Con cần gì vậy con?

25/09/2018 - 14:00

PNO - Làm được bất cứ điều gì cho con, mình cũng vui hơn, nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Điều đó diễn ra suốt hàng chục năm ròng, từ khi con là đứa bé cho đến khi con trưởng thành.

Buổi trưa, cả phòng đang nằm nghỉ sau bữa cơm vội, chợt nghe điện thoại reo. Mắt nhắm mắt mở nhìn vào màn hình thấy tên con trai, chị Hà nhỏm dậy bấm nghe ngay lập tức. Câu nói đầu tiên của chị là: “Mẹ đây, con cần gì thế con?”. 

Hóa ra, cậu con trai đang đi công tác xa nhà và quên món đồ nào đó nên gọi nhờ mẹ mang chúng đến cho người bạn hôm nay lên đường đến chỗ cậu. Chỉ thế thôi, dặn dò, chỉ dẫn xong là cậu cúp máy, vì đang rất vội.

Chị Hà tất tả thức dậy, gấp cái mền mỏng, lao về nhà, giữa buổi trưa nắng gắt, dù chỉ mới 15 phút trước chị than đau đầu, chẳng muốn ăn gì, chỉ muốn được nằm nghỉ một chút.

Con can gi vay con?
Có người mẹ nào không sốt ruột khi con "cầu viện". Hình minh họa.

Phòng toàn phụ nữ, nên nghe chị Hà nói chuyện, rồi thấy chị thức dậy đi như thế, chẳng ai nói câu nào, dù thấy tội chị. Bởi đứa nào mà không thế, cứ nghe điện thoại của con thì câu đầu tiên là “con cần gì vậy con?”.

Ai cũng biết khi con gọi cho mình nghĩa là chúng đang cần điều gì đó mà chỉ có mình mới có thể làm được, vì chỉ có mình mới không bao giờ từ chối, không bao giờ mệt, không bao giờ tiếc tiền, không bao giờ nghĩ rằng, tại sao lúc nào cũng phải là mình...

Và dù có mệt và tốn kém mấy, nhưng làm được bất cứ điều gì cho con, mình cũng vui hơn, nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Điều đó diễn ra suốt hàng chục năm ròng, từ khi con là đứa bé cho đến khi con trưởng thành.

Hơn một giờ sau, chị Hà quay về phòng với khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, dáng vẻ mệt nhọc. Ai cũng biết chạy xe giữa trưa nắng như thế là rất mệt. Chị cười kể, chạy về nhà tuốt bên Q.12, lục mãi mới tìm ra món đồ con cần. Mẹ con phải gọi qua gọi lại mãi mới hiểu ra cái con đang cần ở đâu. Có thế thôi mà giọng cậu đã gắt lên, bực bội vì không hiểu sao mẹ lại lờ rờ như thế. Chị bảo: “Mà mình lờ rờ thật, chẳng còn nhanh nhẹn như tụi nó nữa”.

Chị còn đang ngồi thở thì cậu con trai lại gọi điện. Bắt máy con, giọng chị đầy lo lắng: “Còn gì nữa không con”. Nghe hai mẹ con trò chuyện, chúng tôi hiểu ngay là cậu bảo đừng gửi cho người ta nữa, có việc gấp nên cậu sẽ trở về thành phố trong chiều nay. Khi biết mẹ đã gửi rồi, cậu tỏ vẻ thất vọng vì khi về lại phải chạy qua người ta để lấy lại.

Con can gi vay con?
Với mẹ, con cái lúc nào cũng bé nhỏ, chỉ muốn bên con suốt cuộc đời. Hình minh họa

Nghe cuộc nói chuyện, cả phòng bực mình: “Trời đất, vậy mà hấp tấp kêu mẹ chạy về, còn cáu kỉnh với mẹ…”. Chị Hà thì chẳng có vẻ gì bực mình điều đó. Chị chỉ lo hỏi cậu con trai 30 tuổi của mình: “Đi cả 300 cây số chứ có ít đâu. Mới lên hôm qua, nay lại trở ngược về, sức đâu hả con”. 

Trách cậu con trai, rồi trách chị Hà, lúc nào cũng lo lắng cho con như thế, nhưng rồi tất cả chợt nghĩ lại mình. Hình như chẳng phải chỉ cậu ấy, chẳng phải chỉ con mình. Mà ngay cả mình, đến giờ này, đầu đã hai thứ tóc, vẫn thường chỉ gọi về cho cha mẹ khi có việc cần nhờ. Ngày còn bé, rồi thời tuổi trẻ, là những cuộc gọi như vậy. Đến tuổi trung niên cũng lo việc mình, việc con mình, có khi gọi về cũng là thèm ăn món mẹ nấu… Nghĩ về điều hình như đã trở thành hiển nhiên đó, ai cũng nghe cay nơi khóe mắt. Chiều hôm ấy, hơn nửa phòng của tôi đã gọi điện về cho cha mẹ. Chẳng để làm gì hết. Có người chỉ để nói: “con nhớ mẹ quá!”, hoặc có người âu yếm dịu dàng: “con yêu mẹ lắm!”. Có người thể hiện cách khác: “Chiều con mua món bánh xèo ưa thích của mẹ về cả nhà cùng ăn, mẹ nhé!”. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI