Cha mẹ già, nhà hai phe

17/07/2018 - 16:00

PNO - Điều khổ não nhất của những đứa con khi đã trưởng thành là cha mẹ già về hưu bỗng chia thành hai phe.

Chuyện cứ tưởng vặt, nhưng bùng nổ suốt ngày. Lạ nhất là chuyện gì cũng bùng lên được. Về hưu, ông có thời gian rảnh. Ông thích lôi cái này, cái kia sắp đặt lại bà cũng chen vô không chịu.

Cha me gia, nha hai phe
 
 

Chỉ là ba cái túi đã cất đi từ hồi nào đến giờ, bây giờ ông móc ra vứt đi cũng thành chuyện. Vài phút lời qua tiếng lại thành giận hờn trách móc. Khi ông còn đi làm, chuyện trong nhà ông không để ý. Bây giờ ông đụng vào, bà thấy như ông lộn xộn, phá đi trật tự của bà. Ông thốt lên: “Ô hay, nhà này tôi là gì?”.

Hàng xóm nghe riết quen tai, ông bà quặc nhau hoài cũng quen miệng. Hôm nào yên ắng, hàng xóm lại lấy làm lạ, tưởng một trong hai người ốm. Có lần thấy hai ông bà dằn hắt nhau cả buổi, hàng xóm gọi con ra mách: “Sao ông bà cãi nhau to tiếng quá”. Cậu con trai trả lời: “Cha mẹ cháu thế đấy, cháu cũng loạn óc lên rồi”.

Từ sáng đến tối, ông lúc nào cũng mở ti vi rất to mặc dù ông chẳng hề xem. Bà muốn tắt, ông không cho. Tiếng ti vi cộng với tiếng ông nói qua, bà nói lại làm cho thần kinh hai người lúc nào cũng căng thẳng.

Ông lướt đủ loại trang web, YouTube nghe ra rả tin tức thời sự xã hội suốt ngày. Lắm lúc, bà đang thắp nhang khấn vái ông cũng kệ. Bực mình, bà mở lớn băng đọc kinh, giảng đạo thu sẵn để át đi bản tin của ông. Không ai chịu ai, cuộc chiến không lời mà nhà vẫn ồn ào.

Bây giờ, thời gian hai người gần nhau nhiều và lâu nhất. Cuộc sống chung đang bắt đầu lộ dần những điểm dở của nhau mà hai bên khó chấp nhận. Yêu đã chuyển thành thương. Có thương thì mới quan tâm. Mà quan tâm là bắt bẻ.

Đôi khi nghe bà cằn nhằn vô lý, ông quát ầm lên: “thôi kệ bà, bà muốn sao cũng được, bà muốn làm gì thì làm”. Thế là cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu. Thỉnh thoảng cũng có những ngày vui khi con gái ở xa đưa cháu về chơi.

Bà lo nấu nướng món ngon cho con cháu, ông lăng xăng bày trò. Nhưng chỉ vui được một lúc, khi cháu đòi cái này, cái kia mà ông hay bà không chịu thì hai phe bắt đầu phân “chiến tuyến”.

Cha me gia, nha hai phe

Chuyện ép cháu ăn, cho ngủ đúng giờ… cũng gay go vì ông bà mỗi người một ý. Đến khi con gái la lên “kiểu này con hết dám đưa cháu về chơi”, ông bà mới thôi.

Già mà mỗi người một ý, khó chiều nhau lắm. Cái tôi của tuổi già cũng khác cái tôi tuổi trẻ, cứ cố chấp từng chút một. Nhưng buông nhau thì không ai chịu buông. Nhiều lần thấy cha mẹ cứ gây nhau, con gái nói: “Hay bà lên nhà con ở vài tháng cho yên”, thì bà giãy lên: “Đi sao được, ở nhà ai lo cho cha mày”.

Ông nói “thì bà cứ đi đi, tôi tự lo được”. Biết vậy nhưng bà cũng chỉ đi được hai bữa là lo về với ông vì sợ không ai lo cho ông. Ông cũng vậy. Bữa có mấy ông bạn rủ đi miền Tây chơi vài bữa, ông cũng không dám đi lâu, sợ ở nhà bà có chuyện gì. Vợ chồng già coi nhau như trẻ con là vậy. Cãi nhau thôi chứ khi ra ngoài, nghe ông bà khoe nhau mà sướng lỗ tai.

Cách duy nhất để tránh chia hai phe thường xuyên là các con tìm cách cho ông bà đi du lịch. Tiền để dành, bà cất kỹ lắm. Vì không nhiều nên khi nói đến đi chơi tốn kém là bà hay thoái thác chối từ. Nhưng nếu con cứ mua vé, đặt chỗ sẵn là ông bà khó từ chối.

Mỗi chuyến đi xa, thấy cha mẹ vui vẻ, ít săm soi nhau hơn và mừng nhất là mạng xã hội và ti vi không còn là phương tiện giải trí duy nhất của ông. Cuộc sống rộng mở hơn, ông bà như trẻ lại.

Lạ nhất, bà càng đi, xương khớp càng khỏe và ông như trở lại thành một “chàng trai” lịch lãm, ga-lăng, chăm sóc bà như thuở hai người mới yêu. Bây giờ cũng hai phe, nhưng phe áo dài thướt tha và phe đóng bộ chỉn chu. Đi du lịch nhiều, về nhà ông bà cũng đổi tính. Cuộc sống quả kỳ diệu.

Vậy mới thấy “trọng tài” con cái rất quan trọng. Nhiều nhà con cứ theo phe này, phe kia mà có khi vợ chồng già phải lôi nhau ra tòa chịu trận. 

Vũ Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI