Ngột ngạt vì đám tang kéo dài... 6 năm của bố chồng

06/11/2018 - 16:00

PNO - Suốt sáu năm qua, bữa cơm tối của gia đình vô cùng căng thẳng và u uất, chỉ vì mẹ chồng tôi không thể nguôi ngoai nỗi mất mát khi bố chồng tôi ra đi.

Bố chồng tôi mất tới nay gần sáu năm nhưng không khí gia đình vẫn như ngày ông mới ra đi, u buồn ảm đạm. Thậm chí, trẻ con chỉ được cười nói ở phòng riêng, bởi bất cứ sự vui vẻ, náo nhiệt nào cũng có thể khiến bà chạnh lòng.

Thời gian sáu năm cũng đủ để mọi người nguôi ngoai nỗi đau mất người thân, nhưng với bà lại là cú sốc quá lớn, tới mức không thể hồi phục. Dù con cháu đã rất ân cần nhưng bà muốn mọi người luôn khắc ghi nỗi đau mất mát này cùng mình, để ông không bị lãng quên.

Ngot ngat vi dam tang keo dai... 6 nam cua bo chong

Sáu năm rồi, nhà chúng tôi vẫn u ám như ngày đám tang vì mẹ chồng tôi không chấp nhận để bố chồng tôi ra đi... (Ảnh minh họa)

 

Vẫn biết rằng, mất mát của bà không gì sánh nổi nhưng con cháu từ gần gũi, an ủi dần dần biến thành hoảng sợ, ám ảnh mỗi khi trở về nhà. Nhà lúc nào cũng ngào ngạt hương khói do bà đốt nhang vòng trên bàn thờ ông để chắc chắn nhang không bao giờ tắt. Hễ khách đến nhà là thấy ngay quyển album đám tang ông mở sẵn đặt trên bàn. Ai bà cũng mời xem hình đám tang khiến khách khứa ái ngại.

Bà còn yêu cầu trẻ con đi học về, ngang qua bàn thờ phải khoanh tay chào ông. Mấy đứa trẻ ngoan ngoãn khoanh tay chào thật to: “Con chào ông nội ạ!” rồi ù té chạy. Bọn trẻ thủ thỉ với bố mẹ: “Con chào nhưng ông có trả lời đâu, chỉ chằm chằm nhìn con, ánh đèn bàn thờ màu đỏ cứ bập bùng, con sợ lắm!”.

Suốt sáu năm qua, bữa cơm tối của gia đình vô cùng căng thẳng và u uất. Cũng vài lần quên, con cháu lỡ miệng vui vẻ, cười nói, chia sẻ chuyện trường lớp, công sở, bỗng thấy bà dằn chén cơm, thở dài thườn thượt, đứng dậy ra bàn thờ thắp nhang. Vậy là cả nhà im phăng phắc, nuốt cơm thật nhanh trong im lặng rồi chui về phòng.

Vợ chồng tôi từng thử lựa lời nói với bà, rủ bà đi du lịch, thậm chí cho con xuống ngủ chung để bà bớt cô đơn. Hy vọng nhờ sự quan tâm của con cháu bà sẽ bằng lòng để ông ra đi thanh thản. Nhưng ngay đêm đầu tiên ngủ với bà, thằng bé bảy tuổi khóc thét, chạy lên phòng bố mẹ đập cửa, luôn miệng nói “bà dọa ma con”. Biết rằng, đó là tình cảm bà dành cho ông, nhưng việc bài trí đồ đạc của người đã khuất trong nhà, rồi xem đi xem lại hình ảnh đám tang khiến nó hoảng sợ.

Đỉnh điểm vào hôm tôi đi công tác, chồng đi làm về trễ, bà đã thay mặt phụ huynh ký sổ báo bài cho cháu. Tối hôm sau, kiểm tra sổ báo bài để ký cho con, vợ chồng tôi bàng hoàng khi thấy trang trước ký N.V.T., tên của ông.

Nhìn thấy quần áo của người đã khuất phơi ngoài sân, thậm chí đến bịch tã giấy trước khi ông mất, hộp sữa bột đang dùng dở vẫn được giữ lại, con cháu vẫn khó tránh khỏi cảm giác rờn rợn.

Không ai trong nhà dám đả động tới chuyện của ông với bà. Ai cũng muốn bà hiểu rằng, con cháu không quên, mà chỉ lưu giữ những kỷ niệm về ông trong lòng. 

Thế nhưng, bà vẫn chưa chấp nhận chuyện ông đã ra đi. Sáu năm rồi, nhà chúng tôi vẫn u ám như ngày đám tang. Liệu sẽ còn như thế thêm bao lâu nữa? 

Tường Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI