Xi-rô đá bào ngọt ngào một thuở

21/10/2019 - 07:57

PNO - Dẫu vô cùng giản dị nhưng vị ngon ngọt của món ăn chơi vui miệng này giúp tuổi thơ của nhiều thế hệ trở nên thú vị. Nhưng nay xi-rô đá bào gần như chỉ còn trong ký ức khi đã có quá nhiều món ngon vật lạ.

Xanh, đỏ, tím, vàng...

Mấy lần về quê đi ngang ngôi trường tiểu học cũ, tôi mới có dịp nhìn lại. Ừ thì, thời gian trôi nhanh quá, trường đã đổi khác và lòng người đã lớn tự bao giờ. Duy chỉ có mơ ước được bé lại vẫn còn. Chợt tiếng leng keng đâu đó hiện về, như một lời mời gọi của quá khứ.

Những nét vẽ nguệch ngoạc bắt đầu hiện ra. Và tôi thấy mình vẫn ở đó, dưới gốc bàng to sụ, đang tụm lại với mấy đứa bạn. Có điều, tôi không còn nhớ rõ mặt tụi nó nữa và cũng chỉ vài cái tên được gợi lại. 

Xi-ro da bao ngot ngao mot thuo

Thằng Tài hí hửng với món đồ chơi mới có được từ trò rút thăm, con Hiền lớp trưởng đang mân mê bịch xí muội hoa mai chua chua ngọt ngọt, con Phương sột soạt mở gói mì trẻ em… Còn tôi lại bị hấp dẫn bởi tiếng leng keng nơi cổng trường từ chiếc xe đá bào cũ kỹ của chú Dũng, người đàn ông trung niên với gương mặt gầy gầy, đen sạm. Chiếc chuông đồng của chú Dũng nhỏ xíu thôi mà tiếng kêu leng keng vang vọng cả một góc đường.

Thường, chú Dũng có mặt sớm một chút trước giờ ra chơi. Đứa nào muốn ăn xi-rô đá bào, phải xếp hàng chờ đợi. Đồ nghề của chú đơn giản lắm: một cái bàn bào bằng gỗ, trên có gắn dao bằng kim loại để bào nước đá; một chiếc bàn chông để nắm lấy cục đá không bị trơn trượt và mấy chai xi-rô đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng… cùng một lon sữa đặc có đường. 

Xi-ro da bao ngot ngao mot thuo
 

Bàn tay chú thoăn thoắt một chút là tụi nhỏ chúng tôi có ngay một ly đá bào thơm ngon. Với nhiều đứa, cái tiếng sột soạt khi đá va vào bàn bào thật lý thú. Từng mảnh đá rơi vào chiếc thau nhỏ xíu đặt dưới bàn bào, tạo dần thành hình ngọn núi nhô cao.

Những mảnh đá vụn nhuyễn nhừ được cho vào ly, ém lại thật chặt, sau đó xi-rô sẽ được chan lên bề mặt và trên cùng là vài giọt sữa đặc. Vị dứa (khóm) có màu vàng óng, cam có màu cam, xanh lá là màu của vị bạc hà, tím là màu của vị nho, màu đỏ hồng là của dâu… Con nít mà, ham lắm, nên lúc nào cũng yêu cầu một ly đủ màu. Riêng tôi, bởi không thích vị bạc hà nên ly đá bào của tôi không bao giờ có màu xanh. Món này đơn giản vậy nhưng đứa nào ăn rồi cũng sẽ nhớ mãi.

Xi-ro da bao ngot ngao mot thuo
 

Giữa buổi trưa hè nóng bức, ăn một ly đá bào thì mát dạ mát lòng. Còn hôm nào thích, tụi nhỏ chúng tôi cũng có thể ăn cho vui miệng. Cầm ly đá bào đủ màu trong tay, có lúc ngỡ đã chạm được cầu vồng. Thời đó, tôi hay có suy nghĩ liệu tuyết có thể làm đá bào hay không. Để rồi bây giờ nghĩ lại, chợt thấy: “Ừ, chỉ có con nít mới nghĩ vẩn vơ thế thôi”.

Ngày đó mỗi ngày tôi được mẹ cho 1.000 đồng và đều dành một nửa cho đá bào. Hôm nào thích, tôi ăn tới hai ly. Mà đâu chỉ ở trường mới được ăn đá bào, về nhà tôi cũng được ăn. Gần nhà tôi có một tiệm tạp hóa nhỏ - mà thật ra tôi không quan tâm lắm bên trong có gì - chỉ thấy hấp dẫn nhất là khu đặt cái bàn bào nho nhỏ. Hôm nào cũng vậy, hễ thức dậy sau giấc ngủ trưa, tôi lại kỳ kèo xin mẹ một ly đá bào nhưng không phải hôm nào cũng… toại nguyện. 

Thích nhất là những khi có được vài ngàn đồng từ việc gom ve chai, thau mủ bể hay dép đứt đi bán. Vài ngàn đồng có lẽ quá nhỏ so với trẻ con ngày nay nhưng với chúng tôi ngày đó, nó có thể là một “tài sản” khổng lồ. Bởi mấy ngàn đồng đó được quy ra đến vài ly đá bào, vài bịch mì trẻ em hay tha hồ rút số may mắn… Trong mấy ngàn đồng có được thì chuyện ăn đá bào được ưu tiên hàng đầu. Con nít mà, cứ nhiêu đó là vui.

Xi-ro da bao ngot ngao mot thuo
 

Đá bào, những ngày vắng bóng

Đến mấy năm đầu tôi học trung học cơ sở, đá bào vẫn là món ăn vặt rất được ưa chuộng. Đặc biệt, sau những giờ học thể dục mồ hôi nhễ nhại, được ăn một ly đá bào thì thật tuyệt vời. Thời điểm này, việc làm đá bào cũng dễ hơn khi dụng cụ tân tiến hơn. Thay cho chiếc bàn bào bằng gỗ, máy xay đá ra đời. Đó là cái khung hình trụ được trang trí thật bắt mắt, cục đá được cho vào giữa, cầm cái tay quay chừng hơn chục vòng là có ngay thau đá trắng phau, óng ánh. Còn thao tác làm đá bào vẫn cứ y như cũ. Cầu kỳ hơn, người ta sẽ tạo hình một số con vật như mèo, gà, chim… để bắt mắt lũ trẻ hơn. 

Nhưng chỉ mấy năm sau đó, đá bào cũng dần vắng bóng trong thực đơn ăn vặt của lũ học trò. Thay vào đó là các loại kem, nước ngọt, trà sữa... Từ một người bạn thân quen, đá bào bỗng trở nên xa lạ. Rồi bẵng đi gần chục năm nữa từ khi chúng tôi rời quê lên Sài Gòn học hành, lập nghiệp, đá bào gần như chẳng còn dấu vết gì. 

Xi-ro da bao ngot ngao mot thuo
 

Đợt nghỉ lễ đầu tháng Chín vừa rồi, tôi ghé thăm chùa Dơi ở Sóc Trăng, chút kỷ niệm ngày xưa như ùa về khi bất chợt gặp mấy đứa trẻ đang cầm trên tay ly đá bào đủ màu thật bắt mắt. Tôi cũng đâu ngại mua một vé về tuổi thơ, chỉ với 10.000 đồng. Nước da đen sạm của anh chủ xe đá bào khiến tôi bỗng nhớ về chú Dũng và chiếc xe đạp cà tàng ngày xưa, nơi lũ trẻ chúng tôi từng nghĩ là cả thế giới thu gọn trong đó. Ly đá bào không khác ngày xưa là mấy, chỉ khác ở chỗ lòng mình chợt nhớ chợt thương. Cũng có thể chỉ ở một vài nơi nào đó ta mới còn có thể gặp được món giải khát trẻ con này.


Anh chủ xe đá bào tâm sự rằng, anh đã gắn bó với nghề gần chục năm. Mỗi ngày, việc buôn bán trước cổng chùa cũng giúp anh kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Anh say mê nói về những màu sắc rực rỡ trên xe, về các vị xi-rô, vị nào ngon, vị nào thơm... Vẫn món giải khát đó nhưng thời gian, kỷ niệm là thứ chỉ còn lại sau lưng, người ta có thể ngoái nhìn chứ không chạm được.

Xi-ro da bao ngot ngao mot thuo
 

Sài Gòn được xem là thủ phủ của ẩm thực. Tại đây, tôi cũng mấy lần được ăn Kakigori (một loại kem đá bào của Nhật Bản) hay Bingsu (một món đá bào phiên bản nâng cấp với trái cây, mứt… rất bắt mắt). Dĩ nhiên chúng ngon đấy. Vừa bắt mắt, vừa đã miệng, lại thêm không gian quán được trang trí cầu kỳ, tha hồ để check-in chứng tỏ độ sành điệu thì tụi nhỏ bây giờ sao mà cưỡng lại được. Và đá bào ngày xưa, với chiếc xe tuềnh toàng cùng cách làm giản đơn cũng khó lòng cạnh tranh.

Xi-rô đá bào vẫn luôn còn đó, trong một ngõ ngách nào đó  khuất nẻo giữa dòng đời để rồi thỉnh thoảng lại gợi người ta nhớ về những ngày thơ ấu. 

Bài và ảnh: Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI