Khói ướt

22/10/2018 - 17:00

PNO - Một đời đàn bà Việt, sinh ra ở nông thôn, khi còn bé thì đã vào bếp, phồng miệng thổi phù phù cho lửa lên.

Bữa dọn nhà bếp để sửa lại vì mưa dột quá, khi lỉnh kỉnh đồ đen nhẻm bụi đất bị lôi trong góc ra, kèm theo tiếng làu bàu của con trai: “Tống đi hết, nói bao nhiêu năm rồi cứ để hoài”, ngó lại thấy má ngồi, mặt như có mưa. Cái kiềng bằng sắt chỏng chơ như muốn nói lời giã biệt. 

Khoi uot
Một đời đàn bà Việt, sinh ra ở nông thôn, khi còn bé thì đã vào bếp, phồng miệng thổi phù phù cho lửa lên. Có chồng, cũng không rời rơm, củi. Buồn vui gói hết trong khói bếp. (Ảnh minh họa)

Hồi đó mình còn nhỏ, nhưng cũng đủ ghi nhớ, cái kiềng này của ông Vui thợ rèn. Làm chi có thợ cơ khí để hàn, ông uốn sắt, trui đỏ cho mềm rồi đập móc vào. Bữa đem về, má vui ra mặt. Ba cục gạch làm ông táo được má kỹ lưỡng đem ra ngã ba, bỏ vào gốc cây lớn.

Học trò trường huyện như mình, nắng còn đỡ, chứ mưa là khổ như trâu cày. 5g sáng đã dậy, dắt xe lội bùn gần 10km, lên quốc lộ rửa xe, rửa tay chân, đạp tiếp 10km nữa mới tới trường. Để “đuổi kịp” mình, má phải dậy 4g giữa cái lạnh cắt da, bắc nồi cơm kịp chín cho con dằn bụng có sức mà đi. Bữa đó mưa lớn, liếp tre che bếp bị tạt ướt nhèm. Mình xuống bếp, thấy khói um kín. “Rơm củi ướt hết rồi…”. Má than, không nhìn mình, như thấy có lỗi.

Mình bụng đói đi học, chẳng thấy đói mà chỉ thấy buồn và thương phận nghèo, thương má luýnh quýnh ngó theo con dắt xe trong mưa. Rồi cũng một bữa, bực chi đó, mình dậy đi luôn, không thèm ngó cơm đã dọn ra. Má im lặng.

Càng lớn, mỗi khi mình có lỗi, càng nghiệm ra, má chỉ nhìn, buồn nhức tim, không la mắng. Không phải không dạy con, nhưng hình như má dạy con bằng cách truyền tâm để tự ngộ… Bởi như bếp của má đó, khói và lửa cứ tí tách uốn lượn gần hết một kiếp người, nó có nói gì đâu, nhưng một bữa má đau, bếp không đỏ, nhà như có đám mây sà xuống…

Thằng con hỉ hả: “Xong”. Bếp ga đã lắp xong. Bật cái bụp, xẹt, rào, ánh lửa xanh lét bừng lên. “Tiện hè…”. Má nói, rồi hỏi: “Ủa, răng lửa không có màu đỏ hè…”. “Ga mà đỏ chi…”. Má nhìn cái bếp, mắt như có khói, như day dứt chia tay, như để tuột đi một báu vật mà lẽ ra mình cầm nắm nó suốt đời.

Một đời đàn bà Việt, sinh ra ở nông thôn, khi còn bé thì đã vào bếp, phồng miệng thổi phù phù cho lửa lên. Có chồng, cũng không rời rơm, củi. Buồn vui gói hết trong khói bếp. Tự sự cũng đó. Im lặng cũng đó. Khóc cười cũng đó. Thất vọng và hy vọng cũng đó. Khói cứ bay, mỏng manh, cay xè, trọn mồ hôi và nước mắt. Nó là khói ướt.

“Để cái kiềng đó tau…”. Thằng con biết tính bà già, nhăn mặt rồi quay đi. Má cầm cái kiềng như đã mòn vì lửa và khói, chầm chậm quay vào bếp, móc lên cây đinh sát gốc cột, quay ra nói như ra lệnh, mà đúng hơn là muốn nó không bị xê dịch lần nữa. 

Một bữa, có người bạn làm nhà, loay hoay với chuyện chọn bếp từ, hồng ngoại hay là bếp ga. Tất nhiên rồi cũng chọn cái nào tiện và an toàn nhất, đó là bếp hồng ngoại,  nhưng nuối tiếc kèm theo một câu: bếp mà không thấy lửa màu đỏ, không kêu lép bép, răng ra bếp được?

Mình nghe, óc như loạn lên. Má đã nói như thế, hèn chi! Mình nhớ chữ Hán, thấy chữ “an” gồm bộ “miên” (mái nhà) trên chữ “nữ” (đàn bà), hàm ý rằng nhà có đàn bà mới an lành. Giá mà thêm được, mình sẽ thêm bộ “yên”, là làn khói. Ôi, khói của má…

Trung Việt

Từ khóa cva
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI