Nâng mũi bị khiếm khuyết

09/01/2014 - 11:00

PNO - PN - Nhiều người có những khiếm khuyết về cấu tạo của mũi như lệch vách ngăn, không có vách ngăn, mũi ngắn, thiểu sản sụn cánh mũi… Những trường hợp như vậy, khi nâng mũi sẽ đồng thời vừa làm sống mũi cao, đẹp như ý muốn,...

ThS-BS Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, tư vấn: Đa số các trường hợp nâng mũi mà có khiếm khuyết về cấu tạo mũi đều phải dùng sụn tự thân. Cụ thể là sụn vách ngăn, sụn tai hoặc sụn sườn, tùy trường hợp cụ thể. Kỹ thuật này được gọi là nâng mũi tái cấu trúc.

Lệch vách ngăn mũi: Trường hợp này, đa phần sẽ dùng chính sụn vách ngăn mũi để kéo dài mũi và nâng sống mũi bằng sụn nhân tạo. Cùng lúc, các bác sĩ sẽ can thiệp, chỉnh hình để đưa vách ngăn về đúng vị trí cân đối.

Điều kiện để thực hiện là vùng da mũi phải có độ đàn hồi tốt, bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm bóc tách, da đủ rộng để che phủ từ sống mũi đến đầu mũi. Nếu da không đủ đàn hồi và tay nghề bác sĩ kém thì nhiều khả năng sau khi thực hiện, da sẽ bị co, vách ngăn càng lệch thêm, thậm chí sụp hẳn xuống. Kết quả, mũi sẽ biến dạng thành mũi kiểu yên ngựa (mất hẳn sống mũi, cánh mũi bè ra hai bên), khó có thể tái tạo trở lại. Lưu ý thêm: nếu sụn vách ngăn quá mỏng và yếu thì không nên lấy vì nguy cơ cao vách ngăn sẽ bị sụp, sụn yếu không đủ sức để dựng sống mũi. Vách ngăn mỏng-dày, mềm-cứng có thể nhận biết được khi khám với những bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Khi đó, nếu người làm đẹp vẫn muốn nâng mũi thì phải lấy sụn sườn.

Thời gian thực hiện tạo hình khoảng hai-ba giờ, đây là phẫu thuật gây mê, cắt chỉ sau mười ngày và ba tháng sau thì mũi được định hình hoàn toàn, ổn định.

Trường hợp bị lệch vách ngăn nhưng không muốn can thiệp, bạn vẫn có thể nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo. Cách này không ảnh hưởng xấu đến vách ngăn vì sống mũi nhân tạo được đặt ở bên ngoài.

Nang mui bi khiem khuyet

Trước và sau khi nâng mũi tái cấu trúc với một trường hợp sống mũi thấp, mũi ngắn, đầu mũi hở

Mũi ngắn, chóp mũi thấp: Sau khi tạo hình, sống mũi, chóp mũi sẽ cao, sống mũi dài ra, cân đối với khuôn mặt.

Có hai cách để thực hiện là dùng sụn tự thân và sụn nhân tạo. Tuy nhiên, khi dùng sụn nhân tạo để kéo dài mũi, nhiều nguy cơ phần da đầu mũi sẽ đè vào sụn. Kết cục, phần đầu và chóp mũi bị căng, bóng đỏ, dễ hoại tử phần chóp mũi, do máu nuôi không đến được. Da căng quá sẽ làm sụn nhân tạo bị cong, méo lệch. Sống mũi không được cải thiện mà còn bị cong, vẹo.

Trường hợp này, việc dùng sụn tự thân sẽ có nhiều khả năng mang lại kết quả tốt hơn, do việc kéo dài được thực hiện trực tiếp trên vách ngăn, đồng thời vật liệu tự thân có khả năng tương thích cao hơn. Nó còn có tác dụng nâng đỡ da, không tạo ra lực căng như vật liệu nhân tạo. Tuy nhiên, nếu không được đánh giá đúng (da không đủ đàn hồi, sức căng của da quá mức), bác sĩ non tay nghề, thời gian lấy và ghép sụn quá lâu thì vẫn có nguy cơ vật liệu tự thân bị nhiễm trùng hoặc hoại tử. Nếu nhiễm trùng thì phải lấy sụn ra và mũi sẽ bị biến dạng. Nếu hoại tử, sụn bị tiêu mất thì hình hài của mũi cũng trở nên xấu xí.

Khiếm khuyết sụn cánh mũi: Tình trạng một bên cánh mũi bị teo nhỏ hơn so với bên còn lại, chỉ có cách duy nhất là dùng sụn tự thân. Bác sĩ sẽ tạo hình lại bằng cách dùng sụn tai để lót bên cánh mũi.

Mũi không có vách ngăn: Sụn vách ngăn hầu như không có, hai bên lỗ mũi thông nhau, mũi có hình dạng như yên ngựa. Cấu tạo là như vậy, nhưng chức năng sinh lý của mũi vẫn hoạt động bình thường. Vì mất đi vùng chống đỡ nên nếu có nâng mũi cũng khó tạo ra chiếc mũi đẹp, khó giữ sống mũi như mong muốn. Vì vậy, nếu rơi vào trường hợp này, bạn không nên cố gắng đi nâng mũi hay can thiệp gì đến mũi, vì nhiều nguy cơ “tiền mất tật mang”.

 An Hà (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI