Những con hẻm vàng ươm

09/12/2018 - 06:00

PNO - Bạn hỏi tôi, sao cứ quay lại Hội An hoài vậy, tôi bảo mình không biết. Thật ra thì tôi biết, chỉ vì tôi sợ nếu mình nói ra, người khác cũng sẽ thích nơi này của tôi mất.

Hội An có gì đâu! Vẫn vài cửa tiệm quà lưu niệm, vải vóc, da thuộc và mấy quán cà phê, mấy cửa hàng ăn nhỏ nhỏ. Vẫn những con đường với dọc dài hoa giấy, những ngôi nhà quét vôi vàng ươm, mấy gánh hàng rong ngồn ngộn trái cây xứ nhiệt đới. Chùa Cầu vẫn nằm đó, vắt qua nhánh sông tí xíu, ngày ngày ngơ ngác ngó cả ngàn lượt khách lại qua. Vậy mà hễ đi đâu dọc miền Trung, tôi đều dành chút thời gian cho những con phố nhỏ cũ mèm này. 

Nhung con hem vang uom
 

Bảo rằng tôi yêu Hội An là chưa chính xác, bởi tình yêu dành cho một vùng đất rất khó để thành lời. Nhưng tôi thích nơi này. Thích, như một cơn say, của một ngày cách nay tròm trèm mười năm tôi đã phải lòng. Để rồi tới tận bây giờ, sau nhiều năm tháng, tôi vẫn hoài váng vất, vẫn giữ vẹn nguyên thứ tình cảm kỳ lạ đó trong lòng.

Loanh quanh vài bước chân là hết

Ai từng tới Hội An cũng biết mà. Quẩn quanh, đếm chừng dăm bảy con phố, là hết đường. Lấy mốc từ Chùa Cầu, bạn có thể đi dọc bến sông Hoài, cắt ngang dọc mấy con đường mà thoạt nhìn sẽ thấy chúng y hệt nhau, vài căn nhà cổ nổi tiếng, vài tiệm thời trang, mấy quán cà phê đèm đẹp. Nếu tiện, bạn còn có thể ghé qua chợ Hội An.

Viết những dòng này, không phải vì tôi chê Hội An nhỏ bé. Mà vì dù Hội An loanh quanh vài bước chân là hết, hẳn vẫn có lắm kẻ như tôi, cứ tranh thủ tạt qua mỗi khi có dịp, như kiểu các chàng trai trẻ cứ phải đi đường vòng để có thể ghé ngang qua ngõ có cô gái mình đang phải lòng. Nơi đó, có giàn hoa giấy nở rực rỡ trên cánh cổng sắt nép mình bên bức tường dài vàng ươm.

Nhung con hem vang uom

Thật lòng, đừng nói là cưỡi ngựa xem hoa, mà dù có ở lại giữa lòng phố bao nhiêu lần và bao nhiêu lâu chăng nữa, tôi vẫn thấy mình chưa thể nào hiểu hết được nơi này.
Huống hồ, lại chỉ định loanh quanh vài ba con phố.

Phải lòng những con hẻm nhỏ

Bạn hỏi tôi, sao cứ quay lại Hội An hoài vậy, tôi bảo mình không biết. Thật ra thì tôi biết, chỉ vì tôi sợ nếu mình nói ra, người khác cũng sẽ thích nơi này của tôi mất. Tôi muốn  giữ cho riêng mình những điều bí mật, những góc nhỏ tí hin mà lắm khi có chia sẻ chắc cũng chẳng mấy ai thèm bận tâm.

Như việc tôi phải lòng Hội An bởi những con hẻm nhỏ, phải lòng món cao lầu mì, phải lòng mấy giàn hoa giấy cứ bung nở bất chấp bao mùa mưa nắng. 

Nhung con hem vang uom Khách đến Hội An dễ “lạc” giữa mê hồn trận đèn lồng

Hẻm ở Hội An kỳ lạ lắm!

Chỉ cần bạn lạc bước vào hẻm, đi hút mắt một đường thẳng, sẽ thấy mình ra đến một con đường khác chừng như chẳng khác gì lối mình vừa rẽ vào. Hẻm cũng không có ngã rẽ ngang dọc. Đi dài theo những con hẻm bé xíu đó thảng hoặc sẽ xuất hiện một hai cánh cửa gỗ, vốn dĩ là cửa sau của một ngôi nhà mặt tiền phía trước. Cũng đúng thôi, đặc trưng của Hội An cũng chính là những ngôi nhà có chiều dài sâu hun hút. Một con hẻm, thành thử lại cũng chỉ dùng để nối hai ngôi nhà với nhau.

Dĩ nhiên vẫn có hẻm lớn hơn một chút, mà khi lạc bước vào, tình cờ, bạn tìm thấy một hai hàng quán nào đó xinh xẻo với giàn sử quân tử ngay trước hiên nhà. Chiều đó, bâng quơ thế nào, tôi lại tìm thấy một con hẻm cụt, chiều dài chỉ vừa đủ một căn nhà.

Hẻm của cô gái nhỏ “vì yêu mà đến”

Những tưởng mình đã biết đủ về Hội An, nên hôm đó, trên chuyến xe open tour dừng ngang, tôi chỉ định ghé qua dùng tô cao lầu, uống ly cà phê sữa rồi đi. Vậy mà quẩn quanh, tôi thấy cái bảng Alley Artist, ngó nghiêng nhìn vào thấy vài bạn trẻ đang ngồi ngay trong lòng hẻm uống nước và trò chuyện rôm rả.

Ơ lạ nhỉ?

Tôi cứ nhớ bao nhiêu lần đến, làm gì thấy cái hẻm nhỏ thú vị vậy đâu.

Thế là tôi quyết định dành hơn một giờ cuối trước khi lên xe để bước vào con hẻm kỳ lạ đó. 

Đón tôi là một cô gái trẻ bận tíu tít với những ly nước trong quầy, mang ra cho khách xong lại chạy vào quầy. Tôi không đếm được số lần cô vào ra như vậy trong không gian quán cùng con hẻm khá hẹp. Khách không quá đông nhưng rộn rã nói cười. Vài ba bộ bàn ghế nhỏ, có gối ôm, có khăn trải bàn hoa nhỏ li ti, có mấy lọ hoa tươi đặt trên mỗi bàn. Trong góc nhà, hương tinh dầu thoang thoảng. Đúng như chữ Artist gắn đằng sau cái tên Alley, quán treo khá nhiều tranh.

Nhung con hem vang uom
Thời gian như ngưng đọng hàng trăm năm nay trên bến sông Hoài

Ly trà chanh cô bạn pha cho tôi hơi chua, đúng kiểu ngày xưa tôi mới mở quán. Gần như mọi thứ đều cảm tính nhưng hương vị thì quen thuộc và dễ chịu vô cùng.

Khi khách đã vơi bớt, thấy tôi ngồi một mình, cô gái ấy đến bắt chuyện. Cô có vẻ ngoài mảnh dẻ, nhẹ nhàng, giọng Sài Gòn nhỏ nhẹ. Nghe nhiều hơn những câu chuyện đằng sau việc mở quán, tôi chợt cảm thấy ngưỡng mộ cô gái ấy.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, làm việc ở Sài Gòn, rồi cô đến Hội An, yêu Hội An, yêu luôn một chàng họa sĩ yêu Hội An và cuối cùng chọn nơi này làm điểm dừng chân. Dù cho cô gái đó quyết định chọn nơi này vì yêu một vùng đất hay yêu một con người, tình yêu đó thật mạnh mẽ và đẹp.

Vì tôi cũng từng phải lòng một người đang sống giữa những con phố này, cũng từng một mình vượt chặng đường gần ngàn cây số để gặp người dẫu chỉ trong vài giờ đồng hồ. Thì tôi, dẫu thích hẻm vàng hoa đỏ đó đến đâu, vẫn chẳng thể đành lòng bỏ hết những gì mình đang có, để bên người.

Trước lúc rời đi, chúng tôi mới kịp biết tên nhau, trao vội địa chỉ facebook cho nhau. Cô gái ấy còn bảo, lỡ có trễ xe phải ở lại Hội An, nhất định phải quay lại ăn cùng cô bữa cơm chiều, rồi cô sẽ nhường căn phòng khách cho tôi nghỉ chân.

Sau này, khi tôi trở lại, đôi bạn ấy đã thành một gia đình nhỏ. Quán Alley cũng đã đổi tên thành Chút café & handicraft.

Nhiều hơn là chỉ hẻm vàng hoa đỏ 

Những con hẻm vàng ươm giữa lòng phố Hội đã làm say đắm những ai từng đặt chân đến nơi này. Nhưng Hội An còn có nhiều hơn thế. Không chỉ là cửa hàng, là quán ăn, là những bộ trang phục từ lụa tơ tằm xinh đẹp, đây còn là nơi dừng chân của lắm người chân đi không mỏi bỗng tìm thấy một chốn bình yên. 

Nhung con hem vang uom
Ô cửa sổ ngập nắng trong một con hẻm ở Hội An

Như có lần tôi cùng bạn đến Rosie’s café nằm giữa con hẻm số 8 đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chúng tôi dùng một tách Espresso và lắng nghe câu chuyện tình yêu của đôi bạn chủ quán. Cũng là tình yêu, cũng vượt qua bao khó khăn để xây dựng nên một quán cà phê mang phong cách Âu châu thú vị và nơi đây đã trở thành địa điểm check-in thu hút không ít bạn trẻ Hội An lẫn du khách.

Rồi Le Fê cafétéria ở hẻm 69 Phan Châu Trinh lại là một không gian cà phê hoàn toàn khác. Cà phê được anh chủ quán ủ phin cẩn thận, để cho ra ly cà phê với từng giọt, từng giọt thơm nồng nàn. Chếch bên kia đường còn có một tiệm chay nho nhỏ không tên mà người dân Hội An thường ghé đến. 

Hay một lần ngang qua hẻm 47 Trần Hưng Đạo, bạn kể tôi nghe về anh họa sĩ Đức Bẹt và gallery của anh rồi rủ tôi một ngày nào đó quay lại Hội An phải ghé. Những Góc nhỏ Hội An (1) (2) (3) mà anh Đức tổ chức cho anh em họa sĩ tham gia triển lãm từng tạo nên tiếng vang không nhỏ. 

Nhung con hem vang uom
Ẩm thực Hội An luôn mang phong vị rất riêng

Hội An có quá nhiều con hẻm với bao câu chuyện thú vị mà dù có quay lại nơi này bao nhiêu lần đi nữa, tôi vẫn sẽ chẳng bao giờ thôi ngỡ ngàng. Ở miền đất đó, tôi đã gặp cô gái vì yêu mà ở lại, gặp chàng họa sĩ vì yêu phố mà dừng chân, gặp anh trai Hà thành trên đường phiêu lưu bỗng bị níu chân lại nơi này bởi một cô gái Pháp... Sau bao lần đến rồi đi, tôi vẫn luôn tự hỏi điều gì làm cho những phố, những hẻm nơi này luôn mang vẻ trầm mặc mà vẫn rực rỡ đến thế? Những mối nhân duyên kỳ lạ mà tôi đã gặp, đã chuyện trò khiến tôi tin rằng chính tình yêu đã khiến những giàn hoa giấy luôn bốn mùa khoe sắc suốt dọc dài mấy con hẻm vàng ươm. 

- Từ TP.HCM: bạn có thể đặt vé bay đến Đà Nẵng và di chuyển bằng xe bus để đến bến xe Hội An cách đó chừng 30km. Nếu dư dả thời gian, xe open tour cũng là một trải nghiệm thú vị để bạn được ngắm nhiều vùng đất khác nhau trước khi đến với 
phố Hội.
- Phương tiện đi lại: Hội An khá nhỏ nên bạn hoàn toàn có thể đi bộ để lang thang khám phá các con hẻm. Hoặc chỉ cần thuê một chiếc xe đạp là bạn thỏa sức vi vu ngắm cảnh và dừng chân tại bất kỳ góc phố nào. Lưu ý: khu vực phố cổ Hội An từ 17g hằng ngày cấm tất cả các phương tiện đi lại. 
- Giá cả ở Hội An khá dễ chịu. Khách sạn dao động nhiều mức giá và bạn có thể dễ dàng kiểm tra giá phòng cũng như chất lượng dịch vụ qua các trang đặt phòng uy tín như Agoda hay Booking.
- Khi mua sắm, với những sản phẩm may đo hay tranh, sản phẩm sẽ được gởi cẩn thận về tận khách sạn 
cho bạn. 
- Cao lầu mì, bánh bao, bánh vạc, cơm gà, bánh mì... đều là các món ăn nổi tiếng mà bạn nên thử khi ghé Hội An vì ở nơi khác khó có thể thưởng thức được đúng hương vị đó. Bất kể bạn chủ ý đến một quán nào đó hay chỉ vô tình lạc bước thì hương vị món ăn ở các quán không có quá nhiều sự cách biệt. Một lần lạc bước ở khu vực phố cổ, tôi đã tình cờ biết được nhà hàng Nostalife trong một con hẻm cụt ở đường Nguyễn Phúc Chu để rồi lần nào ngang đây cũng phải ghé qua quán để thưởng thức món cao lầu. Đặc biệt, món ăn nơi đây không chỉ đúng vị ẩm thực phố Hội mà giá còn rẻ bất ngờ.

Nguyên Lê
Ảnh: Phúc Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI