Có một bảo tàng đến là chẳng muốn về

12/01/2018 - 07:00

PNO - Đập tan mọi định kiến “nhàm chán, khô cứng”, bảo tàng Siam tại thủ đô Bangkok, Thái Lan lôi cuốn khách tham quan vào dòng chảy ngược về quá khứ của mình.

Tôi được nhiều người khuyên rằng, khi đặt chân đến một vùng đất, muốn có cái nhìn sâu sát và chân thực về văn hóa, lối sống của cộng đồng nơi đó, thì một là ra chợ, hai là đến bảo tàng. Trong khi những khu chợ bình dân luôn tấp nập du khách thì bảo tàng lại không duy trì được nhịp độ ấy, bởi định kiến “khô cứng, nhàm chán” mà người ta đã gán cho nó từ rất lâu. 

Nằm ở mũi Nam đảo Rattanakosin (Bangkok), trong tòa nhà trước đây từng là trụ sở Bộ Thương mại, bảo tàng Siam gói gọn hàng ngàn năm lịch sử Thái Lan theo một phong cách hoàn toàn mới và sáng tạo, nhằm mang đến những trải nghiệm thật nhất cho du khách khi đến với xứ sở chùa vàng.

Nhờ khéo léo và thông minh trong việc ứng dụng công nghệ và thiết kế mà bảo tàng Siam luôn thu hút một lượng lớn khách tham quan mỗi ngày, dẫu không sở hữu nhiều vật trưng bày “chính gốc” như Bảo tàng Quốc gia. Đây là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Thái Lan được phát triển trên công nghệ Web 2.0. Điều này lý giải vì sao bảo tàng Siam hoạt động rất tích cực trên các kênh mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter.


Căn phòng đầu tiên tôi ghé qua là một thính phòng rộng, hơn 100 người ngồi xem bộ phim hoạt hình ngắn giới thiệu các chủ đề bảo tàng khai thác. Bộ phim kết thúc, chúng tôi được hướng dẫn di chuyển lên lầu, sau khi ghé thăm một căn phòng nhỏ trưng bày các mẫu vật đa dạng về Muay Thái - bộ môn võ cổ truyền của Thái Lan, vũ công cổ đại, nhà mồ, xe hàng rong và cả xe tuk tuk.

Co mot bao tang den la chang muon ve

 

Trong khi hầu hết các bảo tàng trên thế giới đều yêu cầu du khách không chụp ảnh hay chạm tay vào hiện vật, thì bảo tàng Siam lại… khuyến khích điều đó. Càng vào sâu và lên các tầng cao, bạn sẽ càng cảm nhận rõ sự chuyển mình của văn hóa Thái khi tiếp nhận các luồng văn hóa phương Tây.

Không diễn thuyết bằng lời, bảo tàng Siam để du khách tự trải nghiệm “sống thật” với một quầy mặc thử trang phục truyền thống Thái Lan, trò chơi bắn đại bác với mô hình có kích thước bằng nửa khẩu đại bác thật, vì vậy thông tin về lịch sử của đất nước này trở nên dễ nhớ hơn. Hay như việc đặt rải rác những màn hình khắp các góc phòng với những trò đố vui được cài đặt sẵn, cũng là một cách tương tác khá tốt, bởi du khách có thể tự kiểm tra kiến thức mà mình tiếp nhận được. Chưa kể một chiếc máy quay cổ điển vẫn còn hoạt động tốt minh họa cho sự phát triển của truyền hình Thái, cạnh đó là một quán cà phê mô hình mang tên “Bangkok Café” với phong cách thập niên 60.

Co mot bao tang den la chang muon ve
 

Sau khi tham quan hết ba tầng lầu, chúng tôi chưa vội quay trở xuống, mà cứ loanh quanh trong một cửa hàng nhỏ gần quầy lưu niệm. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ đây là một cửa hàng do một doanh nghiệp đấu thầu để được kinh doanh trong bảo tàng, nhưng thực chất, đó là nơi trưng bày những nguyên liệu, gia vị làm nên ẩm thực Thái Lan nức tiếng.

Khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi khu vực ấy, thì một nhân viên đã tiến đến và dịu dàng mời chúng tôi bước vào bên trong... một chiếc tủ lạnh. Hóa ra đó là cánh cửa dẫn đến khu triển lãm cuối cùng - một nhà hàng kiểu Tây với những món ăn bằng mô hình thật đến từng milimet được phục vụ tận bàn cho hết thảy du khách. Không thể làm chúng tôi no bụng, nhưng vẻ ngoài của những món ăn này lại làm mãn nhãn bất cứ ai. 

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI