Tương lai của ngành thời trang

08/03/2019 - 06:52

PNO - “Ngành thời trang và dệt may, cũng như tất cả lĩnh vực khác, không thể tránh khỏi sự thay đổi theo sự phát triển công nghệ” - tiến sĩ Rajkishore Nayak, giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường đại học RMIT Việt Nam, khẳng định.

Với 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về gia công, sinh thái học nhân văn và quản lý rác thải trong ngành thời trang, những trao đổi với ông sẽ cho chúng ta cái nhìn thấu đáo hơn về ngành thời trang và dệt may trong tương lai. Đó không chỉ là chuyện áo xiêm lộng lẫy hay đời tư các nhan sắc, sự so kè giá cả và “đẳng cấp” quý cô… mà thực sự lớn hơn thế nhiều lần.

Tuong lai cua nganh thoi trang

Phóng viên: Xin ông cho biết về xu hướng ứng dụng công nghệ trong ngành dệt may và thời trang, nhằm tăng cường về tốc độ, đổi mới sáng tạo và số hóa.

Tiến sĩ Rajkishore Nayak: Công nghiệp thời trang và dệt may toàn cầu đang phát triển theo hướng số hóa và tự động hóa. Nguyên nhân bắt đầu từ các yếu tố: chi phí lao động tăng, nhu cầu về chất lượng, yếu tố phát triển bền vững và cạnh tranh toàn cầu. Do đó, ngành thời trang và dệt may phải tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Ví dụ như công nghệ máy móc tự động hoặc bán tự động, robot, công nghệ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến) để nhận dạng, hệ thống hóa sản xuất và cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tương tự, ngành dệt may áp dụng máy vẽ tự động, máy dệt tốc độ cao... Nhờ công nghệ, hiện chúng ta có thể thiết kế, ráp, cắt, chạy dây chuyền và có sản phẩm mới tại cửa hàng chỉ trong vòng ba tuần.

* Có nhận định cho rằng, hai công nghệ nổi bật trong ngành là mua sắm không tiếp xúc và trí tuệ nhân tạo. Hai công nghệ này sẽ thay đổi bộ mặt của ngành thời trang thế nào?

- Ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất mạnh trong công nghiệp thời trang. Ví dụ, các thương hiệu thời trang toàn cầu đang sử dụng các kỹ thuật không tiếp xúc như điện thoại di động hoặc đồng hồ thông minh để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử. Mua sắm không tiếp xúc sẽ loại bỏ mặt tiền cửa hàng, nhân viên bán hàng, quầy thu tiền và tiền mặt, nên sẽ giảm thiểu chi phí kinh doanh. Trong tương lai, việc thanh toán bằng thẻ cũng sẽ dần lỗi thời và được thay bằng các phương thức mới như thanh toán bằng dấu vân tay hoặc bằng nhận diện khuôn mặt.

Hiện nay, nhiều cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam đã thực hiện các phương thức thanh toán không tiếp xúc. Nhưng để công nghệ này được ứng dụng rộng rãi, có thể mất nhiều thời gian. Việc áp dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo khác nhau như hệ chuyên gia, mạng lưới thần kinh nhân tạo, suy luận với các tập mờ (fuzzy logic) và thuật toán di truyền cũng đang dần được ứng dụng. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp việc kinh doanh hiệu quả và nhanh chóng hơn, giúp doanh nghiệp dự đoán sản phẩm và dự báo xu hướng chính xác hơn, đồng thời cung cấp trải nghiệm bán lẻ tổng thể tốt hơn, ví dụ như phòng thử đồ 3D chẳng hạn.

Tuong lai cua nganh thoi trang

Công nghiệp thời trang nhanh thường xuyên bị chỉ trích vì gây ô nhiễm môi trường.

* Công nghiệp thời trang nhanh thường xuyên bị chỉ trích, vì gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng chất hóa học độc hại và làm tăng lượng chất thải quần áo. Ông đánh giá thế nào về việc này? Liệu các công nghệ mới có cải thiện được vấn đề không?

- Ngành thời trang nhanh làm ô nhiễm môi trường nhanh chóng. Trong thời trang nhanh, vòng đời của các bộ sưu tập quần áo chỉ khoảng từ 2-3 tháng, so với 45-60 tuần như vòng đời của thời trang truyền thống. Thời trang nhanh có giá rẻ, gây khó khăn trong vấn đề xử lý quần áo thải, là nguồn dẫn đến ô nhiễm đất, do rửa trôi hóa học, tạo ra khí methane và các loại khí khác. Các công nghệ mới sẽ giúp tái chế những bộ quần áo này thay vì chôn lấp. Các thương hiệu thời trang nhanh như H&M và Zara đang thúc đẩy chiến dịch quyên góp quần áo cũ để tái chế. Nhưng quan trọng hơn là nhận thức của người tiêu dùng về giảm, tái sử dụng và tái chế, để giúp giảm bớt vấn đề về môi trường.

* Những công nghệ hỗ trợ bền vững có dễ sử dụng không, tốn chi phí lớn hay không? Có khó khăn gì cho việc áp dụng các công nghệ này ở Việt Nam?

- Các công nghệ mới như DyeCoo (nhuộm bằng carbon dioxide) và nhuộm khô (nhuộm bằng không khí) là các phương pháp nhuộm không nước, giúp giảm ô nhiễm nước so với phương pháp nhuộm truyền thống. Ngoài ra còn có các công nghệ khác để giảm ô nhiễm môi trường, bao gồm: sử dụng tia laser, siêu âm, vi sóng, in kỹ thuật số, ứng dụng enzyme và ứng dụng nhuộm tự nhiên. Việc triển khai các công nghệ mới này tất nhiên phải tốn kém và cần có nguồn đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, lợi tức đầu tư (ROI) và giảm ô nhiễm có lợi cho cả ngành công nghiệp và xã hội. Chính sự thiếu chặt chẽ của luật pháp, ý thức đầu tư công nghệ mới của doanh nghiệp còn thấp, thêm việc doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính cho công nghệ mới nên các công nghệ mới vẫn chưa được triển khai mạnh ở Việt Nam.

* Vai trò của giáo dục trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho ngành thời trang trong cuộc sống số là gì?

- Ngành thời trang và dệt may càng phát triển càng cần một lực lượng lao động lành nghề, có kiến thức, khả năng sáng tạo lẫn khả năng ứng dụng công nghệ mới. Nhiều ý kiến lo rằng, công nghệ và robot sẽ khiến công ăn việc làm trong ngành mất đi. Tuy nhiên, nhiều ngành khác đã ứng dụng công nghệ và cơ hội mới cũng từ đó mà ra. Vấn đề là chúng ta đang có chiến lược đúng trong đào tạo. Thời trang và dệt may đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, nên việc ngành thời trang tiếp tục tạo nên những kết nối mới là rất quan trọng, giúp giải quyết những trở ngại đang thay đổi từng ngày, đưa thời trang Việt hướng tới tương lai.

* Cảm ơn ông. 

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI