Cha mẹ làm được 8 điều này, con nhất định trở thành đứa trẻ tự tin

12/11/2018 - 15:00

PNO - Tôi có quan điểm: hãy tin ở con và điều này sẽ giúp con tự tin. Một trong những cách tôi rèn sự tự tin cho con là thông qua vận động.

Quan sát nhiều cha mẹ nuôi con, tôi nhận ra họ luôn muốn con mình nhanh nhẹn, tự lập nhưng lại làm những điều có tác dụng ngược lại: ngăn cản con khám phá, thấy phiền khi con có chủ kiến, không tạo điều kiện để con tự đưa ra quyết định và không tin vào khả năng của con.

Ai cũng biết làm cha mẹ là việc khó khăn, đòi hỏi nhiều sức lực. Nuôi dạy một đứa bé rất quan trọng nhưng không có quy tắc rõ ràng nào cả.

Trong nhiều tình huống, chính sự lo sợ của cha mẹ đã tạo nên những đứa trẻ sợ sệt. Chúng ta sợ con bệnh, sợ con té ngã, sợ con đói, sợ con bị hại… nên chúng ta ngăn cấm trẻ nhiều thứ. Thay vì dạy trẻ cách tự vệ, cách nhận biết những mối nguy xung quanh và tạo điều kiện cho trẻ tìm hiểu, khám phá, tự đưa ra quyết định cũng như tự chịu trách nhiệm trong một số tình huống thì chúng ta nói không với tất cả. Cuối cùng, trẻ thiếu kỹ năng sống và điều chúng ta lo sợ cũng xảy đến: nguy cơ tai nạn hoặc khả năng tự chủ kém.

Cha me lam duoc 8 dieu nay, con nhat dinh tro thanh dua tre tu tin
Leo núi nhân tạo là một trong những môn yêu thích của trẻ bên cạnh võ thuật, bơi lội…

Tôi có quan điểm: hãy tin ở con và điều này sẽ giúp con tự tin. Một trong những cách tôi rèn sự tự tin cho con là thông qua vận động. 

Học bơi từ khi rụng rốn: tôi cho con tập làm quen với nước từ khi hơn một tháng tuổi. Ban đầu tại bồn tắm ở nhà với nước ấm, dần dần chuyển sang nước với nhiệt độ bình thường. Khi bé thích nghi, tôi cho cháu bơi hồ người lớn (với phao) ở khu chung cư, ban đầu 15 phút, dần tăng lên 30 phút, 60 phút… Khi hơn bốn tuổi, con tôi đã tự tin nhảy xuống hồ người lớn bơi một cách thích thú. 

Nhận biết mối nguy hiểm: khi con biết bò, tôi chỉ bé những chỗ cao như giường, ghế, nếu rớt từ đó xuống sẽ rất đau. Vì vậy, hãy học bỏ chân xuống trước, khi nào chạm sàn thì mới di chuyển tiếp, nếu không chạm sàn thì bám chắc tay và thu người về lại. Tôi luôn cho con biết nguy cơ gây đau đớn của tất cả các thứ xung quanh và quan sát con để có phản ứng kịp thời. Nếu cấm cản sẽ làm trẻ nhút nhát và hạn chế khả năng. 

Phản ứng tự vệ: nhiều lần, khi con tôi được những người lạ cưng nựng, có người sờ má, có người sờ cả vùng kín để biết xem cháu là trai hay gái, trong khi tôi chưa phản ứng kịp. Tôi thấy rõ con mình rụt rè hẳn với người lạ ở các lần sau. Vợ chồng tôi dạy bé cách đứng xa người lạ. Khi có ai chuẩn bị chạm vào người thì cháu đưa tay gạt ra hoặc chéo tay che vùng kín như các cầu thủ đứng chắn sút phạt luân lưu trước khung khành. Ngoài ra, bé còn chủ động nói: “con không thích cô/chú đụng vào người con”. Với cách này, bé chủ động lên tiếng yêu cầu người xung quanh tôn trọng cảm xúc của bé như tất cả những người lớn khác.

Phát triển sở thích: từ bốn tuổi, ngoài hoạt động bơi được duy trì hằng ngày, bé bắt đầu hướng đến các hoạt động khác như đánh cờ, chơi các nhạc cụ, vẽ, võ thuật, bóng đá… Tôi tìm trường cho bé học với yêu cầu: không được bỏ giữa chừng. Chúng tôi luôn khuyến khích bé khám phá sở thích nhưng không cổ vũ cho tính “cả thèm chóng chán”. 

Để bé chia sẻ việc nhà: ban đầu, con tôi xin làm chung những việc nhỏ như bỏ đồ vào máy giặt, phơi đồ, xếp khăn, lau bàn ghế… Tôi biết, để đứa bé 2-3 tuổi làm thì sau đó mình sẽ làm lại tốn thời gian hơn. Nhưng đây cũng là cơ hội để tôi dạy bé về việc chia sẻ và có trách nhiệm với gia đình. Dần dần, bé yêu thích và đòi làm những việc lớn hơn như đẩy máy hút bụi, lau nhà… Những lúc làm việc nhà chung luôn là những lúc vui vẻ của gia đình tôi.

Tôn trọng nội quy ở bất kỳ đâu: tôi dạy bé đọc các ký hiệu ở nơi công cộng để hành xử đúng đắn và văn minh. Đầu tiên là những ký hiệu ở khu vui chơi như: bỏ dép bên ngoài, không ăn uống, bỏ rác đúng chỗ… Đây là thói quen tốt, tạo cho bé tính quan sát khi đến bất kỳ nơi đâu. Cháu sẽ xem kỹ nơi đó cho phép làm gì và không được làm gì. 

Khuyến khích trẻ đi xa hơn khả năng: chúng tôi khuyến khích bé tin vào chính mình, không bỏ cuộc giữa chừng khi gặp khó khăn bằng cách nói: “Mẹ biết con có thể làm được và tự làm được. Hãy cố gắng làm lại, nếu đã thử mà không được thì bữa sau mình sẽ thử lại”. 

Tin lời con: bất kỳ khi nào con có những sáng kiến, câu chuyện ở trường, dù bận rộn nhưng tôi luôn lắng nghe và thể hiện mình tin vào những gì con nói. Tôi hạn chế hoặc cố gắng không dùng từ “xạo” và dành thời gian để tìm hiểu những điều đó sau. Ví dụ khi cháu đi học về, trên người có vết xước, tôi hỏi tại sao, cháu nói do bạn xô ngã. Tôi sẽ xoa dịu và tạm tin. Sau đó, tôi sẽ hỏi lại nhà trường và giải thích với cháu đó chỉ là tai nạn nhưng lúc đó có thể đau quá con tưởng bạn xô con. 

Hãy tưởng tượng bạn cảm thấy thế nào khi đi làm mà không được sếp tin tưởng, khích lệ, luôn nói không với các sáng kiến của bạn? Dạy con cũng vậy, được thừa nhận với tất cả những khả năng và cơ hội luôn sẽ luôn làm con hạnh phúc. 

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI