Đùm bọc anh em kiểu nhà chồng tôi

20/12/2018 - 16:11

PNO - Vợ chồng chú Út ở cùng với ông bà, cuộc sống không giàu có nhưng đủ ăn nhưng đụng đến cái gì là bố chồng bắt bốn anh em còn lại đóng góp để lo cho chú.

Tôi tất tưởi ra bến xe từ 4 giờ sáng sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm của bố chồng, “họp” gần hai giờ đồng hồ lại chạy sấp chạy ngửa ra lộ đón xe. Trở về thành phố trên chiếc xe đò nhét đầy khách, đầu óc tôi quay cuồng vì tiếng bố chồng cứ lanh lảnh bên tai: “Tao quyết rồi đó, mỗi đứa 10 triệu, riêng vợ chồng thằng Hai thêm 5 triệu, mua cho thằng Út cái xe tay ga”.

Dum boc anh em kieu nha chong toi
Nhà chồng tôi rất lạ, bàn đến chuyện tiền bạc là chỉ triệu tập con dâu. (Ảnh minh họa)

Những lần khác, có lẽ, tôi sẽ im lặng, ráng về vay nóng để đóng góp đầy đủ cho yên chuyện nhưng lần này, vì quá bức xúc, tôi lên tiếng phản đối. Vậy là, bố chồng được thể mắng té tát, các chị em bạn dâu nhìn tôi đầy thông cảm, bởi mọi người đều bất bình nhưng chẳng ai dám có ý kiến. Thông lệ nhà chồng tôi rất lạ, bàn đến chuyện liên quan đến tiền bạc là chỉ triệu tập con dâu.

Nhà chồng tôi có năm anh em, chồng tôi là con cả, tất cả đều có gia đình riêng. Vợ chồng chú Út ở cùng với ông bà, cuộc sống không giàu có nhưng đủ ăn, hai vợ chồng có công ăn việc làm hẳn hoi.

Thế mà, đụng đến cái gì là bố chồng bắt bốn anh em còn lại đóng góp cho gia đình chú bởi lý do: “Nó là con út, không khôn lanh bằng tụi bây, anh em phải đùm bọc lấy nhau”.

Đến bộ quần áo, hộp sữa cho con cũng “kêu gọi” mọi người ủng hộ, chưa kể đến việc làm nhà, mua xe là giao luôn mấy anh lo liệu. Con tôi đến tháng thiếu tiền sữa, vợ chồng buổi sáng chỉ dám ăn cơm nguội đi làm nhưng nghe bố chồng gọi điện lên bảo mua cái nọ cái kia cho con chú Út, tôi không dám cãi bởi trách nhiệm anh cả.

Tôi tức lộn ruột khi mình nhịn ăn nhịn tiêu thì vợ chồng chú Út tiêu xài xênh xang. Áo váy của thím Út chỉ mặc qua một lần, hết mốt này đến mốt kia trong khi tôi chẳng nhớ bộ áo quần mới nhất của mình sắm vào lúc nào, đôi giày của anh mòn đế chỉ dám mua giày cũ thay.

Hai cái điện thoại cục gạch lần lữa mãi mà chưa đổi được trong khi chú Út hết iphone lại đến ipad. Lần nào về quê mà không mua quà cho cháu, không biếu ông bà ít tiền, không sắm cho vợ chồng chú thứ này thứ kia thì thể nào cũng có chuyện.

Dum boc anh em kieu nha chong toi
Tôi nói ra cho nhẹ lòng chứ chẳng thể nào rũ bỏ tất cả. (Ảnh minh họa)

Nhiều lần tôi tỉ tê với chồng nhưng anh chỉ biết lắc đầu: “Bố thương nó vậy, anh biết làm sao”. Lần trước, ông bảo góp mấy chục triệu sửa sang lại nhà cửa, tôi bấm bụng đóng góp bởi tôi nghĩ, nhà cửa làm ra thì chú thím và ông bà ở chung, âu cũng bổn phận của con cái. 

Nếu không đóng góp thể nào bố chồng không xỏ xiên chuyện này thì cũng đá đụng chuyện kia, nào là, “Chúng mày không biết thương em, có của ngon ăn một mình có nuốt nổi không, anh em không thương nhau mà để thiên hạ nó “đớp” hết…”.

Nhưng lần này, đổi xe tay ga là chuyện riêng của vợ chồng chú Út, mắc mớ gì mà anh em phải lo giúp. Chiếc xe hiện tại của chú cũng là của mọi người đóng góp, giờ muốn đổi xe xịn thì tự lo lấy chứ.

Tôi gần như lấy hết can đảm để đáp trả lời bố chồng: “Ai cũng là con, sao bố chỉ nghĩ cho một người, tụi con lương bổng có hạn, còn phải nuôi con, nuôi mình nữa chứ…”. Bỏ lại đằng sau tiếng nhiếc mắng của bố chồng, tôi quày quả trở về thành phố.

Có lẽ, rất lâu nữa tôi mới về quê, nói ra cho lòng thanh thản chứ tôi biết, mình cũng chẳng thể rũ bỏ tất cả. Đùm bọc anh em theo kiểu ấy, liệu có làm cả đời được không hay chỉ tăng thêm tính ỷ lại. Sao bố chồng tôi không nghĩ đến điều đó.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI