Chờ già về quê

14/04/2019 - 17:00

PNO - Sau này con gái lấy chồng, mình về quê sống nghe em.

Tôi vào Nam sinh sống, chưa từng nghĩ tuổi già sẽ về quê. Tôi cũng nghĩ chồng tôi sẽ không đời nào chịu về quê, vì ngày ra đi, anh hăng hái lắm, anh phải năn nỉ tôi mới chịu theo cùng. Vậy mà một ngày anh bảo, sau này con gái lấy chồng, mình về quê sống nghe em. Tôi giãy nảy không chịu, “anh có về thì về một mình, con đâu em đó, em không sống xa con được”. 

Câu chuyện anh đề nghị về quê, tới nay đã trên 5 năm, hồi các con mới học cấp II. Thời gian ấy, tôi sống trong bất an, vì tôi thật sự không thích về quê, không muốn nghe lời mời gọi về quê của chồng nữa. Đã quen với văn hóa, phong cách thị thành, bây giờ về quê, nghe như đi vào ngõ cụt. Chồng tôi biết vậy, anh ấy đã không gợi nhắc gì, tôi đoán anh đợi tới khi các con trưởng thành thì tính tiếp.

Cho gia ve que

Vợ chồng tôi đều là người miền Trung. Có đến sáu năm, từ ngày cha mẹ chồng mất, tôi mới về quê chồng. Sáu năm, thời gian đủ để cho một thị trấn tỉnh lẻ thay da đổi thịt. Nhớ ngày tôi về làm dâu, trước nhà anh là con đường đất chừng hơn một mét, mùa nắng bụi mù trời, mùa mưa lầy lội, hai xe máy đối đầu rất khó lách qua nhau. Tôi cũng chẳng quen thân với ai, vì tôi chỉ đi đi về về, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với hàng xóm, họ hàng quê chồng. Lần này khác. Anh bảo nhà xe cho dừng ngay đường dẫn vào cao tốc, đi tiếp chừng 500 mét là gặp con đường bê tông thông thoáng, có thể đi bộ vào nhà. Tôi nhẩm tính, so với quãng đường ngày cũ, thì nay đã gần hơn bốn lần, mà đường êm ái, vô cùng tiện lợi.

Chồng dẫn tôi đi thăm vài nhà hàng xóm - những người từng chọn Sài Gòn để gửi gắm thời tuổi trẻ (dẫn tôi vào nhà những người này, chắc anh có chủ ý). Sau khi nghỉ hưu, họ chọn về quê tận hưởng tuổi già. Sống lâu năm ở thành phố, cách bài trí nhà cửa, vườn tược, cách tận hưởng cuộc sống của họ, tôi thấy khá thú vị. Dĩ nhiên, họ không chọn làm nông, không phải vì đã quá tuổi lao động, mà vì họ có của ăn của để, tích cóp được lúc trẻ, bây giờ chỉ việc tận hưởng mà thôi. Dù vậy, trong vườn vẫn trồng đủ loại rau, coi như lao động tay chân, để không chỉ bản thân được ăn rau sạch, mà thỉnh thoảng gửi vào thành phố cho các con.

Trong nhà, tủ sách bày biện tinh tươm, coi như tuổi già đọc sách “tập thể dục” đầu óc. Buổi sáng, họ cùng nhau chạy bộ. Thỉnh thoảng, tiếng karaoke từ nhà họ vọng sang, thức ăn quê cũng “dậy” từ bếp ra sân. Tự nhiên tôi thấy chồng có lý khi rủ tôi về quê an dưỡng tuổi già. Thôi thì cũng được, tôi trả lời nhẹ tênh. Chồng tôi khi ấy, ánh mắt tràn niềm vui. Có quê thì về. Tuổi già đâu còn sức để bon chen, mà có còn cũng chẳng tội tình gì đày mình thêm nữa. Hãy gửi thành phố lại cho bọn trẻ, chúng sẽ thay mình cống hiến.  

Cho gia ve que
 

Về quê lần này tôi nhận ra rằng, làm như thêm tuổi, người ta lại thích hồi hương. Tháng Hai âm lịch, tiết trời se lạnh. Khí hậu ở đây tuy không quá rõ rệt, nhưng cũng đủ để cảm nhận vị xuân cuối mùa, dù tôi ngồi bất cứ nơi đâu. Điều đó cũng mang đến cho tôi sự háo hức trở về. 

Trở vào Sài Gòn, tôi bày tỏ ý định về quê với hai con gái. Các con trố mắt ngạc nhiên và thật lòng không muốn tôi về quê. Không phải vì mẹ con xa cách nhớ nhung, mà các con sợ cảnh quê buồn, tôi không chịu nổi. Đúng là trẻ con chỉ giỏi… ham chơi. 

Nếu trước đây, tôi sợ sự buồn tẻ, nghèo khổ của quê chồng thì nay đã khác. Về quê, có vợ có chồng, tâm thế đồng lòng thì ngại gì nữa, huống hồ, chúng tôi đã “tiền trạm” rồi. Vợ chồng, tuổi già có nhau là hạnh phúc, không cần phải dựa dẫm, làm phiền con cháu. Nghĩ thế, tôi thấy mình mạnh mẽ. Và hơn hết, tôi chọn về quê là vì yêu anh ấy. 

PHI KHANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI