Tiền không mua được tình thân

13/12/2016 - 11:30

PNO - Đã thành nếp, các anh chị em trong nhà dù mỗi người một phận, nhưng không bao giờ quên lời dạy của mẹ, thương yêu giúp đỡ nhau, có cơ hội là làm từ thiện, cứu giúp những người nghèo khổ. 

“Anh em cùng một dạ sinh ra, nên thương yêu nhường nhịn, nâng đỡ nhau. Phải bảo ban nhau báo hiếu cha mẹ, không phải bằng của cải, tiền bạc mà bằng danh dự, sự nghiệp của bản thân. Các con mà làm việc xấu, cha mẹ buồn lòng, tổn thọ. Con cháu làm nhiều việc tốt, ông bà, cha mẹ vui mà sống thêm vài tuổi nữa. Đạo làm người kể ra thì dễ mà làm thì khó. Năm nay tròn 90 tuổi, tôi vẫn chưa thỏa nguyện về việc dạy con cháu làm người”, đó là lời tâm sự của cụ bà Đỗ Thị Thoa, sinh năm 1927, ngụ tại thôn Quang Trung, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

Mới đây, anh Lê Văn Chung, con trai thứ ba của cụ Thoa nhận được tin mẹ bệnh nặng, liền bỏ việc chăm sóc mấy mẫu cao su ở miền Đông Nam bộ, bay về quê. Cha anh - cụ Lê Văn Nguyên, cán bộ hưu trí, thấy con về thì rất hài lòng: “Thế mới phải đạo làm người con ạ! Tiền bạc ai chả quý, nhưng hỏi có mua được cha mẹ không?”.

Cụ bà thấy con từ miền Nam về, chẳng biết vì thuốc của anh con út là bác sĩ hay mừng vì con trai có hiếu, mà đang nằm liệt giường, một tuần sau thì đỡ bệnh, ngồi dậy được. Anh em trong nhà tổ chức bữa tiệc gặp mặt, sau đó anh Chung vội trở vô Nam vì công việc bận rộn.

Tien khong mua duoc tinh than
Hai người con trai từ miền Nam về thăm mẹ bệnh

Cụ Đỗ Thị Thoa suốt đời chăm chỉ ruộng nương cho chồng đi công tác. “Hồi xưa còn lạc hậu, sinh càng nhiều con càng mừng. Ông bà tôi “bắt được” bảy đứa cơ mà. Bốn trai, ba gái, lớn lên cứ khoai sắn mà ăn rào rào như tằm ăn rỗi, làm chẳng kịp nuôi con”, cụ Thoa nhún nhường nói thế, chứ từ những năm 1960, cuộc sống vô cùng khó khăn thiếu thốn, một tay cụ nuôi con thành người là một kỳ tích.

Cụ ông lúc đó là cán bộ xã, xách xe đạp, đeo xà-cột đi suốt ngày. Lúc người con trưởng lên 10 tuổi, cụ được điều lên huyện làm ở Phòng Nông nghiệp. Việc nhà trút lên vai vợ, dạy dỗ con cũng một tay cụ bà đảm nhiệm. Năm 1988, khi chồng về hưu thì các con khôn lớn trưởng thành, cậu út lúc ấy 18 tuổi, là sinh viên Đại học Y Thái Nguyên.

Nhắc đến người vợ đảm đang, tình nghĩa chung bước với mình xuyên qua hai thế kỷ, cụ Nguyên nói: “Tôi kém bà ấy một tuổi, lại đi công tác ăn trắng mặc trơn. Vậy mà bà ấy chẳng khi nào buồn phiền, ghen tuông. Chịu lam lũ, vất vả, nhịn ăn nhịn mặc nuôi dạy các con”. Cụ ông bảo “phúc đức tại mẫu”, các con hiếu thảo, biết sống hòa đồng cùng dân làng là nhờ công của cụ bà.

Thường ở quê, công việc nhà nông cực kỳ vất vả, thu nhập không cao. Nhưng ở làng có việc như sửa sang đình miếu, ủng hộ bà con trong nước bị thiên tai, đói kém, cụ đều nhắc nhở con cháu tích cực ủng hộ. Nhà bớt một miếng ăn, nhưng tạo được phúc đức về sau, không nghĩ mình còn thiếu thốn thì không làm việc thiện được.

Những người con của hai cụ đều thành đạt. Ba cô con gái lấy chồng, nhờ phận nhà người. Anh cả Lê Văn Canh là cán bộ lãnh đạo xã, mới về hưu. Anh trai thứ Lê Văn Chung công tác ở Bộ Xây dựng cũng đã hưu, lập nghiệp ở Bình Dương cùng người em trai kế làm việc ở một doanh nghiệp. Người con út Lê Văn Xuân hiện là Trưởng phòng Y tế huyện.

Đã thành nếp, các anh chị em trong nhà dù mỗi người một phận, nhưng không bao giờ quên lời dạy của mẹ, thương yêu giúp đỡ nhau, có cơ hội là làm từ thiện, cứu giúp những người nghèo khổ. Hiện hai vợ chồng cụ Thoa ở chung với con trai út. Anh Canh trai trưởng nhà ở gần, vui vẻ ”nhường” em chăm sóc cha mẹ. Không phải anh thiếu thốn mà dồn trách nhiệm cho em, mà do chú út có điều kiện hơn, lại làm nghề y nên theo dõi, thuốc men cho cha mẹ.

Các anh chị em trong nhà, lúc rảnh rỗi lại chạy sang thăm ông bà, biếu cái măng ngọt, quả vải đầu mùa, hoặc miếng thịt ngon. Cụ ông có lương hưu, được các con phụng dưỡng đầy đủ, thấy các cháu đứa nào học giỏi, cha mẹ còn thiếu thốn là ông chia sẻ, hỗ trợ.

Hai anh con trai từ Nam về quê chăm mẹ bệnh, mang theo mấy triệu đồng. Khi đi, ông bà lại gửi quà vào cho các cháu. Chẳng thiếu thốn gì, nhưng ông bà vui vì lòng hiếu thảo của các con, ai cũng có trách nhiệm với cha mẹ.

Cụ bà có nỗi buồn riêng, là con trai thứ vất vả đường vợ con, phải đi những “hai lần đò”. Anh Chung lấy vợ có được cậu con trai, sau bà vợ bỏ đi theo người khác, anh thành hôn với một phụ nữ góa chồng có con riêng, sinh thêm được một cậu trai. Cụ bà thương anh, vì anh vừa lo cho cha mẹ, lại lo cho con chung, con riêng. Cụ Nguyên vẫn khuyên con ăn ở cho vẹn tròn, tình nghĩa.

Năm ngoái, biết tin con vừa làm nhà mới cho con trai vợ trước, vừa gả chồng cho con riêng vợ sau, cụ bà giục cụ ông bay vào với các cháu. Vì con vất vả, mình còn khỏe thì chạy đi, chạy lại với con cháu cho chúng khỏi tủi thân. Đó cũng là cái đạo làm cha mẹ. Cụ ông vào Nam chưa được tròn tháng, lấy cớ cụ bà mệt, nhất định đòi về.

Đại gia đình nhà cụ Nguyên con cháu nội ngoại gần trăm người. Mỗi khi giỗ, tết, cháu chắt về đông đủ, hai cụ lại nhắc nhở cho họ thấu hiểu đạo làm người mà ông bà, cha mẹ gìn giữ từ thuở hàn vi.

Phùng Hoàng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI