Mùa ngóng lương, ngóng thưởng

30/12/2018 - 10:30

PNO - Mùa tết là… mùa than. Kẻ nghèo than đã đành, người giàu cũng than. Ai nhu cầu nhiều than nhiều. Hội chứng cuối năm ít khi chừa một ai.

Cô bạn tôi đang hậm hực đăng Facebook: “Nghe điện thoại ting ting, tưởng ông chú Vietin(bank), hóa ra là ông chú Viettel”, kèm tấm ảnh chụp màn hình tin nhắn rác nhà mạng. Như đánh trúng cơn bão lòng đang đổ bộ trong tất thảy bạn bè, dòng trạng thái nhanh chóng nhận được hơn trăm like, trăm bình luận.

Lương tháng 13 - em ở đâu?

“Đang chờ “con lương” tháng 13, sốt ruột đến chết được mà nhà mạng suốt ngày ting ting ba cái tin ngày thường chẳng buồn xem”, “Nhận tin, mừng như lên đỉnh. Đọc xong, ai vừa đạp tôi hai phát thế này?”… Hàng trăm bình luận đồng cảm sâu sắc cơn hậm hực, hụt hẫng của bạn tôi. Tết đến… mông rồi, ai không đang trong tâm trạng như ngồi trên đống lửa. Bao toan tính, dự định từ mua sắm, biếu xén, lễ nghĩa đi lại những ngày cuối năm, cho đến đầu năm… chỉ trong tiếng tin nhắn báo về.

Công ty tôi làm, thâm niên thuộc “lão làng” nên tôi chắc, cuối năm thế nào “con lương” sẽ chẳng làm một cú đúp song sinh, gồm tháng 13 lẫn thưởng tết. Ấy vậy, mấy ngày này, đi đến đâu tôi đều nghe mếu máo: “Đang yên đang lành, tự nhiên… tết chi không biết. Sống làm sao cho qua con trăng này đây trời!”. 

Mua ngong luong, ngong thuong
Ảnh minh họa.

Hôm kia, tôi đánh bạo hỏi một chị: “Lương cao, thưởng tết nguyên con nguyên cành mà bà chị “rên” hoài thế?”. Nhìn tôi thiếu điều muốn nuốt sống, bà chị nguýt rõ bén: “Là anh còn độc thân. Thử cưới vợ đi rồi biết”. Tôi vờ trố mắt, nhờ chị khai sáng giúp. “Này nhé, thân sinh hai bên chưa kể cháu chắt bên nào cũng xấp xỉ đội bóng. Mệt nhất là cái khoản mua sắm đồ ăn thức uống, rồi quần áo cho mình, cho chồng đến lớp nhỏ. Tôi còn chưa kể gia đình kéo về quê, hết bên nội rồi lết sang bên ngoại, chi phí đi lại đủ hụt hơi rồi đó” - chị giơ mười ngón tay đếm.

Xóm trọ nơi tôi sống mấy chiều này cũng rổn rảng... kinh hoàng. “Ê, khi nào về quê? Tết này lương thưởng ấm không?”, “Con Mai tính tết này thưởng lớn sẽ làm quả đầu giống nàng Song Hye Kyo đó!”. Rồi tiếng nhà hàng xóm vọng qua: “Không có lương tháng 13 à anh? Thưởng tết thì sao?”. “Số sếp đây, em gọi hỏi giùm anh”, “Nói thế mà nghe được à! Anh hứa gì, anh bảo cuối năm thanh toán hết mớ nợ cho bà Tám tạp hóa, dư bao nhiêu em thoải mái dẫn cái Thảo đi mua sắm, nhớ không” - như chợt nhớ ra điều gì, chị giật mình: “Mà vé tàu năm nay giá cả sao anh?”. Tôi đứng từ phòng trọ, ngó sang, thấy anh chồng gặm xương cá sau ngụm rượu: “Bà cho tôi yên xíu đi”. “Nói thế mà nghe được à, không khéo vạ vật xe đò cả đám như năm nào thì khổ” - chị vợ gằn giọng.

Mua ngong luong, ngong thuong

Cuộc sống của phần lớn công nhân còn gặp nhiều khó khăn nhất là vào dịp cuối năm. (Ảnh: P.Huy)

Hội chứng than cuối năm

Giữa những dòng trạng thái chán nản ngập tràn không gian mạng, tôi thấy bình luận của bạn gái tên Hằng: “Chỗ vợ chồng mình làm đâu có năm nào thưởng tết hay lương 13, 14 gì đâu. Xác định vậy nên khỏi ngóng chi mệt” - cùng làm công nhân cho một xưởng nước đá, vợ chồng bạn bán thêm ít đồ quê trên mạng. Hai tháng một lần, má chồng Hằng từ Quảng Ngãi gửi vô nào gà ta, cá biển, thịt đã chế biến cho con dâu buôn bán kiếm chút đỉnh nuôi con. Tôi nhắn tin hỏi thăm: “Khi nào được nghỉ tết, về quê bằng gì?”. Ngờ đâu, Hằng bỗng như lên đồng, xổ một tràng hết con ốm đến làm cả năm không dư lấy một đồng.

Tôi phát chán: “Mệt, năm nào cũng nghe cậu than mà họp lớp thì ăn diện không ai bằng, tiền vung vun vút”. Cô bạn tươi cười: “Nói chớ tết mà, kiểu gì cũng phải lên đời cho năm mới tài lộc nhào vô cản không kịp”. Bạn hồ hởi, thiệt ra có mấy đơn hàng đặt tết đủ tiền xe, còn lết được đến quê thì là xuân rồi còn gì. “Ở xưởng nước đá, mọi người làm theo năng lực, hưởng theo… nhu cầu. Được cái nhu cầu của vợ chồng mình có nhiều nhặn gì đâu” - bạn chốt.

Có thể Hằng nói đùa, tôi vẫn vui, vui với cái chấp nhận bình an của cô bạn chưa khi nào ngưng nổi tiếng điệu đà. Mùa tết là… mùa than. Kẻ nghèo than đã đành, người giàu cũng than. Ai nhu cầu nhiều than nhiều. Hội chứng cuối năm ít khi chừa một ai. Quy luật là, tem tém bớt nhu cầu chắc không sao. Hay như bà chị dâu tôi quả quyết: “Đời tao chưa biết thưởng tết là gì”. Chị làm cho một công ty trà, thu nhập tròm trèm mười triệu đồng/tháng. Anh tôi chạy xe ôm. Hai đứa con đang độ tuổi ăn học. Ấy thế, tết nào anh chị cũng đùm túm về quê. Trọn vẹn ba ngày ăn tết ở nhà chồng, chị lại nhéo nhẹ chồng, nhắc anh dừng cuộc nhậu cho kịp chuyến xe cuối về ngoại. Anh nhìn chị nguýt yêu, cụng một vòng bạn nhậu rồi mạnh mẽ đứng lên. 

Có lần tôi hỏi bí quyết cuộc thu xếp chi tiêu, chị dâu triết lý: “Con người sinh ra có bản năng thích nghi. Chị thừa biết tết không thưởng nên hằng tháng kiểu gì cũng phải trích một phần thu nhập để dành riêng, mấy khoản tăng ca cũng đều cho vào đấy. Dịp nào cần, lôi ra, còn lại cho cuối năm. Sắm sửa gì thì trong năm thong thả được lúc nào, chị tranh thủ lúc đó. Tiền ít ăn tết nghèo, nhiều vung một xíu. Vậy thôi”.

Thế mới nói, đặt cược cảm xúc mình cho mấy tiếng ting ting, đôi khi như gom trứng một rổ. Và… mà rồi, tin đi, đâu sẽ lại vào đấy thôi. Tôi ở xóm trọ cùng chị hàng xóm “nói thế mà được à” xấp xỉ mười năm tròn. Năm nào, mùa này, cả xóm chẳng điếc tai vì cuộc giày vò chồng của chị. Tết xong, chị trở lại, tít mắt: “Trời ơi tết chi mà mau hết, chưa thăm được hết bà con đây này” - vừa nói, chị vò vò chiếc bụng đã vượt ngực: “Rồi mớ mỡ này chẳng biết sao đây trời”.

Tiêu Kiếm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI