giúp. 

Thạc sĩ Thoa phân tích: “Sở dĩ có rất nhiều sinh viên tuy đã lớn nhưng thiếu kỹ năng một phần lớn lỗi thuộc về cha mẹ đã quá bảo bọc con, tạo cho các em tâm thế ỷ lại ngay từ nhỏ, quen dần thành ra thiếu kỹ năng sống, không có khả năng tự lập khi ra đời.

Nhưng phần quan trọng hơn là do các bạn cũng thụ động, thích thụ hưởng hơn. Trong những buổi sinh hoạt chuyên đề, chúng tôi đều nhắc nhở các em phải sống tự lập, phải bước ra đời, làm thêm, va chạm, học hỏi nhiều hơn”. 

Nói về hiện trạng này, thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Vạn Xuân, lý giải: do mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên giới trẻ ngày nay đa phần bị hội chứng con cưng. Ngay từ nhỏ, các em được bao bọc, được định hướng và lo lắng của gia đình nên chỉ việc thụ hưởng sự quan tâm. 18 năm ngấm dần đã tạo thành thói quen khó bỏ và cũng rất khó sửa.

Sự thụ động này không chỉ là rào cản đối với sự tự lập trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến khả năng chủ động trong tư duy học tập, phát triển sau này. Trong khi ở bậc giáo dục chuyên nghiệp, sự chủ động của người học là quan trọng nhất. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI