Áo xưa về giữa phố nay

16/02/2018 - 08:00

PNO - Những phụ nữ lựa chọn xu hướng vượt thời gian thì không bận tâm lắm đến những xu hướng nhất thời, càng không nhìn nhận những giá trị của món hàng thời trang dựa vào tên tuổi, nhãn hiệu hay giá cả.

Giữa một nền văn hóa đa bản sắc nhưng việc bảo tồn lại bắt đầu khá muộn màng, thì có lẽ người Việt xưa chỉ cậy nhờ những ghi chép cũ để con cháu lần theo những bản thảo mà tìm về nguồn cội. Thế là văn, thơ, nhạc, họa... trở thành một bảo tàng sống động, với khả năng lưu trữ mọi sinh hoạt, tập tính, văn hóa ăn-mặc-ở của người Việt qua nhiều thế hệ.

Ao xua ve giua pho nay
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng. 

Trong những giai điệu diễm tình của các ca khúc thời tiền chiến, hiện lên rõ ràng những vải vóc, lụa là; những sắc xanh, vàng, tím, đỏ của nếp áo giai nhân, trong một diễn biến mà hai con người chỉ kịp lướt qua đời nhau, để lại rất nhiều nhớ thương cho bao kẻ si tình. 

Nếu không có “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” (Áo lụa Hà Đông - thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ nhạc), hoặc chẳng có khái niệm gì về “Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím” (Ngàn thu áo tím - Hoàng Trọng), hay là “Bao tà áo xanh... giữa mùa thu lá vàng... từng cánh rơi từng cánh” (Gửi gió cho mây ngàn bay - Đoàn Chuẩn - Từ Linh), thì liệu giới trẻ bây giờ có biết được phụ nữ Việt xưa đã từng ăn mặc đẹp và tinh tế đến mức nào? 

Không chỉ là một người làm ra trang phục, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đặc biệt yêu thương nếp áo xưa đến độ dành cả sản nghiệp và cuộc đời làm nghề của mình để tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng một bảo tàng lưu trữ những tà áo dài Việt từ nhiều thế kỷ trước. Vì vậy, sẽ không ai ngoài anh, có đủ am hiểu để kể tường tận về trang phục người phụ nữ xưa và những điều thú vị làm nên thời trang những ngày đã cũ.

Ao xua ve giua pho nay

Nhà thiết kế Vũ Thảo.

Nếp áo xưa trong ký ức của nhà thiết kế Sĩ Hoàng

“Tôi sinh ra ở Sài Gòn, may mắn chứng kiến bao giai đoạn lịch sử thăng trầm của chiếc áo người Sài thành xưa. Bắt đầu từ tấm áo của bà, của mẹ. Tôi nhớ hồi mới sắm một xấp vải lụa mới, trước khi bắt đầu cắt may thành bộ áo dài cho mình, lúc nào bà nội tôi cũng dùng kim lẩy vài mối chỉ đoạn đầu vải, rồi rút chúng ra dọc theo đường biên thành những sợi dài. Sau đó bà cẩn thận cuốn từng sợi chỉ vào một cái lõi rồi đem cất.

Thấy tôi thắc mắc, bà bảo chỉ này để dành vá lại những chỗ rách (nếu có) từ chiếc áo dài sắp may, cũng từ tấm lụa làm ra nó, có vậy đường vá mới tương đồng với màu áo mà mắt thường khó nhận ra. Bấy nhiêu cũng đủ thấy người xưa quý trọng từng nếp áo mình mặc đến thế nào.

Sự tinh tế này còn thể hiện đức công, dung, ngôn, hạnh cũng như tính cách kỹ lưỡng, cẩn thận, khéo léo của bao phụ nữ thời đó. Thế mới có những tấm áo dài truyền từ đời bà sang đời mẹ như một báu vật. Và khi mẹ tôi phải gạt nước mắt cắt đôi tà áo để có vải ráp may cho đàn con năm đứa những tấm áo mới thời đất nước khó khăn sống bằng tem phiếu - hẳn phải là một sự hy sinh vô cùng lớn lao.

Tôi còn nhớ áo dài xưa của mẹ, của dì, hầu hết đều có vòng eo chỉ bằng hai gang tay người bình thường. Nghĩa là chưa đến 50 phân. Nó bé đến độ phần hông liền kề được tôn hết vẻ nở nang vốn dĩ. Ngực được may rất cao, tà áo dài đến gót chân và được cắt khá rộng.

Chất liệu vải hầu hết bằng lụa nhẹ như tơ trời, mỗi cử động của đôi tà áo tạo ra từ gió không ngừng quấn quýt người mặc. Hình ảnh đó vô tình làm nên một thứ tình cảm không lời mà dịu dàng vướng vít. 

Ao xua ve giua pho nay
 

Điều quan trọng là những tà áo xưa được kết lại bằng những chiếc nút bấm, dễ dàng bung hết ra chỉ sau một cử động nhẹ. Cổ áo rất cao và lưng rất thẳng. Những cấu trúc này vô tình tạo ra một sự chỉnh đốn vô hình cho phong thái người mặc nó. Họ buộc phải ngẩng cao đầu, lưng luôn ở tư thế thẳng, những động tác phải nhẹ nhàng, uyển chuyển, từ tốn, ý nhị và kín đáo.

Họ luôn biết mình đang mặc gì, và điều gì đã tạo nên sự thong dong nhưng kiêu hãnh, dịu dàng nhưng kiểu cách cho chính bản thân từ bên trong. Điều gì đã khiến người đối diện luôn giữ một sự tôn trọng, nể vì trước một cô gái khoác lên mình một chiếc áo dài. Nói cách khác, tấm áo xưa đã làm nên con người xưa một cách tình cờ nhưng thật ra là hữu ý”.

Câu chuyện áo xưa ở phố nay

Khi nói về tính chu kỳ của thời trang, người ta thường hình dung về sự trở lại của nhiều xu hướng đã từng lụi tàn sau một thời gian làm mưa làm gió. Đó là sự tái hiện mang tính tiếp nối, bởi lẽ những người tạo ra trang phục luôn ý thức rất rõ việc gìn giữ những tinh hoa của chất liệu, kiểu dáng xưa, và làm mới nó bằng những ý tưởng cải tiến sao cho phù hợp với thời đại.

Khi mang những gì thuộc về hôm qua về lại hôm nay, người ta càng thấm thía giá trị tinh thần của vẻ đẹp truyền thống, và cái mà con người có được trong hiện đại, đều bắt nguồn và tiếp nối từ truyền thống. Trong đó, hiện đại là cái giữ gìn và phát triển cho truyền thống được tồn tại và sống mãi. 

Câu chuyện giữa hai nhà thiết kế (NTK) đại diện cho hai thế hệ thiết kế thời trang xưa và nay - Sĩ Hoàng và Vũ Thảo - cũng không ngừng xoay quanh việc bảo tồn giá trị của nếp áo xưa.

NTK Sĩ Hoàng: Nếu chắt lọc những tinh tế của trang phục xưa để làm ra trang phục hiện đại, Vũ Thảo sẽ giữ lại những chi tiết nào?

NTK Vũ Thảo: Có quá nhiều thứ quý giá từ trang phục của các bậc tiền bối mà tôi luôn muốn níu giữ. Đó có thể là những chi tiết như cái cúc tết nhỏ nhắn trên các vạt áo cánh. Cũng có thể là cái cổ kiềng được bọc viền công phu, hay đường thêu móc tỉ mỉ ở phần xẻ tà.

Cách ăn mặc của người xưa nhìn qua có vẻ đơn giản, nhưng thực chất lại rất cầu kỳ, có tính quy chuẩn, mang đậm dấu ấn địa phương, phản ánh lối sống, lề thói xã hội, gu thẩm mỹ trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Còn anh?

Ao xua ve giua pho nay
 

NTK Sĩ Hoàng: Với áo dài, tôi luôn muốn giữ lại phần vạt dài từ gối trở xuống. Những chiếc áo dài cách tân sau này, cứ ngắn trên đầu gối thì tôi không cho đó là áo dài nữa rồi. Quần ống rộng vừa phải giữ được vẻ dịu dàng khi quấn quýt cùng tà áo mà không làm mất đi sự năng động của giới trẻ hiện đại.

Đừng mặc áo dài với legging vì bao nhiêu khuyết điểm của đôi chân bạn sẽ bị lộ ra hết. Từ thắt lưng trở lên có quyền cách tân nhưng hãy giữ lại sự kín đáo của người xưa. Riêng hàng nút bấm, tôi ủng hộ thay bằng dây kéo cho phù hợp với những hoạt động nhanh, mạnh, dứt khoát trong nhịp điệu vội vã của xã hội đương thời. 

NTK Vũ Thảo: Có những chất liệu của trang phục xưa cho đến giờ vẫn vẹn nguyên giá trị, theo anh, chất liệu nào đủ làm nên giá trị lịch sử và mãi mãi trường tồn với thời gian?

NTK Sĩ Hoàng: Có lẽ là lụa. Đó là chất liệu người xưa đã dùng để làm nên tấm áo mà chúng ta từng biết. Tuy nhiên, thời trang đương đại hoàn toàn có thể kế thừa chất liệu truyền thống để sáng tạo thành những chất liệu phù hợp với sinh hoạt và bối cảnh xã hội thời nay.

Chẳng hạn pha thêm cotton và sợi poly vào lụa để làm ra tấm vải chiffon có độ co giãn nhất định, đặc biệt là không nhăn (không cần phải ủi) hay khó bảo quản như lụa, nhưng vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, bay bổng mà một chiếc áo dài cần thiết phải có, dẫu là xưa hay nay.

NTK Vũ Thảo: Xét về thẩm mỹ, tôi cho rằng kỹ thuật dệt Zèng của người Tà Ôi, Cơ Tu ở miền Trung và Tây Nguyên xứng đáng là “đế vương” của các chất liệu thủ công cao cấp ở Việt Nam, đòi hỏi độ khéo léo và sự tỉ mỉ nhất định của nghệ nhân. Xét về kỹ thuật, dệt Zèng mang cả tính phức hợp lẫn phức tạp. Dệt với sợi không thôi đã rất khó, huống gì là dệt với cườm.

Xét ở góc độ văn hóa, Zèng là biểu tượng thiêng liêng, như lễ vật của các đồng bào miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, do khung cửi, dụng cụ dệt thô sơ và còn hạn chế về các dạng sợi, mô-típ trang trí nên Zèng chưa phát huy được hết uy lực của nó.

Tôi đang ấp ủ một vài ý tưởng để áp dụng kỹ thuật có một không hai này vào thiết kế. Tôi muốn thử nghiệm trên các chất liệu tinh hơn là thô, dày như Zèng truyền thống để có thể tạo ra các chủng loại trang phục khác nhau. Ngoài ra, chất liệu cườm, màu cườm, họa tiết... sẽ được đa dạng hóa thay vì chỉ có cườm trắng để phù hợp hơn với bối cảnh hiện đại.

Sàng lọc, tiết chế yếu tố truyền thống cũng cần được ưu tiên. Tôi quý trọng các yếu tố truyền thống, nhưng không có nghĩa là bê nguyên xi truyền thống vào thiết kế một cách tùy tiện, thừa mứa.

Ao xua ve giua pho nay

Những dự đoán của nhà thiết kế Vũ Thảo về xu hướng thời trang trong năm mới 

Xu hướng được chia làm ba loại chính. Fad - hiện tượng chốc lát, đến rất nhanh và biến mất cũng rất nhanh. Trendy - mốt, cũng đến nhanh, lan rộng và tồn tại trong một thời gian nhất định. Timeless - vượt thời gian, có thể đến từ từ, lan tỏa từ từ, nhưng kéo dài, thậm chí trở thành biểu tượng cho cả thập niên hoặc lâu hơn.

Xu hướng “vượt thời gian” tồn tại vì nhu cầu cấp thiết của một bộ phận không nhỏ sống thuận tự nhiên. Xu hướng này không bị chi phối bởi tính thời thượng, nhưng vẫn có được sự kết nối cần thiết với các xu hướng, công nghệ, và những văn hóa bản địa khác. 

Về kiểu dáng, tôi dự đoán các thiết kế cấu trúc khoáng đạt, có tính ứng dụng cao sẽ chiếm lĩnh các sàn diễn thời trang. Các công thức thời trang cũng sẽ thay đổi lớn. Những quy chuẩn gò bó của thời trang cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến bộ mặt thời trang. Plus - size sẽ lên ngôi. Thời trang vẫn phải duy trì sự tươi mới, quái lạ, độc đáo, nhưng cần cân nhắc về sự lãng phí của một bộ phận thời trang nặng tính trình diễn. 

Về màu sắc, mặc dù sắc tím đang được dự đoán là bảng màu chủ đạo cho xu hướng thời trang 2018, nhưng tôi tin những gam màu nhuộm tự nhiên như chàm, nâu đất, đỏ bã trầu, vàng sắt, tím cà, đen bùn, xanh rêu, ghi đá... sẽ vẫn là những gam màu chiếm nhiều cảm tình của người sành mặc. Chúng được tôi xếp vào xu hướng “vượt thời gian”.

Tôi cũng mạo muội nghĩ thế này: những phụ nữ lựa chọn xu hướng vượt thời gian thì không bận tâm lắm đến những xu hướng nhất thời. Và càng không nhìn nhận những giá trị của món hàng thời trang dựa vào tên tuổi, nhãn hiệu hay giá cả. Họ lấy cái riêng làm trọng, trong đó có phông văn hóa, lối sống, tri thức mà họ hướng tới. 

Họ muốn mặc quần áo chứ không phải quần áo mặc họ! 

Nguyên Trà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI