Nhìn mâm ngũ quả ngày Tết, nhớ cây lê ki ma của nội

05/02/2019 - 18:00

PNO - Giờ đây tôi đã lớn khôn và lấy chồng nơi cách xa quê nhà 12 ngàn km. Nội cũng đã đi về nơi xa thật xa.

Đấy là cây lê ki ma (cây trứng gà) đã in màu thời gian lên gốc vỏ xù xì và tán cây tỏa ra khắp nơi như một chiếc ô khổng lồ. Tuổi thơ tôi gắn liền với loại cây dân giã này. Những cành cây đan quện vào nhau, trở thành nơi lý tưởng tôi leo tót lên trốn đòn mẹ mỗi khi vừa trót làm điều sai trái. Nghe mọi người kể, khi bà nội còn trẻ và mới về làm dâu trong gia đình, bà đã trồng cây này để làm kỷ niệm. Và "cây trứng gà của nội" là tên gọi quen thuộc mỗi khi người thân trong gia đình bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm cũ về bà.

Nhin mam ngu qua ngay Tet, nho cay le ki ma cua noi
Ảnh minh họa

Có lần tôi đánh bạo trèo tít được lên ngọn cao. Tuy nhiên khi hăm hở trèo lên bao nhiêu thì khi nhìn xuống, tôi đã khóc thét lên vì sợ bấy nhiêu. Mọi người được một phen tá hỏa. Bố tôi đã phải bắc thang lên và bế tôi xuống. Sau đận ấy, mẹ đã tét tôi một trận đau điếng. Nhưng sức hấp dẫn từ tán cây xanh um mát rượi này vẫn đủ sức cám dỗ tôi cho những lần khám phá tuổi thơ sau đó.

Mỗi lần bị đòn, như một xu thế tìm tới nơi yên lành được che chở, tôi lại rúc vào góc của nội. Mùa đông tới, khi những đợt gió mùa đông bắc rít qua khe liếp hở, tôi cảm nhận rõ cái lạnh rét buốt ngoài kia đang cố tình xâm lấn nhưng rồi phải dừng lại nơi góc nằm của nội. Bao nhiêu áo bông, chăn bông cũ, nội không bỏ đi mà chèn khắp các ngóc ngách để ngăn gió rét. Thành ra tôi chui vào giường nội nằm, nơi sực nức mùi cao hổ cốt, tấm tức khóc rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong cơn mơ êm đềm, tôi vẫn cảm nhận nội vừa xoa lưng vỗ về tôi, vừa xuýt xoa chỗ cháu bị đòn đau như thể chính cơ thể nội đang đau đớn vậy. Vừa xoa xoa lưng cháu, nội vừa mắng vốn: "Ai bảo nghịch dại cho lắm vào rồi bị đòn đau. Thôi tối nay ngủ lại đây với nội, nội ủ ấm cho."

Những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi lớn lên với sự đói khổ triền miên. Cây trứng gà của bà nội là cứu cánh cho những lần bao tử sôi sục hành hạ vì cơn đói tìm đến. Mùi thơm ngát của thứ quả khi chín, màu vàng hấp dẫn và vị bùi bùi béo ngậy như lòng đỏ trứng gà đủ sức mời gọi người thưởng thức đưa đưa lên miệng nhấm nháp chúng. Có phải chính vì vậy mà ngoài tên gọi lê ki ma, loài quả này còn có tên gọi khác dân dã là "quả trứng gà"?

Mùa tháng tư, mùa hoa lê ki ma nở. Khắp nơi ngan ngát một mùi hương êm đềm dễ chịu vô cùng. Tuổi thơ tôi gắn bó với trò chơi "cô dâu chú rể." Chúng tôi túm tụm lại, nhặt những bông hoa lê ki ma bé xíu, thon dài, trong suốt như chiếc bóng đèn tí hon, rồi tỉ mẩn lấy dây xâu chúng lại thành vòng. Những ai xung phong đóng vai "cô dâu chú rể" đều được đeo nhiều vòng hoa lê ki ma lớn nhỏ, vừa sánh vai trên đường "rước dâu" về vừa cười như nắc nẻ trong tiếng dô hò của lũ bạn.

Bắt đầu mùa tháng mười, nắng hanh hao vàng như mật ong rót khắp nơi. Đâu đó trên vòm lá xanh um, những trái lê ki ma đã bắt đầu đổ màu vàng. Nội bắc cây sào làm bằng nứa, khéo léo chọc từng quả lê ki ma sao cho mỗi trái vẫn gắn với một hai chiếc lá ở cuống, rồi quẩy quả mang chúng ra chợ bán. Tôi bắt đầu đi ra đi vào trông ngóng. Bởi tôi biết sau mỗi lần đi chợ quê bán lê ki ma, bao giờ nội cũng sẽ mua quà về cho anh em tôi. Trong ký ức ngọt ngào của tôi bấy giờ, mỗi trái lê ki ma giá hai trăm đồng con. Giờ đây mệnh giá ấy đã không còn lưu hành trên thị trường. Nhưng những đồng bạc hai trăm đồng quý giá tôi vẫn cùng nội vuốt lại cho thẳng thớn ấy, đọng lại trong tâm trí tôi mãi tới tận bây giờ.

Cách nội "rấm" các loại quả cho chín, giờ đây nghĩ lại tôi vẫn cười tủm tỉm một mình vì thú vị. Quê tôi có cách gọi tên phương pháp ủ các loại quả bằng rơm, bằng trấu để trái chín tự nhiên là "rấm". Nội "rấm" chuối, "rấm" hồng xiêm, "rấm" lê ki ma vào một cái chum sành to tướng, và để những thẻ hương thơm ngát để kích thích các loại quả mau chín. Thành ra mỗi khi đi học về, như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức, tôi lao về phía có cái chum sành đó, mở nắp ra, mùi hương quện với mùi quả chín ào lên tận mũi. Tôi biết hôm đó mình được ăn no nê thỏa thích.

Nhin mam ngu qua ngay Tet, nho cay le ki ma cua noi
Hẳn thế hệ 8x vẫn ít nhiều đọng lại trong ký ức hình ảnh chiếc tủ chạn đặt nơi góc bếp, hình ảnh gắn liền suốt thời thơ ấu mỗi người. Ảnh: Internet

Nhớ cái tủ chạn của bà nội, mỗi lần đói bụng mở ra, bao giờ cũng có con mèo từ trong đó nhảy phốc ra, lưỡi và mũi còn ướt át vì vừa ăn vụng tóp mỡ trong đó. Những trái lê ki ma chín rục, nội cất riêng vào đó, phần cháu gái đi học về có cái mà ăn cho đỡ đói lòng. Tôi có thể ăn trái lê ki ma đến no bụng, mặc nội rầy la nên hạn chế kẻo say. Tuy nhiên tôi vẫn để thói ham ăn lấn át và nạp đầy bao tử bởi không cưỡng lại nổi sức hấp dẫn của thứ quả ngọt ngào dân dã này. Và mặc cho lời cảnh báo, tuổi thơ tôi chưa bao giờ bị say bởi ăn một lúc quá nhiều trái lê ki ma. Có chăng tôi "say" và như bị bỏ bùa bởi sức hấp dẫn đến mê hoặc của thứ quả ngọt ngào này gắn liền với thời thơ ấu nghèo khó nhưng êm đềm.

Quả lê ki ma chín rải rác cho đến tận tết nguyên đán. Trong mâm ngũ quả gia đình thời đó, thứ quả chiếm hữu đại đa số là quả lê ki ma. Thì "của nhà trồng được" có khác. Nội còn quẩy quả đi bán cho người ta mua về bày mâm ngày tết, nhà mình có sẵn sao không xài? Thành ra trong ký ức của tôi mỗi dịp tết đến xuân về, không khí gia đình không chỉ nhộn nhịp bởi ai nấy bận rộn lau lá dong lá chuối làm bánh chưng, mà còn vì con cháu tíu tít cùng nội hái trái lê ki ma mang đi bán.

Cùng với thời gian, tôi lớn lên và đi học xa nhà, nội cũng già và lão hóa đi trông thấy. Sinh lực nội bị tuổi già bòn rút dần, tới nỗi những ngày cuối đời, nhìn nội như một con mèo nhỏ ngồi nhẫn nại ở góc giường. Nội đã lẫn, chỉ ngồi bó gối như thế suốt ngày, đôi mắt mờ đục lúc nào cũng như mở to cố nhìn mọi thứ xung quanh nhưng thực ra chẳng nhìn thấy gì. Mỗi lần về thăm nhà, tôi tranh thủ đút từng thìa cháo cho nội, nội cảm nhận được và lại đưa tay lên xoa xoa sống lưng tôi. Ký ức ngày thơ mỗi lần bị đòn và rúc vào lòng nội, để được nội xoa lưng và vỗ về an ủi chợt sống dậy khiến tôi bật khóc.

Nhin mam ngu qua ngay Tet, nho cay le ki ma cua noi
Ở nơi xa hãy yên lòng nội nhé

Giờ đây tôi đã lớn khôn và lấy chồng nơi cách xa quê nhà 12 ngàn km. Nội cũng đã đi về nơi xa thật xa. Cây lê ki ma của nội đã bị bão đốn ngã, và đồng hai trăm con tôi mải mê lưu giữ lại trong chiếc ví của mình, lẫn với những đồng euro lưu hành nơi đất nước tôi đang sinh sống.

Tết lại về, trong mâm ngũ quả của các gia đình Việt kiều tại đất nước sở tại, cũng có đầy đủ cây trái miền nhiệt đới nhập khẩu từ đất nước láng giềng Tây Ban Nha quanh năm nắng ấm. Tuy nhiên, tôi vẫn mải mê tìm kiếm trái lê ki ma liệu có điểm xuyết trong những mâm ngũ quả ở đây nhưng tuyệt nhiên không thấy. Rồi tôi bật cười vì sự lẩn thẩn của mình. Thôi đành ru lòng mình và cất giữ lại những điều ngọt ngào ấy vào sâu trong chiếc ngăn kéo tên gọi "ký ức". Những kỷ niệm bé mọn ấy như những viên kẹo nhỏ lấp lánh dịu ngọt, chỉ mỗi dịp tết đến xuân về hồi tưởng và nhớ về nội, nhớ về cố hương - tôi lại đem chúng ra nhấm nháp lại.

Minh Thuật (từ Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI