Báo động rối loạn tâm thần ở trẻ

04/05/2016 - 16:12

PNO - Môi trường sống phức tạp, áp lực học hành căng thẳng, các xung đột gia đình… tạo sức ép tâm lý, đè nén tinh thần, sự phát triển bình thường của trẻ.

Việc phát hiện các triệu chứng TL, tâm thần (TT) muộn không chỉ khiến việc điều trị phức tạp, mà những tổn thương của trẻ trở nên trầm trọng, nguy cơ tái phát cao hơn.

Những con số nhói lòng

Có mặt ở phòng khám TL - TT trẻ em của Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM, chúng tôi chứng kiến cảnh những đứa trẻ tự ý xông vào phòng bác sĩ (BS), đòi được khám bệnh. Có bé nhào lên giường bệnh, có bé nhấc bổng ghế, nằm vắt qua bàn, kéo tay BS trong sự lúng túng của các bà mẹ…

Chỉ trong buổi chiều 15/4, đã có hơn 50 trẻ đến khám tại cơ sở trên. Thấy tôi bất ngờ trước số trẻ đến khám, các điều dưỡng cho biết: “Mùa thi nên ít đó. Thi xong rồi, phòng khám không còn chỗ đứng”. Còn BS Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng khoa TL - TT trẻ em của BV Tâm thần TP.HCM thì tiên lượng: “Bệnh nhi rối loạn tâm lý (RLTL), TT sẽ còn gia tăng. Cũng may là có một số phụ huynh tự phát hiện bệnh lý của con, đưa đến BV sớm”.

Từ năm 2012 đến năm 2015, mỗi năm, số trẻ đến khám về TL, TT tại BV Tâm thần TP.HCM tăng từ 800 đến 3.000 lượt; riêng trong năm 2015, số trẻ đến khám và điều trị tại BV này là 33.242 lượt. Tương tự, tại khoa Tâm lý của BV Nhi Đồng 1, số lượt trẻ đến điều trị RLTL, TT cũng tăng trên 1.000 lượt/năm và trong năm 2015, đã có trên 9.200 lượt điều trị.

Đứng chen chân ở phòng tiếp nhận bệnh của BV Nhi Đồng 1, chúng tôi nghe tiếng la ó của người đàn ông trạc tứ tuần: “Tôi từ Mộc Hóa, Long An lên đây xếp hàng cả buổi mà giờ không nhận bệnh là sao?”. ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa TL BV Nhi Đồng 1 giải thích lý do từ chối: “Do số lượng bệnh nhi cần khám và điều trị TL tăng vọt nên BV không đủ nhân lực và cơ sở vật chất tiếp nhận các em. Hiện mỗi ngày khoa chỉ có thể tiếp nhận 20 ca bệnh mới, còn lại là dành cho các bệnh nhi đang điều trị nội trú (hơn 500 ca) và những ca tái khám”.

Bao dong roi loan tam than o tre
BS Lâm Hiếu Minh đang khám cho một bệnh nhi

Phát hiện sớm, điều trị đúng liệu trình

Đa số phụ huynh không nhận biết RLTL, TT ngay từ đầu, khi trẻ có những biểu hiện TL bất thường. Một ngày cuối tuần, chị N.T.T., nhân viên văn phòng của một công ty ở Q.11 nhìn thấy bé K. con mình tự dưng bị rụng gần 1/4 mảng tóc trên đầu. Chị hỏi con, cô bé bảy tuổi trả lời “không biết”. Chị T. điện thoại tổng đài tư vấn về nấm tóc, sau đó đổi khăn tắm, đồ dùng, dầu gội cho con… suốt một tháng trời. Không ăn thua, chị T. bèn đưa con đến BV da liễu. Nào ngờ, chị T. được BS mời nói chuyện riêng, đề nghị chị đưa con đến khoa TL BV Nhi Đồng 1 để điều trị chứng rối loạn lo âu, sợ hãi.

Trực tiếp điều trị cho bé K., ThS-BS Phạm Minh Triết phát hiện việc rụng cả mảng tóc là do bé K. tự bứt và nhai tóc mình mà nguyên nhân là do bé bị cha ép học võ, trong khi bé rất ghét môn thể thao này. Theo BS Triết, tuy bé K. ca bệnh nhẹ, nhưng lại điển hình cho sự thiếu quan tâm, chăm sóc, theo dõi về TL con của các bậc cha mẹ.

Tại khoa TL-TT của BV Tâm thần TP.HCM, nhiều trường hợp trẻ được gia đình đưa đến muộn, khi các triệu chứng RLTL đã chuyển biến xấu. BS Lâm Hiếu Minh nhận định: “Cho đến nay, nhiều người vẫn né tránh thừa nhận việc con mình bệnh về TL, TT và coi đó là nỗi xấu hổ của gia đình. Có những trường hợp thấy con bệnh nhưng lại nghĩ con bị ma ám, nên lo cúng vái hoặc cho con uống cao khỉ, cao cọp, sừng tê giác, thậm chí cả cao xương xanh (xương người chết)… khiến bệnh của con thêm trầm trọng”.

Có trường hợp cha mẹ phát hiện bệnh trầm cảm của con, đưa đến BV điều trị nhưng chưa đến nửa phác đồ đã ngưng; đến khi tái khám, bé đã gây thương tích cho bản thân hoặc bạn bè do rối loạn cảm xúc và stress. Điển hình là trường hợp bệnh nhi N.M.H., một nam sinh lớp 10 ở H.Củ Chi, TP.HCM đã dùng dao đâm bạn học cùng lớp ngay khi bị gián đoạn điều trị chứng “rối loạn hỗn hợp về cư xử và cảm xúc” (chuyện xảy ra vào đầu tháng 8/2015). Một bệnh nhi khác, cũng đang điều trị chứng “rối loạn cảm xúc” ở BV này phải ngưng ngang thuốc vì mẹ bận đi công tác nước ngoài, ở nhà bé đã lấy ghế phang người chú ruột khi chú nói giỡn “mẹ đi lấy chồng, bỏ con rồi”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI