52 tuổi mới mang gương mặt người

31/12/2018 - 20:05

PNO - Hai ca đại phẫu đã trả lại dung mạo bình thường cho một phụ nữ suốt 52 năm không dám bước ra khỏi nhà

Ở buổi họp báo mới đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình và các đồng nghiệp không giấu được niềm vui, sự xúc động khi tạo mốc lịch sử y khoa: lần đầu tiên phẫu thuật thành công khối bướu sợi thần kinh khổng lồ ở vùng đầu, mặt, cổ.

Đặc biệt là hai ca đại phẫu đã trả lại dung mạo bình thường cho một phụ nữ suốt 52 năm không dám bước ra khỏi nhà. Người phụ nữ ấy là chị Trần Thị Hương, ở ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (TP.HCM).

“Cô dâu” ở phòng bệnh

Khi tôi đến thăm, người nhà chị, nằm ngay cửa ra vào, khều tôi, nói: “Hôm nay là chị ấy đẹp lắm rồi đó”. Chị Hương - một phụ nữ gầy gò đang cố nở nụ cười tươi dù những di chứng của bệnh khiến gương mặt chị biến dạng, lệch một bên khiến nụ cười trở nên méo mó. Tuy vậy, so với hình ảnh tôi vừa được bác sĩ cho xem cách đó mười phút: một phụ nữ có cục bướu, mọc trên trán như cái đầu thứ hai và một cục bướu to treo lủng lẳng từ mắt trái xuống đến ngực - khiến chị mù hẳn một mắt - thì gương mặt dù biến dạng này vẫn tuyệt vời.

Bệnh nhân giường bên cạnh góp lời: “Tôi ở đây gần ba tháng, thấy chỉ lúc mới vô có hai cục bướu bự thần sầu, giờ trút bỏ được, mừng cho chỉ quá”. “Mừng cho chỉ” là câu nói quen thuộc, mộc mạc nhưng rất chân tình mà mười bệnh nhân và ngần ấy thân nhân trong căn phòng này dành cho chị.

Sáng 11/10, khi chị Hương được tháo băng, một bệnh nhân cùng phòng đã reo lên: “Hôm nay chị Hương đẹp giống cô dâu”. Còn chị, ai hỏi thăm cũng lặp lại như mê sảng: “Em sung sướng quá, hạnh phúc quá, mãn nguyện quá”. Chị vẫn hồn nhiên xưng “em” với tất cả, dù người đó chỉ ở tuổi con cháu, nhưng nhìn vào mắt chị, tôi hiểu tiếng “em” này không phải của một phụ nữ 52 tuổi, mà là của một bé gái mới năm - sáu tuổi đầu - lần cuối chị còn giao tiếp với thế giới con người, bên ngoài gia đình.

52 tuoi moi mang guong mat nguoi
Bệnh nhân và ân nhân bác sĩ Ngô Đức Hiệp.

52 năm tự giam mình 

Chăm sóc chị Hương ở bệnh viện là cô em gái Trần Thị Bích và cháu gái tên Thảo, gọi chị bằng dì ruột. Sau ca mổ thành công, chị Bích cũng vui sướng không kém chị gái. Chị Bích và Thảo cứ nháy mắt với chị Hương: “Đẹp rồi héng, lấy chồng được rồi héng”. Chị Hương xua tay: “Thôi, thôi. Em không có nghĩ đẹp để lấy chồng; giờ được vầy là mãn nguyện, em được đi ra đường là vui rồi”.  Khi nhắc hai từ “ra đường”, mắt chị Hương long lanh, bởi cuộc đời chị chưa từng có khái niệm ra đường, hay đi chơi. Đã 52 năm, chị giam đời mình trong gian phòng tối, bên người mẹ già và cô em gái thôi chồng, ở vậy để chăm sóc mẹ và chị.

Mẹ chị - bà Hoàng Thị Ngọc Thủy - kể, khi chào đời, chị Hương cũng khỏe mạnh và đáng yêu. Có điều, trên mí mắt trái của chị có một nốt nhỏ như hạt gạo. Nào ngờ, chỉ sau vài tháng, hạt gạo biến thành cục thịt thừa bằng ngón tay và làm mi mắt chị Hương sụp xuống. Người mẹ ôm con đến Bệnh viện Bình Dân. Chị Hương được phẫu thuật bóc khối u, nhưng chỉ một tháng sau, khối u tái phát và lớn nhanh như thổi. Khi chị Hương chuẩn bị vào lớp Một thì khối u đã bịt kín mắt khiến chị mù hẳn mắt trái. Cùng lúc, trên đầu chị Hương cũng mọc cái “sừng”. Ngày khai giảng lớp Một, chị Hương háo hức đến trường, nhưng… “Em vô tới trường là bị chọc: con nhỏ sừng trâu, con nhỏ một mắt, nên em mắc cỡ quá, nghỉ học luôn” - chị Hương kể.

“Vậy giờ chị có còn nhớ mặt chữ, có đọc được không?”. Tôi không ngờ câu hỏi của mình lại chạm vào ký ức buồn và tiếc nuối nhất của cuộc đời chị. “Em không biết chữ”. Tôi bất giác rùng mình. Một cô gái với gương mặt không phải của con người, chân đi xiêu vẹo, giọng lại ngọng nghịu, không bạn bè, không biết chữ… Chị nương tựa vào điều gì để đi qua những năm tháng tăm tối của cuộc đời? 

Chị Hương kể: “Em sợ nhất là soi gương, nhưng vẫn tò mò. Sáng nào em cũng rón rén nhìn vào gương và lòng luôn khấn xin cái sừng và cái bướu ở mắt đừng to nữa”. Năm 18 tuổi, chị Hương như có đến hai cái đầu, còn khối bướu ở mắt đã to và xệ đến vai, miệng chị biến dạng méo xệch, giọng nói ngọng nghịu, dáng đi xiêu vẹo vì nghiêng theo khối bướu. Khắp cơ thể chị chằng chịt những cục bướu lớn nhỏ đan xen, khiến chị nhiều lần nghĩ mình không phải con người.

Niềm an ủi lớn nhất của chị Hương là tình yêu thương của đại gia đình. Người mẹ già mang nhiều bệnh tật vẫn ân cần, nhẹ nhàng với chị như đứa trẻ. Chị Hương kể, niềm vui của chị là mỗi ngày dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Chị khoe mình nấu ăn rất ngon. Những món cá kho tộ, canh chua, sườn ram… được chị Bích “bảo chứng”: “Bả nấu ăn ngon lắm, giỏi lắm”. 

Khi còn khỏe, chị Hương là một tay dệt chiếu có tiếng. Tôi hình dung thanh xuân của chị bên khung dệt và liên tưởng tới nhân vật trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu nổi tiếng. Chị Hương cũng phần nào giống chàng trai ấy. Chị đã dệt hàng trăm, hàng ngàn chiếc chiếu để điểm tô chốn loan phòng cho bao đôi tân lang và tân giai nhân, nhưng sự mặc cảm đã triệt tiêu những mộng mơ của cô gái xuân thì. Hương không dám mơ một ngày được hưởng hạnh phúc hôn nhân. Hương buộc mình phải quen với cuộc sống trong bóng tối. Chị không dám bước ra khỏi cửa.

Nếu phải ra đường, lộ trình duy nhất của chị là từ nhà đến bệnh viện. Chị gọi đó là hành trình hy vọng nhưng đầy vô vọng. Chị nhớ lại: “Em đã đến nhiều bệnh viện lớn nhỏ ở TP.HCM, nhưng ở đâu cũng từ chối điều trị, vì nói bướu quá phức tạp; nếu phẫu thuật, em có thể sẽ chết trên bàn mổ”. Kể cả khi chị đến khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy vài năm trước, bác sĩ cũng lắc đầu, bởi nguy cơ tử vong rất cao, vì không cầm máu được. Cũng từng có một bác sĩ nổi tiếng nhận phẫu thuật miễn phí giúp chị, nhưng cuộc mổ dự kiến kéo dài 7g thì mới 3g đã phải dừng, vì máu chảy ồ ạt. Chị đã chấp nhận suốt đời “sống chung với lũ”.

“Xuất viện em sẽ ra cầu Kênh xáng chơi”

Năm năm gần đây, khối bướu trên đầu chị Hương bỗng dưng bị nứt, nhức nhối khiến chị ăn, ngủ không được. Chị như người tàn phế, không thể dọn dẹp nhà hay nấu ăn, suốt ngày chỉ vật lộn với những cơn đau. Mỗi bữa cơm là một cực hình với chị. Một tay chị vén cục bướu để nó không phủ mắt, một tay xúc cơm, nhưng chỉ ăn được vài muỗng thì cơn đau ập tới, chị phải uống thuốc và nằm ôm đầu, chờ cơn đau qua rồi mới dậy ăn tiếp. Giữa năm 2018, trong cơn đau tê dại, chị năn nỉ các anh chị của mình: “Làm ơn đưa em đi bệnh viện. Mọi người ráng năn nỉ hay quỳ lạy bác sĩ cũng được, xin bác sĩ mổ cho em đi. Có chết trên bàn mổ em cũng cam lòng”.

Thật ra, khi nhìn chị ngày đêm oằn mình với những cơn đau cùng mặc cảm khôn cùng, mẹ và các anh chị em của chị cũng mong chị được phẫu thuật, dù có bất trắc thì cũng thỏa nguyện. Nhưng giao ước sinh tử này không ai dám nói ra, cho đến khi chị Hương mở lời. Tháng 7/2018, chị Hương được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy. “Tưởng chỉ đi bệnh viện cho vui thôi, chứ không dám nghĩ bác sĩ sẽ nhận mổ. Nhưng lần này may mắn không thể tả, bác sĩ Hiệp nhận mổ và giờ hai cục bướu đã biến mất. Giờ chị Hương mới được sống nè” - chị Bích nói.

Trả lại dung mạo cho chị Hương là “cuộc chiến” của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp nói: “Đây là ca bướu sợi thần kinh vùng đầu  - mặt - cổ lớn nhất, nặng nhất và phức tạp nhất mà chúng tôi từng gặp”. Ngày 7/8/2018, chị Hương được mổ cắt khối u ở đầu và ghép da che phủ tổn khuyết. Ngày 24/8, chị được phẫu thuật lần hai để cắt khối u vùng mặt, cổ. Bác sĩ Nguyễn Nhật Tuấn - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh - chia sẻ: “Ca mổ lần hai rất khó khăn, vì có quá nhiều mạch máu lớn. Cả ê-kíp phải thao tác rất nhẹ nhàng và chuẩn xác. Bệnh nhân được truyền đến hơn hai lít máu. Ca phẫu thuật kéo dài 4g và thành công. Bướu trên đầu nặng 1kg, khối bướu ở mặt nặng 900g”.

Khi bác sĩ Hiệp đến thăm, chị Hương cứ nắm tay: “Em mang ơn bác lắm, bác đã sinh em ra lần nữa”. Hỏi về việc làm đầu tiên sau khi xuất viện, chị Hương nói: “Em sẽ ra cầu Kênh Xáng chơi, rồi em sẽ đi nhà thờ và siêu thị”. Hai nơi đầu, chị từng được đến lúc nhỏ; còn siêu thị thì chị nghe kể “siêu thị mát lắm, có nhiều đồ lắm, mình lựa tự do mà không bị la”. Một trang đời mới đang mở ra, chờ đón người phụ nữ hạnh phúc nhất, can trường nhất mà tôi may mắn được gặp. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI