Đẹp ở nhà, tại sao không?

22/07/2016 - 05:48

PNO -  “Phụ nữ đẹp ở ngoài đường là đương nhiên rồi, theo các chị, đẹp, tươm tất ở nhà có cần thiết không?”.

Khi được hỏi “Quyết định thông minh nhất của ông là tạo ra các phần mềm hay các công việc từ thiện?”, Bill Gate trả lời: “Quyết định thông minh nhất của tôi là lúc tôi lấy vợ và tìm được người phụ nữ phù hợp để kết hôn. Đó là người tạo ra một ngôi nhà bình yên, mang đến niềm vui cho thế hệ này, và tương lai cho thế hệ sau”. Xem ra “phong thủy” quan trọng nhất của gia đình chính là người phụ nữ.

Người vợ ăn mặc lôi thôi, mặt mày nhăn nhó, gia cảnh thường lộn xộn, bát nháo. Chuyên viên giao tế - tư vấn tình cảm Nguyễn Thu Hiên, bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, kiểm sát viên Nguyễn Thị Phương Thảo và bà nội trợ Nguyễn Thị Thanh Thủy đã cùng “nhìn lại mình lúc ở nhà”. “Phụ nữ đẹp ở ngoài đường là đương nhiên rồi, theo các chị, đẹp, tươm tất ở nhà có cần thiết không?”. Bàn tròn rôm rả ngay từ phút đầu khi câu hỏi này được đặt ra. Họ cùng đồng tình rằng, sau chữ Công là chữ Dung, có nghĩa là dung mạo của người phụ nữ luôn được đầu tư ở mọi lúc, mọi nơi như một cách để mọi người nhận ra phái đẹp.

Đẹp không vì sợ chồng... chê

Chị Thanh Thủy, người coi cơ quan của mình là… cái bếp nhấn mạnh: “Tôi ở nhà nội trợ và không hề có suy nghĩ rằng, mình không làm đẹp sẽ bị chồng chê. Dù mình không thể nào đẹp “mọi lúc mọi nơi” được, nhưng ý thức làm đẹp thì luôn có, và trước hết là cho mình, sau đó là đẹp cho mọi người”.

Dep o nha, tai sao khong?

Tại công sở, chị Phương Thảo rất “oai” trong bộ đồng phục của ngành kiểm sát, lại sợ mất hình ảnh trong mắt bạn bè, hàng xóm khi họ tình cờ đến nhà mình: “Với tôi, ông chồng chê chỉ nội bộ trong nhà, sửa sai mấy hồi, nhưng thiên hạ chê một lần là khó gỡ”.

Bác sĩ Cẩm Anh cho rằng: đẹp, chỉn chu ở nhà để được chồng luôn yêu thương, tôn trọng vì đó chính là sự tự trọng của người phụ nữ khôn ngoan và hiểu biết. Dù đã lên hàng bà cố, bà Thu Hiên vẫn rất quan trọng hình ảnh của mình trước mặt con cháu: “Tôi hay xuất hiện trên ti vi với dáng vẻ nền nã, trau chuốt, vì thế ở nhà cũng không thể làm cho mình quá cách biệt với hình ảnh đó”.

Có cần trang điểm ở nhà?

Chị Phương Thảo: “Có đấy, nhưng ở mức độ nhẹ thôi. Chủ yếu tôi dùng chút kem dưỡng da, thoa tí son môi cho khuôn mặt mình tươi tắn, để thấy yêu đời hơn. Tôi thích trang điểm dù chỉ ở nhà một mình. Ngắm mình trong gương, thấy mình xinh là có thể vui suốt cả ngày, tự nhiên lúc đó ăn nói cũng dễ thương hơn. Sáng Chủ nhật, ăn sáng với chồng con xong, mấy nàng rủ nhau cà phê, ra siêu thị, mà không đi đâu thì sáng ra cũng quẹt chút son cho đời vui”.

Chị Thanh Thủy: “Tôi không trang điểm công phu như đi tiệc hay đi chơi, nhưng có dù ng kem dưỡ ng da, nghĩa là cũng không để mặt mộc”.

Bà Thu Hiên: “Ở nhà tôi thường không trang điểm, để da được “thở” tự nhiên. Với tôi, trang điểm là che đậy khiếm khuyết trên gương mặt, như làm hai mắt to đều nhau, da mịn hơn… Nên ở nhà, tôi cho phép mình để “mặt thật” trước chồng, con, cháu… Tuy nhiên, đầu tóc phải gọn gàng. Khi có khách đến nhà, tôi trang điểm nhẹ nhàng, để họ cảm nhận họ được đón tiếp rất “VIP” qua sự đầu tư của chủ nhà về mọi mặt chứ không chỉ đồ ăn, thức uống”.

Dep o nha, tai sao khong?

Bác sĩ Cẩm Anh: “Tôi rất ý thức về hình ảnh của mình khi ở nhà, nên việc trang điểm cũng cần chút ít, cho môi khỏi tái nhợt khi mình mệt quá vì áp lực công việc, cho da bớt thấy sạm do thức khuya, để không bị mất điểm trong mắt ông xã, dù anh ấy không yêu cầu”.

* Trong nhà thường có phòng khách, gian bếp và phòng ngủ. Các chị xuất hiện thế nào trong ba không gian đó?

Chị Phương Thảo: “Về tổng thể tôi vẫn là người phụ nữ xinh đẹp ở cả ba nơi ấy. Nhưng cụ thể thì ở mỗi nơi tôi có một cách thể hiện phù hợp. Tôi chọn đầm vì sự tiện lợi của nó, chỉ cần một chiếc đầm có chất liệu mát, không nhàu, với kiểu cách không quá trang nghiêm cũng không quá sexy là có thể rất tự tin ở phòng khách, ra chợ. Các kiểu đồ bộ thun, lanh hiện nay rất đẹp, vừa thoáng mát, vừa lịch sự, vừa tiện, có thể ngồi ở phòng khách rồi “bay” vô bếp luôn. Suốt ngày ở cơ quan, tôi toàn mặc đồng phục, nên ở nhà tôi thích mặc đồ đẹp và thoải mái”.

Chị Thanh Thủy: “Với tôi, trang phục phải phù hợp với công việc, bộ đồ đang mặc ở nhà khi vào bếp chỉ cần mang tạp dề vào, nhưng khi đi chợ, tôi thường phải thay đồ khác. Trang phục trong phò ng ngủ thì không cần… nghiêm túc quá, chủ yếu giúp giấc ngủ thư thái, và có một phần gợi cảm”.

Bà Thu Hiên: “Từ lúc còn trẻ, tôi thích và luôn mặc bộ bà ba khi ở nhà, có thể áo quần cùng màu, có thể quần đen, áo màu để vừa thoải mái một mình trong nhà, vừa lịch sự mở cửa cho các vị khách bấm chuông bất ngờ: người thu tiền điện, rác, là con cháu, bạn bè…”.

BS Cẩm Anh: “Tôi chọn quần ôm bó sát dài đến trên gối một chút và áo thun trẻ trung với hoa văn nhã nhặn, màu sắc nhẹ nhàng, hài hòa. Có khi là áo đầm mát rộng hoa văn nhẹ, để lộ một ít bờ vai và tay, cổ cho mát mẻ, trẻ trung và thêm chút nữ tính dù không còn trẻ nữa. Khi tiếp khách thì nhất thiết phải thay trang phục lịch sự. Trong phòng ngủ thì cần thơm tho nhẹ nhàng với trang phục ngủ bóng trơn và mang nét quyến rũ của người phụ nữ”.

Dep o nha, tai sao khong?

Mặc đẹp chưa hẳn là đẹp

Chị Phương Thảo: “Mặc đẹp chưa đủ mà phải thật thoải mái, nhất là về mặt tinh thần. Phải sắp xếp sao để công việc nhà không trở thành áp lực. Tôi thấy mình bảnh nhất khi ở nhà là lúc mình cảm thấy hạnh phúc: nấu một bữa ăn, chăm một cái cây, lau dọn bụi bặm… không thấy đó là nặng nhọc mà là niềm vui. Vui thì lại càng muốn mặc đẹp”.

Chị Thanh Thủy: “Để tương xứng với mặc đẹp thì lời nói phải đẹp. Vợ chồng cũng có những giây phút đùa giỡn, chọc ghẹo để cuộc sống thêm phần thi vị, không phải lúc nào cũng quá nghiêm trọng với nhau. Không phải cứ ở nhà nội trợ thì chỉ biết có cái bếp mà tôi còn tìm hiểu cả thông tin thời sự xã hội, và làm sao để chồng vẫn chia sẻ công việc nhà với mình, vẫn luôn yêu vợ”.

BS Cẩm Anh: “Tôi luôn thực hiện khẩu hiệu “hòa nhan ái ngữ”. Cần lắm vẻ mặt hiền hòa và lời nói yêu thương của người phụ nữ lúc ở nhà, để người đàn ông và các con của mình có thêm nguồn vui sống, như được tiếp thêm năng lượng khi về nhà”.

Bà Thu Hiên: “Có những lúc mệt hay gặp chuyện ngoài ý muốn, tôi thường vào phòng riêng nghỉ ngơi, lấy lại sự cân bằng, chứ không nhăn nhó, cau có với người nhà. Mặc đẹp mà ăn nói không đẹp thì cũng như không”.

Rào cản

Bà Thu Hiên cho rằng, vẫn còn không ít phụ nữ có lối nghĩ: “Con nhỏ hai đứa, việc nhà lu bù làm không hết mà đẹp với ai. Chồng tôi dễ tính lắm, sao cũng được”.

BS Cẩm Anh: “Tôi được biết không ít chị em tuy còn trẻ nhưng đã vội xem thường việc chăm sóc, tôn tạo hình ảnh của mình lúc ở nhà, cho đến một lúc nào đó thì có sửa cũng không còn kịp nữa. Nhiều người chủ quan: “Ôi dào! Ở nhà thì vợ không cần đẹp, miễn là con cái khỏe mạnh và nhà cửa tươm tất!”.

Chị Phương Thảo: “Áp lực của công việc nhà cũng là một yếu tố làm cho phụ nữ nghĩ mặc đẹp làm gì khi còn bao nhiêu việc phải giải quyết, nhưng vấn đề này cũng không phải là yếu tố quyết định. Rào cản lớn nhất chính là bản thân người phụ nữ, vì chẳng có ai ngăn cản mình bảnh bao mọi lúc mọi nơi”.

Dep o nha, tai sao khong?

Chị Thanh Thủy: “Nhiều phụ nữ vẫn coi trọng việc quan tâm chồng con hơn việc làm đẹp bản thân khi ở nhà. Vì thế có người áo xộc xệch, quần ống thấp ống cao thậm chí nhăn nheo, vàng ố xuống màu”.

Bốn người đẹp từ trong nhà ra ngoài phố có chung một nhắn gởi đến những người phụ nữ có gia đình: dù bận rộn công việc, dù phải hy sinh cho gia đình, thì việc chăm sóc bản thân và hình ảnh của mình cần được xem là một nhiệm vụ để ngôi nhà thật sự trở thành “vùng trời bình yên” của các thành viên trong nhà.

Trong mắt đàn ông

Phụ nữ là phái đẹp nên lúc nào họ cũng làm đẹp là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ở nhà mà lúc nào cũng trang điểm thì hơi quá, chỉ nên trang điểm khi ra khỏi nhà: dạo phố, đi chơi, siêu thị… Khi đi ngủ, ngoài trang phục gợi cảm, thoải mái, nên thêm một chút nước hoa. Nếu có điều kiện, nên có bàn trang điểm để trong phòng ngủ, ở đó, trước khi lên giường, bà vợ soi gương, mát xa mặt, bôi kem dưỡng thể… lúc đó trông họ rất hấp dẫn. Nhưng điều cần thiết hơn cả là ở nhà họ cũng phải nhẹ nhàng, dịu dàng thì họ mới là phụ nữ.

Kỹ sư Lê Đức Tuấn

Trường Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI