Con có ổn không?

17/05/2018 - 11:00

PNO - “Con có ổn không?” không phải là một câu giao tiếp thông thường. Đằng sau câu hỏi ấy là sự quan tâm, sẻ chia của người lớn dành cho con trẻ. Sự quan tâm ấy cần được thể hiện đúng lúc, khi trẻ cần.

Một đêm hè năm 2016, tôi ngồi trước màn hình máy tính trong phòng nghiên cứu ở Anh. Đối diện, hai đồng nghiệp của tôi cũng đang miệt mài. Mở email của giáo viên hướng dẫn, những lời nhận xét của cô khiến tôi không thể kiềm chế nổi. Tôi bưng mặt khóc nức nở, khóc rất to. Tôi rời ghế, ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào tấm sưởi. Toàn thân rã rời, đầu óc trống rỗng và tim đau nhói. 

Hai người bạn tôi hốt hoảng: “Này, em có ổn không?”. Họ lại gần, ngồi xuống, im lặng nhìn tôi khóc. Một lúc lâu, khi tôi khóc nhỏ dần, một người nói: “Xin lỗi, anh biết em đang không ổn. Chẳng sao cả nếu em không ổn”. Nghe anh ấy nói vậy, tôi cũng bớt xấu hổ. Tôi khóc thêm một lúc và từ từ chia sẻ sự căng thẳng và bế tắc của mình trong nghiên cứu.

Con co on khong?
 

Kể ra câu chuyện này để mọi người hiểu rằng, ngay cả với phụ nữ 34 tuổi như tôi, trải qua nhiều sóng gió, cũng có lúc không thể kiểm soát nổi cảm xúc của mình, cũng có những quãng thời gian tụt dốc và cần người nâng đỡ. Từ đó, tôi tin rằng, bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần có sự nâng đỡ tinh thần khi họ chơi vơi. Với những đứa trẻ vị thành niên, sự nâng đỡ này còn cần hơn bao giờ hết. Ở giữa ranh giới trẻ con và người lớn, đang định hình chuỗi giá trị bản thân, phát triển cảm xúc lẫn suy nghĩ độc lập, nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi người khác. Khả năng xử lý các vấn đề còn dựa nhiều vào cảm xúc nên trẻ vị thành viên dễ rơi vào trạng thái bối rối, thậm chí khủng hoảng. Những lúc như thế, có lẽ các em cũng như tôi, chỉ cần một câu hỏi đầy chia sẻ và quan tâm của người thân: “Con có ổn không?”. 

Một câu nói chỉ có bốn từ ngắn ngủi nhưng tôi chắc chắn rằng, nó có sức mạnh to lớn, có khi có thể cứu một mạng người. Trên tờ Telegraph (Anh) ngày 8/8/2015, phóng viên tường thuật câu chuyện cậu bé 16 tuổi Jamie Harrington (Cộng hòa Ireland) đã cứu người đàn ông đang có ý định tự tử khi ngồi vắt vẻo ở thành cầu bắc qua sông bằng câu hỏi “chú có ổn không?”. Người đàn ông sau đó đã chịu trèo xuống và ngồi tâm sự suốt 45 phút với cậu bé.

Ba tháng sau, người đàn ông ấy vẫn liên lạc với Jamie và bảo rằng, khoảnh khắc ấy ông ta đã muốn nhảy xuống cầu, nhưng câu hỏi “chú có ổn không?” đã kịp kéo ông lại. Suốt nhiều tháng qua, câu hỏi này vẫn vang vọng trong đầu ông. Khi đọc lại câu chuyện, tôi bất giác rơi nước mắt, khi nhớ về cậu học sinh vừa tự tử vì áp lực học tập và sự kỳ vọng của gia đình ở trường THPT Nguyễn Khuyến mới đây. Tôi tự hỏi em ấy có được nghe câu hỏi: “Con/bạn có ổn không?”, từ những người thân thiết quanh mình. Nếu có, chắc bi kịch đã không xảy ra. 

Tiếp theo câu hỏi đó, lời trấn an thế này có lẽ sẽ khiến các em thấy được đồng cảm: “Nếu con không ổn, con hãy thể hiện rằng, con không ổn, không sao cả, tất cả chúng ta đều có lúc không ổn. Chúng ta sẽ đi qua những lúc không ổn thế này cùng nhau”. Tại sao lời trấn an này có tác dụng tích cực với trẻ? Trong quyển sách nổi tiếng “Nói sao cho trẻ chịu nghe - Nghe sao cho trẻ chịu nói”, tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish đã đưa ra lời khuyên đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để trẻ có thể mở lòng với người lớn, đó là trẻ nhận được sự chấp nhận của người lớn đối với cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực đang diễn ra ở trẻ.

Những câu nói cửa miệng của cha mẹ như: “có gì mà con phải bực mình”, “có gì mà phải khóc”, “có gì mà phải sợ”, “bao nhiêu đồ chơi mà kêu chán” đã dần triệt tiêu nhu cầu được bày tỏ, chia sẻ của trẻ với cha mẹ. Ở trường học, viễn cảnh cũng diễn ra tương tự. Trẻ sẽ không nghe thầy cô và cũng không nói với thầy cô các khó khăn của mình khi bị khước từ cảm xúc. 

“Con có ổn không?” không phải là một câu giao tiếp thông thường. Đằng sau câu hỏi ấy là sự quan tâm, sẻ chia của người lớn dành cho con trẻ. Sự quan tâm ấy cần được thể hiện đúng lúc, khi trẻ cần. Mong rằng, người lớn sẽ không ngần ngại khi dịu dàng nói với con trẻ: “Con có ổn không?”. 

Nguyễn Thị Thu Huyền 
(giảng viên trường đại học Sư phạm TP. HCM) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI