Người trẻ xài hàng hiệu đắt tiền có gì sai?

11/07/2018 - 15:47

PNO - Khi việc ăn mặc, làm đẹp, tiêu xài là nhu cầu, quyền lợi của cá nhân, không làm ảnh hưởng đến xã hội, có gì đáng để chê trách, cợt nhả?

Hai ngày qua, dư luận bỗng xôn xao với đoạn video clip ghi lại hình ảnh các bạn trẻ tại ngày hội giày sneaker tại TP.HCM. Các bạn trẻ vô tư chia sẻ về giá tiền trang phục đang mặc trên người có giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Trong đó, một cô gái 17 tuổi đến từ Sa Đéc, Đồng Tháp "khoe" bộ trang phục tổng cộng 88 triệu đồng khiến nhiều người phải bất ngờ. Hàng loạt ý kiến trái chiều bùng lên xoay quanh câu chuyện này.

Video clip các bạn trẻ chia sẻ giá trị của những món hàng hiệu
'Đắp hàng hiệu' lên người, giới trẻ có thấy mình đẹp hơn?

Phần lớn mọi người tò mò, ở độ tuổi còn phụ thuộc gia đình, các bạn trẻ đã có thể tậu được những món hàng đắt đỏ, gần bằng cả năm thu nhập của một người lao động bình thường. Bên cạnh đó, không ít người lại thể hiện sự cười cợt, thậm chí chỉ trích.

Một trào lưu mới cũng xuất hiện trên mạng xã hội khi hàng loạt tài khoản "tự bóc giá" trang phục đang mặc với những giá trị khác nhau. Từ một ngày hội vui, giới trẻ tụ họp để chia sẻ sở thích, đam mê với giày sneaker bỗng trở thành vấn đề nhạy cảm của xã hội, phủ bóng bởi giá trị của đồng tiền.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường phản bác động thái dè bỉu, chỉ trích của dư luận liên quan đến đoạn video clip “gây bão” trong 2 ngày qua.

Nhà tạo mốt 8X chia sẻ: “Việc sử dụng hàng hiệu hay tiêu tiền như thế nào là sở thích cá nhân. Chúng ta không có quyền lên tiếng chỉ trích họ. Khi điều kiện kinh tế khá giả, họ có quyền chi và xài phù hợp với nhu cầu riêng. Với những cô bé, cậu bé đó, không ai hiểu họ bằng chính cha mẹ và cũng không ai có quyền đánh giá, phán xét ngoài bố mẹ”.

Nguoi tre xai hang hieu dat tien co gi sai?
NTK Đỗ Mạnh Cường phản bác những ý kiến cười nhạo, chỉ trích việc người trẻ sớm xài hàng hiệu

Stylist Trần Đạt cho rằng, hoàn cảnh các bạn trẻ xuất hiện và câu chuyện họ chia sẻ hoàn toàn hợp lý, không mang ý nghĩa tiêu cực. Giới trẻ xuất thân trong những gia đình có điều kiện, sớm tiếp xúc với hàng hiệu và xem chúng như đồ mặc bình thường nên không có gì đáng để bị chỉ trích.

Anh nói, "chiếc áo vốn chẳng làm nên thầy tu", vì thế, chẳng thể vì diện mạo bên ngoài mà dư luận có quyền phán xét về bất kỳ cá nhân nào. Đoạn video clip trên vốn chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc sống của những người trẻ, không phản ánh chính xác, toàn diện.

Trong khi đó, nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú nhận xét, việc giới trẻ chi trả một số tiền lớn để sở hữu hang hiệu hoàn toàn không sai, bởi họ ý thức được việc phải chi trả cho những giá trị xứng đáng.

Tuy nhiên, nhà tạo mốt trẻ nói thêm, một người trẻ tiến bộ, ngoài việc đầu tư, chăm chút cho ngoại hình, phong cách sống, lối sống, kiến thức và nhân sinh quan cũng là điều cần thiết vì chúng bổ trợ cho nhau để mỗi con người được hoàn thiện.

“Một chàng trai, cô gái xuất thân từ gia đình khá giả, học giỏi, biết nghĩ đến cộng đồng và ăn mặt sành sỏi thì dĩ nhiên không có gì để bàn cãi”, Nguyễn Hoàng Tú nhấn mạnh.

Nguoi tre xai hang hieu dat tien co gi sai?
Nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú cho rằng ngoài phong cách ăn mặc, giới trẻ cũng nên đầu tư cho những giá trị sống khác.

Với thời trang, ngoài yếu tố thẩm mỹ, sự phù hợp luôn là tiêu chí hàng đầu. Trong đó, bao gồm sự phù hợp về giá cả, điều kiện kinh tế và môi trường, hoàn cảnh xuất hiện. “Quan trọng hơn hết, theo tôi sự chú ý trong câu chuyện này không nên là giá trị của món đồ như thế nào mà là cách chúng ta sử dụng cho phù hợp, hiệu quả”, Đỗ Mạnh Cường chia sẻ. Khi đạt được sự cân bằng bởi 2 yếu tố trên thì giá trị, những con số sẽ là vô nghĩa, dù bạn đang dát hàng hiệu hay mặc đồ bình dân.

Đoạn video clip đang được lan truyền trong 2 ngày qua bắt nguồn từ một số clip trước đó của giới trẻ tại các nước Âu, Mỹ - nơi những món hàng trị giá hàng trăm, hàng nghìn đô la không phải vấn đề quá lớn. Vì thế, cách đón nhận của người dân sở tại cũng nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam khi điều kiện về kinh tế còn chênh lệch, tư duy văn hoá khác biệt, ít nhiều sẽ khiến người tiếp nhận có thể bị sốc với những thông tin như thế.

Đoạn video clip có thể được làm ra với mục đích vui là chính, dành cho những người đồng trang lứa, có cùng niềm đam mê, sở thích nhưng xuất hiện không đúng hoàn cảnh với số đông xã hội. Chúng ta không có quyền phán xét, chỉ trích bởi việc ăn mặc, làm đẹp vẫn là nhu cầu, quyền của cá nhân, không làm ảnh hưởng đến những giá trị chung của xã hội.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI