Học kỹ năng sinh tồn trước khi du lịch mạo hiểm

13/10/2017 - 08:35

PNO - Ngày 7/10 vừa qua, một cô gái tuổi 30 đã tử nạn khi đang trekking (đi bộ dài ngày) cung đường Tà Năng - Phan Dũng khiến giới phượt thủ chấn động.

Ngày 7/10 vừa qua, một cô gái tuổi 30 đã tử nạn khi đang trekking (đi bộ dài ngày) cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Một lần nữa, thông tin chấn động giới phượt thủ này nhắc những ai định du lịch mạo hiểm phải nắm chắc kỹ năng sống nơi hoang dã và thận trọng chọn người dẫn đường để bảo toàn tính mạng.

Hoc ky nang  sinh ton truoc khi  du lich mao hiem
 

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các chuyến đi phượt bằng xe máy, đi trekking hay chinh phục các đỉnh cao. Thiên nhiên, nơi hoang dã tươi đẹp và đầy bí ẩn luôn mời gọi sự khám phá của bạn, giúp bạn tìm ra con người can đảm, đầy ý chí hay dễ nản trước khó khăn bên trong mình. Thế nhưng, bạn đừng vào rừng, lên núi chỉ vì... thích. Hãy lượng sức, tập luyện tích cực và quan trọng nhất là phải học những bài học sinh tồn trước khi “xách ba lô lên và đi”.

Luôn luôn sẵn sàng

Cách đây vài năm, thông tin một khách du lịch bị cuốn trôi cả người và xe khi đi qua chiếc đập tràn vào khu nhà Ma rừng lữ quán tại Đà Lạt làm xôn xao cộng đồng phượt. Nhưng những đoàn khách lũ lượt kéo qua con đường ấy vẫn đi theo kiểu “hồn nhiên” - chỉ thuê một chiếc xe của khách sạn hoặc nhà nghỉ mà không hề kiểm tra máy xe, nhông sên, rãnh vân bánh... nên khi đổ những con dốc dài với độ nghiêng trên 45o, xe dễ bị trượt ngã.

Chưa kể, nhiều khách liều lĩnh “đổ đèo” bằng xe tay ga nên cũng dễ ngã ở các khúc cua. Một số khách, dù có ý thức thuê xe số gầm cao, lại chưa biết cách sử dụng số 1 và số 2 trên đường dốc hay nhiều đá, trơn trượt nên tai nạn vẫn xảy ra.

Tham gia một chuyến du lịch tự phát mang tính mạo hiểm, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng - từ phương tiện di chuyển, vật dụng bảo hộ, sinh hoạt, thức ăn, nước uống và đặc biệt là kỹ năng sinh tồn. Ví dụ, bạn nên xem bản đồ trước khi đi, tập sử dụng thành thạo điện thoại định vị vệ tinh. Bạn cần học cách tìm phương hướng phòng khi đi lạc, học cách phân biệt tiếng gió trên cây với tiếng suối để tìm nguồn nước trong trường hợp bạn cạn kiệt nước uống. Bạn thậm chí cần học cách lấy nước trong thân một số loại cây cỏ không có độc. Khi mưa xuống, bạn cần biết tránh sét nếu thấy giông gió, cần biết sử dụng giày hay dép tổ ong hợp lý để không lún vào bùn hay trượt ngã. Cần làm gì khi bị chuột rút, bong gân, lật cổ chân, bị vắt cắn...

Chọn người dẫn đường

Xem lại clip vụ tử nạn thương tâm của cô gái tên Q. ngày 7/10, có thể thấy đoàn khách trẻ đã cố tình vượt suối trong cơn lũ để kịp tới nơi hạ trại trước khi trời tối. Đây là lỗi cực kỳ cơ bản của hướng dẫn viên (guide).

Thông tin trên các diễn đàn phượt cho biết, guide của đoàn khách 15 người này chưa nhiều kinh nghiệm dẫn khách đi cung đường Tà Năng - Phan Dũng, nên khi trời đổ mưa vẫn hối khách vượt sáu con suối để tới đích. Con suối rộng khoảng 10m, nước ngang đầu gối, nên nhóm năm người đầu tiên đã vượt suối và gần đến được bờ bên kia. Đúng lúc ấy thì nước ở thượng nguồn ào ạt đổ về. Chỉ trong ít giây, con suối hiền hòa biến thành hung thần cuốn trôi cô gái trượt chân.

Anh Saba - một hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm trên cung đường này - cho biết, trước khi vượt suối, guide phải quan sát màu nước thật kỹ rồi mới cho khách qua. Trước khi lũ về, nước suối sẽ đục ngầu như màu đất. Khi đó, tuyệt đối không được liều lĩnh vượt suối, vì sau cơn mưa, nước lũ tràn từ thượng nguồn rất nhanh và mạnh. Một dòng suối trông hiền hòa nhưng có màu nước đỏ có thể dâng nước cao từ mức mắt cá chân lên tới bụng chỉ trong vài phút, sức nước đủ để cuốn cả người biết bơi. Đây là kiến thức sinh tồn một người đi rừng phải biết. Thế nhưng, trong đoàn khách này, cả guide và khách đã không chú ý, nên chuyện đáng tiếc đã xảy ra.

Một vấn đề cần đặt ra với dạng du lịch mạo hiểm là tính tự phát. Tà Năng - Phan Dũng đang là tour "hot" với những bạn trẻ, với các công ty muốn tổ chức hoạt động team-buiding khác lạ. Tuy nhiên, do không ai quản lý nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn ở những khu vực rừng núi heo hút đều bỏ ngỏ. Bất cứ người dân địa phương nào cũng có thể nhận dẫn khách lên núi. Một phượt thủ đi vài chuyến, thuộc đường cũng có thể lên mạng mời gọi khách và lập nhóm để đi, dù không hề có kinh nghiệm hướng dẫn. Khi tai nạn xảy ra, khách phần lớn không có bảo hiểm nên không được bồi thường. Việc cứu hộ, tìm xác cũng chủ yếu nhờ vào đồng bào dân tộc và công an địa phương, trong khi rừng núi mênh mông, có thể không có cả sóng điện thoại để cấp báo.

Trang bị thiết yếu khi đi rừng ngày mưa:

 - Giày: nên chọn loại giày nhẹ, đế còn gai bám đường. Nếu có loại giày mau khô càng tốt.
- Chuẩn bị 2-3 đôi vớ cho chuyến đi hai ngày. Có thể mua vớ dày để đi trực tiếp trong trường hợp giày ướt trở nên nặng nề.
- Nên chọn loại ba lô có trợ lực, có quai chắc chắn, có đệm và rãnh thoát nhiệt. Ngoài ra, ba lô nên có áo trùm tránh ướt.
- Các cửa hàng phượt đều có bán loại quần áo nhanh khô. Loại này rất nhẹ, thoải mái dù nắng hay mưa. Trong điều kiện có gió nhẹ, sau khoảng 30 phút đi bộ thì quần áo đã khô tương đối.
- Áo mưa và áo khoác: nên chuẩn bị hai áo mưa loại mỏng hoặc áo mưa bộ. Có thể mặc thay áo khoác, hoặc trải ra để nằm. Áo khoác thực sự cần thiết nếu buổi tối trên núi có nhiều gió và hơi nước. Nên chọn áo khoác có khả năng chống thấm.
- Túi chống nước cho điện thoại và cho đồ điện tử, máy ảnh. Túi ni-lông để bọc quần áo và đồ dùng.
- Đèn pin.
- Thuốc hạ sốt, tiêu chảy, sát trùng, băng cá nhân, thuốc chống muỗi, vắt...
- Nếu tự đi, cần chuẩn bị thêm lều, chiếu bạt, xoong nồi, thức ăn, than củi, bật lửa, bạt che mưa và thuê xe chở đồ. 

 Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI