Cô học trò giàu nghị lực

21/06/2014 - 07:15

PNO - PN - Em Trần Thu Hồng (Trường THCS Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM) sớm quen với việc mò cua, bắt ốc. Mọi trang trải cho gia đình đều dựa vào công việc ít may nhiều rủi của em, khi tai ương liên tục ập đến gia đình:...

edf40wrjww2tblPage:Content

Co hoc tro giau nghi luc

Hồng chằm lá trước nhà

Bốn miệng ăn, ba người bệnh

Gia đình Hồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Vòng xoáy cơm áo gạo tiền cũng đủ khiến con người ta mệt mỏi, chán chường, đằng này bệnh tật lại bủa vây. Cô học trò lớp 6, một mình mang nhiều nỗi lo toan nhưng khó khăn chưa bao giờ khiến em gục ngã.

Nhà Hồng nằm cô quạnh giữa những vuông tôm bỏ hoang nhiều năm vì nguồn nước ô nhiễm. Từ Trường THCS Doi Lầu, mất gần nửa giờ đi xe máy, rồi đi bộ thêm chừng ấy thời gian tôi mới tới nơi. Trong căn nhà, không có vật dụng gì giá trị, ngoài chiếc bồn nhựa trữ nước sạch. Thấy chúng tôi nhìn quanh ái ngại, anh Trần Văn Tàu, cha của Hồng nói: “Như vậy là đỡ lắm rồi, địa phương mới hỗ trợ mười triệu đồng để lợp mái và dựng vách chứ trước kia trống trơn, ở trong nhà cũng như ngoài trời, đêm mưa không biết nằm chỗ nào”.

Co hoc tro giau nghi luc

Nước ô nhiễm, mưu sinh từ việc bắt ốc len không dễ như trước

Nhiều năm trước, anh Tàu theo nghề biển, dù cái ăn chỉ đắp đổi nhưng không đến nỗi thiếu trước hụt sau như bây giờ. Nhưng rồi chứng viêm khớp nặng khiến tay chân sưng phù, anh không thể tiếp tục công việc. Bệnh tình của anh ngày càng nặng hơn; trong khi đó, vợ anh lại phát bệnh tim, cộng thêm chứng mất ngủ kinh niên khiến sức khỏe chị suy kiệt. Khó khăn chất chồng trong căn nhà ấy khi người chị kế của Hồng - Trần Thị Gái khi đang học lớp 6, đột nhiên mắc bệnh thần kinh, không kiểm soát được hành vi. “Không hiểu sao, đang tuổi học, tuổi lớn Gái lại bị ngơ ngơ, không biết gì hết, cho ăn thì ăn, không hề kêu đói. Thương chị, lại sợ cha mẹ vất vả, mọi sinh hoạt cá nhân của Gái, Hồng đều giành làm thay hết”, anh Tàu kể. Nhìn chị gái, Hồng chia sẻ: “Có lần, chị bỏ nhà đi không biết đường về. Nhiều đêm cả nhà đang ngủ, chị đi hồi nào không hay, kiếm mấy ngày mới gặp”.

Co hoc tro giau nghi luc

Chăm sóc chị gái

Từ ngày bỏ nghề đi biển, anh Tàu chỉ biết kiếm thu nhập trang trải cho gia đình bằng cách chằm lá dừa, mỗi ngày được khoảng 15.000đ, gói ghém cũng đủ tiền đong gạo. Thế nhưng, gần đây bệnh tình anh trở nặng, không thể ngồi lâu một chỗ nên Hồng phải phụ cha đảm đương việc này. Ngày nghỉ, em tranh thủ chèo xuồng đi chặt lá dừa để dành cho hai cha con có lá chằm suốt một tuần, sau đó rảnh giờ nào là đi bắt ốc len, thả lưới. Chiếc khạp đặt sau góc bếp với khoảng 3kg ốc là thành quả sau gần một tuần Hồng lội bùn sình khắp nơi. “Nguồn nước ô nhiễm, ốc, cá không thể sống được, mỗi ngày kiếm nửa ký ốc là nhiều lắm rồi”, Hồng cho hay. Nghe con gái nói, anh Tàu không giấu nỗi xót xa: “Mình là cha mà không thể làm gì cho con, ngược lại phải để một đứa trẻ sớm lo lắng cho gia đình, tôi đau lòng lắm. Con bé vừa học vừa làm quần quật, không thời gian nghỉ ngơi nhưng chưa một lần than vãn”.

“Ngày đó còn rất xa”

Trước chị Gái, Hồng còn có hai chị nữa, học giỏi nhưng từ lúc cha bệnh, cả hai phải nghỉ học để đi làm thuê. Nay hai chị đã lập gia đình, cuộc sống riêng cũng chẳng khấm khá, không giúp đỡ được gì. Hỏi chuyện thu nhập của việc chằm lá, đánh cá và bắt ốc, Hồng nói: “Khoảng 25.000đ/ngày”. “Bấy nhiêu đó cho cả gia đình bốn miệng ăn?” - tôi hỏi. Hồng đáp: “Lo gạo là chính, rau thì em vào rừng hái, thả lưới cá lớn đem bán, cá vụn thì phơi khô ăn dần”.

Co hoc tro giau nghi luc

Anh Trần Văn Tàu với căn bệnh viêm khớp nặng

Luôn tất tả cho việc mưu sinh, song Hồng chưa bao giờ sao nhãng chuyện học hành. Mẹ em cho biết: “Mệt cỡ nào, Hồng cũng ráng thức đến 1-2g sáng để học bài. Con học rất giỏi, năm nào cũng được nhận giấy khen. Có lần, thấy con đi thả lưới về khuya, tôi lo lắng ra vuông tôm sau nhà ngồi chờ. Về đến, bắt gặp tôi đang khóc, con tỏ ra cứng rắn, khuyên tôi không nên buồn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”. Công cụ và phương tiện mưu sinh của Hồng là một đoạn lưới cũ, chai nước suối đựng ốc len và chiếc xuồng nhỏ. Quãng đường đến nơi bắt ốc, thả lưới trên dưới 5km nhưng hôm nước ròng, có hơn nửa đoạn đường Hồng phải lội sình kéo xuồng.

Nhắc chuyện Hồng, thầy Nguyễn Văn Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Doi Lầu nói: “Ý thức tự học, vượt khó của Hồng là tấm gương cho bạn bè noi theo. Chúng tôi không thể tưởng tượng được những gì mà em ấy đã vượt qua. Hồng có một nghị lực phi thường, học giỏi đều các môn, tính tình hòa đồng, luôn giúp đỡ bạn bè trong học tập”. Trầm ngâm hồi lâu, thầy Phước chùng giọng: “Tuy vậy, con đường học vấn của Hồng có thể bị khép lại vì hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn”. Trong nghịch cảnh ấy, Hồng vẫn không thôi ước ao: “Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mai mốt được vào học ngành y, như thế con mới có thể chăm sóc cho ba mẹ và chị Gái thật tốt”. Nói đoạn, Hồng bất ngờ cúi đầu: “Nhưng con sợ không kịp vì ngày đó còn rất xa mà sức khỏe ba mẹ ngày càng suy kiệt”…

 TRẦN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI