Sai lầm khi lăn kim tế bào gốc, cô gái hoảng hốt vì mụn mọc như nở hoa

05/08/2017 - 07:00

PNO - Nhiều chị em phụ nữ tìm tới phương pháp lăn kim để làm đẹp, tuy nhiên nếu không tìm hiểu kỹ phương pháp này sẽ khiến làn da bị tổn thương, biến dạng.

Lăn kim tế bào gốc là sử dụng thiết bị chuyên dụng có gắn những mũi kim siêu nhỏ và bén tác động lên da nhằm kích thích tăng sinh collagen và elastin, đồng thời sử dụng tế bào gốc giúp da nhanh chóng phục hồi và khắc phục sẹo, mụn một cách triệt để, cho da bạn làn mịn màng, đầy sức sống.

Rất nhiều chị em phụ nữ không hiểu đã tìm tới các cơ sở lăn kim tế bào gốc trị mụn không có uy tín khiến làn da bị tổn thương, mụn bọc xuất hiện, da sạm đen lại.

Theo chia sẻ của chị Trần Ngọc Bích, Hà Nội, trong trào lưu làm đẹp bằng lăn kim  tế bào gốc chị cũng đi cho biết và tìm đến H. Spa, đến đó mới thấy dịch vụ làm đẹp này đắt khách đến mức nào. Tuy nhiên do làm không đúng phương pháp, khiến da chị trở đen xạm, mụn “tóe loe”.

Sai lam khi lan kim te bao goc, co gai hoang hot vi mun moc nhu no hoa
Lăn kim tế bào gốc trị mụn được nhiều chị em lựa chọn để giúp da mặt mịn màng, trắng sáng hơn. 

Chị Nguyễn Nga (30 tuổi, Hà Nội), 4 năm học y và chuyên về da liễu, hiện chị cũng mở lớp dạy về các liệu pháp làm đẹp, chia sẻ kinh nghiệm khi đi lăn kim và một số sai lầm mắc phải chị em cần lưu ý.

“Bản chất của lăn kim rất tốt (chỉ không tốt khi sai quy trình và thiếu hiểu biết, làm liều). Lăn kim là quá trình tự tạo tổn thương trên bề mặt da nhằm kích thích da tăng sinh lên một lớp tế bào mới, đẹp hơn và khỏe hơn từ bên trong. Sau lăn lớp da này rất yếu và cần được chăm sóc, bảo vệ và dùng dưỡng thích hợp cho từng loại da."

Một số spa bất chấp cơ địa, tình trạng da, loại da nào cũng tiến hành lăn kim tế bào gốc. Trước khi làm chị em nên tìm hiểu kỹ và những loại da tuyệt đối không được lăn kim, sẽ gây tổn thương rất lớn mà chị Nga chia sẻ:

- Da quá mỏng, gân xanh nổi quá nhiều, mao mạch hiện rõ (những loại da này đang bị nhiễm cortycoid).

- Da đang bị viêm (do mụn viêm to hoặc do dị ứng).

- Da quá nhạy cảm và thiếu Collagen.

- Da bị chân nám sâu và lớp sừng quá dày.

- Bệnh nhân dị ứng sản phẩm hỗ trợ lăn hoặc dị ứng dưỡng.

- Tuyệt đối không lăn cho da bị mụn viêm, mụn mủ, mụn bọc.

Sai lam khi lan kim te bao goc, co gai hoang hot vi mun moc nhu no hoa
Chị em nên tìm đến những cơ sở thẩm mỹ, spa uy tín để không rơi vào trường hợp tiền mất tật mang. 

Lên lăn cho da bị mụn ẩn, mụn cám, lỗ chân lông to, sẹo lõm nhẹ, da lão hóa, nám và tàn nhang nhẹ (chân nám ngay bề mặt da không sâu).

"Trước khi đi mọi người nên tìm hiểu những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng, khi thực hiện lăn kim cần yêu cầu nhân viên cho xem thông tin đầy đủ về nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Kim lăn phải được vô trùng, đặt trong túi vô khuẩn. Tốt nhất nên sử dụng kim lăn của nhà sản xuất có chứng chỉ CE với số đăng ký gồm bốn chữ số (tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu) hoặc đăng ký với FDA", chị Nga nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hà, chuyên khoa thẩm mỹ của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, đối với những bệnh nhân sử dụng phương pháp lăn kim không đúng cách, có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da, da trở nên đen sạm, chi phí điều trị có thể lên hơn 50 triệu đồng.

“Lăn kim có thể coi là một trong những phương pháp rất ít gây dị ứng, nhưng một số hóa chất bôi sau khi lăn kim như vitamin C, tế bào gốc, collagen, chất giữ ẩm... không rõ nguồn gốc có thể làm cho da của bệnh nhân bị dị ứng, sưng tấy, đỏ rát. Điều trị sau đó cũng không phải việc dễ dàng”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hà nhấn mạnh.

Bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ của Bệnh viện Da Liễu khuyến cáo, lăn kim tưởng chừng như là một phương pháp vô cùng đơn giản, tuy nhiên cần có quá trình tìm hiểu về da, để có thể lựa chọn phương pháp tốt nhất, không phải da nào cũng có thể làm lăn kim được.

Trịnh Tuyển 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI