Yêu thương con thế nào mới đúng cách?

12/07/2018 - 15:30

PNO - Quan tâm, chăm sóc, nuôi dạy và yêu thương con là đặc quyền hiển nhiên của bậc cha mẹ, nhưng liệu rằng bao nhiêu người yêu thương con đúng cách?

Món quà đẹp nhất cho trẻ con không gì hơn là yêu thương đúng cách. Dưới đây là vài chia sẻ dù khá phổ biến nhưng không phải phụ huynh nào cũng để ý và áp dụng.

Yeu thuong con the nao moi dung cach?
Con khổ, cha mẹ cũng mệt mỏi, thì lấy sức đâu mà thương nhau. Hình minh họa.

Áp đặt hay nuông chiều?

Câu trả lời mà nhiều phụ huynh gật đầu là “còn tùy…”. Có những chuyện, trẻ không lường trước được nguy hiểm, hậu quả… cha mẹ phải hướng dẫn trẻ hoàn toàn, để trẻ tuân thủ các yêu cầu như: không chạm vào ổ điện, không nhảy từ cao xuống, không đùa giỡn với vật sắc nhọn…

Việc hướng dẫn này phải đi kèm lời giải thích thuyết phục, rõ ràng, đôi lúc cần nghiêm giọng nhưng tuyệt nhiên không nạt nộ, quát tháo và thách thức con. Ngược lại, lúc con bệnh, việc chiều chuộng như ôm ấp con, cho con ăn món yêu thích thì cha mẹ nỡ nào nói “không”. 

Hiểu và tôn trọng 

Hiểu ở đây không thể qua loa mà cần bắt đầu từ việc tìm hiểu các đặc điểm tâm, sinh lý của con mình theo từng lứa tuổi. Tuổi mầm non thì thích gì, tiểu học có đặc điểm thể chất, tâm lý nào quan trọng. Dựa vào đó mà giải thích các thay đổi của con. Đôi lúc ba tuổi thấy con “cà chớn”, “bướng bỉnh” rồi rầy la hay tỏ ra bất lực chỉ vì không hiểu trẻ đang bước vào giai đoạn muốn độc lập, một số đang rơi vào “khủng hoảng tuổi lên ba”.

Ấy thế mà, khi tham gia các lớp tập huấn, hỏi phụ huynh tại sao lại rầy con, sao không hướng dẫn con… thì họ bảo “sợ chiều nó hư, không có thời gian để giải quyết việc đó, đâu có ai chỉ đâu mà biết”, cứ cảm tính mà dạy…

Con khổ, cha mẹ cũng mệt mỏi, thì lấy sức đâu mà thương nhau? Nên đi học hoặc gối đầu giường các quyển sách liên quan đến tâm lý học phát triển, tâm lý lứa tuổi phù hợp với tuổi con mình để biết mình đi đúng hướng chưa.

Làm gương

Hầu như hội thảo, chuyên đề nào tôi khảo sát thử thì số cánh tay giơ lên thừa nhận “có vi phạm” nguyên tắc này đều trên 60%. Ở trường, thầy cô dạy tôn trọng người lớn, nhường nhịn em nhỏ, nhưng ở nhà cha mẹ “bỗng nhiên quên mất”, có khi lớn tiếng với ông bà nội, ông bà ngoại, hoạnh họe con cháu… Đến khi đứa trẻ tỏ ra “bất bình” bảo “nhiều chuyện, con nít không có xía vô”… “Con hư” là tại người lớn, tại xã hội có quá nhiều người không làm “tấm gương” cho trẻ noi theo.

Thống nhất 

Thi thoảng, cả nhà cãi nhau vì con đòi thứ này, muốn thứ kia. Chồng trách vợ, vợ đổ lỗi chồng, cả nhà quay sang bảo tại bà nội, tại ông ngoại… dạy hư con. Không ai chịu thua ai, dạy dỗ không thống nhất, “ông đấm, bà xoa” thì đứa trẻ cứ dựa dẫm người nào khiến chúng cảm thấy an toàn, được che chở, bất kể đúng, sai.

Trong nhà, từ già đến trẻ phải đồng lòng với nhau trong việc dạy con cái gì, dạy thế nào. Việc gì chưa đúng là phải sửa, việc gì con làm tốt thì nên khen. Đừng kiểu mẹ vừa nghiêm mặt, con khóc ré lên, ông bố lại ôm con vỗ về “nghỉ chơi, bo-xì mẹ đi, bố thương, bố thương”.

Ông bà cũng tương tự, vì thương nên hay bênh cháu, nó quen đến lúc nó hư, cứ sà vào lòng ông bà là xong chuyện. Đương nhiên, điều này khó lòng hình thành cho trẻ những tính cách tốt đẹp, đúng mực, trẻ cũng loạn lên vì không biết theo ai, bỏ ai.

Con trở thành một “sản phẩm thập cẩm” của môi trường giáo dục gia đình đầy mâu thuẫn bằng những lẽ yêu thương cảm tính. 

Yeu thuong con the nao moi dung cach?

Làm sao để đứa trẻ dễ chịu và ngoan ngoãn nghe lời? Hình minh họa.

Đặt ra giới hạn

Nhiều cha mẹ đau đầu vì “cai nghiện” ti-vi, máy tính, điện thoại cho con khi lỡ cho con tiếp xúc các phương tiện này từ sớm. Ngoài ra, cũng cực kỳ vất vả khi xử lý chuyện ăn vạ của con khi đòi hỏi thứ này, cái kia mà không được đáp ứng.

Nhiều lúc thấy con khóc, xót quá lại chiều. Một, hai, ba… rồi cả chục lần thì coi như “đầu hàng số phận”, cứ chạy theo con. Một trong những mấu chốt dẫn đến việc “dạy hư con” là không đặt ra giới hạn, không quyết liệt dạy con tuân thủ nguyên tắc.

Chẳng hạn, muốn con xem ti vi 30 phút và hết 30 phút đến tắt ti vi cái rụp… trong khi trẻ đang xem dở, đang cảm xúc hứng khởi thì bị bẻ gãy cảm xúc, nó khóc, giận dỗi, thậm chí thấy tổn thương vì cha mẹ quá đáng. Làm vậy, sao đứa trẻ nó phục, nó dễ chịu và ngoan ngoãn nghe lời?

Cha mẹ có thể thay đổi bằng việc thông báo “con được xem ti vi 30 phút nhé”, còn 15 phút nhắc, 10 phút nhắc, 5 phút nhắc: “con còn 5 phút nữa nhé” thì đến lúc hết giờ trẻ đỡ hụt hẫng hơn khi bị cha mẹ tắt ti vi, thậm chí lâu ngày quen nếp trẻ tự tắt ti vi khi hết thời lượng cho phép.

Cách này có thể áp dụng cho những điều khác nữa như: “Hôm nay, bố mẹ khá bận, chúng ta chỉ đi khu vui chơi mà không đi siêu thị con nhé!”; “Bố sẽ tặng con một viên kem vào cuối tuần nhé!”.

Khi trẻ được biết giới hạn chỉ là một viên kem, chỉ đến khu vui chơi mà không đi siêu thị thì chúng tự “biết thân biết phận” hoặc cha mẹ cũng đỡ phải giải thích bởi “luật” đã được thông báo trước đó. Từ đó, chuyện dạy con dễ dàng hơn. 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân

(Giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI