Mầm xanh

15/08/2018 - 15:00

PNO - Liên không muốn rụt tay về, mà thiết tha thèm xoa xoa mấy vết chai trong lòng bàn tay Tám. Liên dường như nghe quanh mình thương yêu tràn khắp...

Liên nằm tòng teng trên võng nhìn ra ngoài. Khung cửa sổ bong tróc nham nhở. Một màu xám xịt của thời gian đeo bám từng góc trong ngôi nhà áng chừng lớn hơn cả tuổi Liên. Nhiều thứ đã đổi thay, duy chỉ có những mảnh sắt cong cong hình dấu hỏi đối xứng này là còn nguyên vẹn hình hài. 

Mam xanh

Chiều lấp ló ngoài ngọn dừa. Tiếng muỗi bắt đầu vo ve. Nhiều khi Liên ngồi nghĩ, cái xứ mình riết cái gì cũng khó kiếm. Một nắm lá cẩm nấu xôi, một củ nghệ xức vết thương cho lành sẹo, một chùm hoàng lan ép vô sách cho thơm cũng tìm đỏ con mắt. Vậy mà muỗi thì khỏi tìm. 

- Không đèn đuốc gì vậy Út? Bác ngủ hả?

Liên giật mình. Tám đứng trên đầu võng lúc nào không biết. Liên nhỏm dậy, hơi ngường ngượng. Có đôi lần bắt gặp ánh mắt ướt rượt của Tám soi thẳng vào mình.

Đêm về, Liên trằn trọc mãi, thèm muốn nhớ nhung ánh nhìn đó. Thế nhưng, nỗi sợ mơ hồ tựa bao cát nặng trịch lơ lửng trên đầu khiến Liên chưa một lần dám nhìn lại. Biết Tám ngót nghét mười năm mà không hiểu sao Liên không thể tự nhiên được với Tám.

Có cái gì luẩn quẩn như một áng mây đen cứ che khuất tầm nhìn, ý nghĩ của Liên. Liên không biết rõ đó là điều gì nữa. Phải chăng Liên cũng như tất cả mọi người, luôn đứng bên này đường, nhìn những người bên kia, khác mình, bằng ánh mắt ngại ngần, xét đoán, theo lối mòn, thiếu dũng khí, thiếu cảm thông yêu thương để sẻ chia sự khác biệt?

 Nhiều lúc thấy Tám lầm lũi một mình, Liên tự dưng nghe xốn xang trong dạ, muốn qua ngồi chơi, vu vơ vài câu, mà cũng ngó nghiêng không dám. Liên hít một hơi dài, luống cuống tự thấy như cô bé học trò e ngại sợ thầy cô giáo gọi đến tên mình. 

Tám lột cái nón lưỡi trai màu đen, lem nhem mấy vệt bùn non đã khô trông hệt như vết thương sắp bong tróc, để lại trên trán một vết hằn vắt ngang đo đỏ. Tám như lọt thỏm trong cái áo thun quá khổ rộng thùng thình. Chiếc áo nhàu nhĩ có dòng chữ quảng cáo sản phẩm rúm ró xiêu vẹo. 

- Tám ngồi chơi, em lấy trà uống hén! 

Liên lập cập xỏ chân vô đôi dép nhựa, bước ra nhà sau, không dám nhìn lại, nghe sau lưng áo nhột nhạt ánh nhìn vướng vất.

Mam xanh

- Làm gì vậy Út?

- Con đổ rau câu chút ba.
- Ờ, sao giờ chưa cho ba ăn cơm, Út?

Liên giật mình. Ba mới ăn cơm chưa được một tiếng đồng hồ sao lại hỏi vậy? Liên quấn vội mái tóc dài lòa xòa, nhè nhẹ đi đến cạnh ba. Dạo gần đây Liên thấy ba là lạ. Ba hay ngồi thừ, mải miết cầm lên ngắm nghía rồi bỏ xuống mấy con cờ tướng đã nhẵn thính, lặp đi lặp lại.

Thi thoảng ba lẩm bẩm những thanh âm rất nhỏ như đang nói chuyện với ai đó đang ngồi cạnh mình.

- Ba!
- Gì hết hồn vậy? Bây có cái tật giống má bây. Hễ cái kêu không nói.

Liên mỉm cười, tự thấy mình suy nghĩ linh tinh. Ba vẫn khỏe mà. Liên đã ngoài 30 tuổi, trong ngần ấy năm cái câu: “Bây có cái tật giống má bây!” của ba, Liên không biết mình đã nghe mấy ngàn lần.

Thốt nhiên Liên tưởng má cũng như miếng rau câu này vậy, chưa bao giờ rời bỏ Liên, má hòa quyện trong lòng ba, ở cạnh Liên từ xưa đến giờ.Sanh ra Liên là má đi luôn. Muốn tìm cái gì để nhớ má, ngoài hình và lời kể của ba, ký ức về má với Liên trống rỗng. Liên nhìn xửng rau câu loằng ngoằng hai màu, xanh của lá dứa hòa quyện vào màu trắng đục của nước cốt dừa. 

Hồi nhỏ Liên không để ý. Sau này lớn lên, Liên thích nhìn mặt ba những lần ba rầy Liên như vậy. Có cái gì ấm áp và thương yêu vô cùng. Tựa hồ như ba đang giang đôi cánh tay rắn chắc ôm cả Liên cả má vô lòng. Những cái ôm luôn là nỗi khao khát riết róng thẳm sâu trong Liên. Đời Liên, những cái ôm, đếm chưa hết hai bàn tay.

Liên từng nghĩ vu vơ nếu có má, chắc Liên không thèm được ôm đến vậy. Bất giác Liên nhìn lên bàn thờ. Hơn 30 năm, hình má cũng đã nhòe mờ không còn nhìn rõ nữa. Các anh lớn lên, ở xa, bận rộn trăm công ngàn việc, không biết một năm ngoài ngày tết và giỗ, liệu có ai còn nhớ má không?

Liên ôm trái dừa khô ngồi yên, nhìn ra giàn mướp cuối mùa chỉ còn chơ vơ mấy dây cằn cỗi. Đám mồng tơi bon chen bò đè lên mà cũng sinh ra chi chít những chùm trái li ti chưa chín. 

Xung quanh yên ắng. Liên mân mê từng đốt ngón tay. Tự nhiên nhớ hình như có một dạo Liên sợ hãi cái yên ắng của nhà mình, của những tàu dừa rủ người cam chịu này. Liên đã từng ước gì mình có thể như một cánh chim, tha hồ sải cánh đến những vùng trời khác, trông thấy ánh cầu vồng ở một nơi nào khác. 

Mam xanh

Nắng ấm. Có cái gì man mát phủ lấy cơ thể Liên, có lẽ đó chính là sinh khí. Cái sinh khí mà hơn bảy năm, đóng kín mình trong căn phòng trọ nhỏ xíu, đóng kín mình trong xưởng may chỉ có tiếng máy rè rè, chiều tan ca lững thững những bước chân như đi lạc từ xưởng về phòng trọ Liên không cảm giác thấy. Đời con người ta đôi khi cứ phải bước đi một vài vòng rồi mới định hướng được đâu là nơi để trở về.

-  Chuyến này Út đi nữa không?
- Dạ, em cũng chưa biết nữa Tám.

Tám giành lấy trái dừa từ tay Liên, bổ nhát nào dứt khoát nhát đó. Nháy mắt đã tước luôn xơ dừa. Con xẻo trước nhà hôm nay có vẻ lười không thèm nhúc nhích. Mặt nước như ngủ quên. Vài chiếc lá bàng vàng óng dập dềnh thư thả tựa như đoàn tàu tí hon nối đuôi ngơi nghỉ. Có con chuồn chuồn ốm nhom như lá cỏ chắc cơ chừng hơi mỏi cánh, chờn vờn tìm chỗ đậu.

- Hồi nhỏ Út có bị xúi để chuồn chuồn cắn rốn không?
- Dạ, có Tám. Cắn quá chừng, đau quá chừng mà ráng. Rồi lội xuống cái xẻo này. Biết bơi đâu không thấy. Uống một bụng nước.

Liên cười. Tám cũng thích thú cười vang. Liên nghe dường như giọng cười của Tám trong trẻo không giống mọi khi. Liên len lén nhìn Tám, nghĩ vẩn vơ nếu Tám mặc đồ như Liên, tóc cũng dài như mọi đứa con gái khác thì trông Tám ra sao?

Tám nhặt một viên đất khô quăng ra xa, nước bắn lên từng tia óng ánh tựa như những tia pháo hoa có lần Liên và mấy đứa bạn trọ chung căng mắt chờ coi vào dịp tết ở Sài Gòn.

- Út!
- Dạ!
- Út biết không, Tám từng nghĩ cùng nắm giữ một bí mật sẽ khiến cho cả hai thân nhau hơn. Và để làm thân với một người, Tám đã thổ lộ bí mật không thể nói ra với người đó. Để rồi hôm sau, chính mình chứng kiến cái bí mật mà mình cất giữ trong tim ấy đã thành trò cười cho thiên hạ.

- Dạ!
- Tám về đây ở nhà ngoại Tám là vì vậy. Người ta bàn tán nhiều về Tám. Cũng nhiều năm, Tám bên kia nhìn trộm Út bên này những dịp Út về... 
- ...
-  Út, hay đừng đi nữa!

Liên giật mình khi Tám rón rén nắm tay mình. Run rẩy. Bàn tay Tám cũng nhỏ bé như tay Liên, nhưng cồm cộm các vết chai sần. Liên tự nhiên nghe đâu đó trong thẳm sâu dâng lên một cảm giác êm ái dễ chịu. Liên không muốn rụt tay về, mà thiết tha thèm xoa xoa mấy vết chai trong lòng bàn tay Tám. Liên dường như nghe quanh mình thương yêu tràn khắp.

Gió từ dưới xẻo lướt qua đám dừa nước tạo thành thanh âm lao xao khẽ khàng nhẹ như hơi thở, phảng phất mùi hăng hăng của bùn non, nồng nồng thơm thơm của cây cỏ. Liên ngồi sát ngả đầu vào vai Tám. Trưa vùng quê yên lành.


- Bệnh Alzheimer như ba là phải luôn có người canh chừng. Rồi chưa kể sẽ ngồi nằm một chỗ. 


***
Liên nghỉ việc ở xí nghiệp may về mấy tháng nay, mơ hồ thấy ba không khỏe, dường như nhớ nhớ quên quên. Cũng suốt cả tháng nay ba không đi đâu qua khỏi sân nhà. Một tia sáng sượt qua đầu Liên. Liên bỏ đôi dép nhựa, chạy thật nhanh qua rặng tầm vông rậm rạp, qua mấy cây sầu đông cổ thụ.

Liên giẫm lên mấy cây mì non mới nhú đọt. Ba nằm sõng soài ngay cạnh mộ má... Liên nghe người nhẹ hẫng, cơ hồ như có ai đưa bàn tay thọc sâu vào lồng ngực khua khoắng, vặn thắt lại. Liên chạy loanh quanh không thấy ba đâu. Mỗi bước chân đặt xuống đất, Liên không cảm giác được mình giẫm lên cái gì. 

Mam xanh

***
- Ba ơi! Ba ơi!
- Tám ơi, ba em có bên đó không?
- Không Út, bác đi đâu có nói không?

Giọng anh Hai trầm trầm như cố nén, không khí như có đám mây đen phủ khắp nhà. Một sự im lặng u tối đáng sợ chắn ngang giữa mọi người. 

- Ba bệnh vậy, tình hình tui cũng căng. Công nhân viên chức ăn lương, ở gần đây canh ba 24/24 khó quá! - anh Tư nói nho nhỏ.

 - Tui ở xa quá, thợ thầy cả chục đứa, bỏ không được. Anh em ai lo được cho ba tui xin góp tiền - anh Ba lên tiếng.

Liên ngồi im không nói gì. Xưa giờ Liên ít nói. Chắc do lớn lên trong căn nhà toàn đàn ông nên Liên không có thói quen nói ra những gì mình muốn hay suy nghĩ trong đầu. Các anh kêu họp mặt bàn tính chuyện gia đình, Liên biết vậy, chứ cũng không biết bàn tính chuyện gia đình là tính gì. 

Xưa giờ, cái thềm ba trước nhà có sụp, Liên khệ nệ mua xi măng về rồi cùng ba ngồi trám cho kín; cái ti vi cũ hư Liên cũng đi mua cái mới. Bữa ba nằm viện, Liên cũng lấy tiền dành dụm của gần mười năm gò lưng trong xí nghiệp may ra thanh toán viện phí.

Các anh ai cũng có gia đình, con cái. Các cháu học hành chi phí biết bao nhiêu cho đủ. Gia đình các anh hạnh phúc, các cháu ngoan, học giỏi với Liên như vậy là được rồi. Liên ước gì có dịp mấy anh em ngồi lại với nhau như thế này, các anh như hồi còn nhỏ, tranh nhau kể về món bánh bò nướng tuyệt ngon của má để Liên thôi khóc.

Liên ước gì cả bốn anh em ngồi ăn cơm, Liên chưa ăn được nửa chén, mâm cơm đã bị ba anh tranh nhau vét sạch. Liên xụ mặt chực khóc. Các anh lại tranh nhau hái chùm mận trắng to nhất, ngon nhất cho Liên...

- Anh thấy, giờ chỉ mỗi Út là rảnh rỗi. Em cứ lo cho ba, mấy anh mỗi tháng mỗi người góp tiền. Út, mày ngó đâu đâu vậy? 
- Dạ, em nghe mà.

Tiếng mấy anh lao xao về số tiền bao nhiêu, ngày nào gởi cho Liên, ghi giấy tờ ký tên không thôi mai mốt lại thoái thác... Ngồi kề bên khung cửa sổ bong tróc già nua, cong cong hình dấu hỏi to tướng, Liên nghe những tiếng nói ấy như vọng về từ nơi nào xa lắm.

Chắc do Liên đang chú tâm lắng nghe hơi thở của ba ở nhà trên nên có cảm giác như vậy. Cách một bức tường mà hơi thở nhọc mệt nặng nề như người leo đoạn đường cuối dốc của ba vẫn vang chạm đến chỗ Liên.

Mam xanh

Liên nghe nhen nhóm đâu đó trong mình một ý nghĩ kỳ quặc, rằng ba quên quên nhớ nhớ vậy mà hóa ra lại hay. Ba rồi sẽ không tri giác được gì, tất cả những thương yêu từng là cả cuộc đời của mình, ba sẽ từ từ buông xuống nhẹ hẫng mà không hề có ý thức về sự tiếc nuối hay đau lòng.

Liên nhớ có lần ba cặm cụi lau di ảnh má, nửa đùa nửa thật: “Má bây bả khôn. Đẻ ra bốn đứa rồi bỏ cho ba mà đi. Đi thì dễ, ở lại như ba mới khó. Cái bà này!”.

- Còn chuyện này nữa. Anh là anh Hai, hôm nay sẵn có đầy đủ cả nhà anh nói luôn...
Anh Hai ngập ngừng, ngó anh Ba, anh Tư như thể tìm sự đồng tình. Ánh mắt cả ba anh chiếu thẳng vào Liên nghiêm trọng hệt quan tòa nghị án.

- Út cũng ngoài ba mươi, lấy chồng thì lấy, không thì ở nhà với ba. Bắt chước người ta tình đồng giới đồng tính là anh không chịu. Bây đừng để người ta dị nghị. Sống cho nó tử tế.

Những tiếng “sống cho tử tế” của anh Hai và ánh mắt của các anh như ngàn vạn mũi kim đâm thẳng vào tim Liên. Liên nghe đau nhói đâu đó. Đôi tay giấu dưới vạt áo run lẩy bẩy.

Mam xanh

Liên quay vội đi len lén lấy cánh tay áo chùi lên má. Ngoài kia, dây mồng tơi bò chen với đám mướp cuối mùa vẫn rung rinh chùm trái tươi xanh, viên mãn. Có cái gì cũng rất xanh, như mầm cây đang lớn trong Liên, mạnh mẽ và viên mãn.

- Ba không sao đâu. Có Tám đây, Út đừng lo.

Liên tự nắm chặt tay mình. Vai khẽ run run, có giọt nước lóng lánh sẽ sàng bò xuống má. Bất giác, Liên nhớ cái ôm chặt ấm áp ngoài phòng cấp cứu. Đời Liên luôn mong ngóng, thèm thuồng những cái ôm như vậy.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI