Chiang Khan, điểm đến cho tình nghệ sĩ

07/08/2017 - 13:00

PNO - Một sớm cà phê, vô tình nghe giai điệu The Girl From Ipanema của Lisa Ono, tôi lại nhớ những ngày ở Chiang Khan vô cùng...

Chiang Khan có gì? Gần như chẳng có gì cả. Di tích? Danh lam? Núi? Biển? Tất cả đều không. “Vậy ta tới đó làm gì?” - “Thì phải tới đã rồi mới biết chứ...”. Câu trả lời vô tư của cô bạn đồng hành không làm tôi hứng thú hay tò mò gì sau hơn 10 tiếng vật vờ trên chuyến xe đêm đi từ Chiang Mai. 

Chiang Khan là một thị trấn của tỉnh Loei, nằm ven lưu vực chảy qua Thái Lan của sông Mekong. Đến Loei chưa chắc đã tìm ra được Chiang Khan, con phố dài thông ra đường lớn bởi hàng loạt cái “soi” (trong tiếng Thái nghĩa là ngõ, hẻm) bắt người ta phải đi bộ lòng vòng gần một tiếng đồng hồ để tìm được.

Còn nhớ, lúc vật vã kéo lê vali trong cơn đau đầu vì thiếu ngủ, tôi đã buột miệng hỏi bạn đường về lý do gì đã khiến bạn đưa cái chốn xa xôi hẻo lánh này vào lịch trình. Bạn bảo vì một bức ảnh, tôi lại hỏi trong ảnh có gì. Bạn chỉ đáp lại vỏn vẹn hai chữ: hành khất. Ừ, bộ dạng lúc đó hẳn cũng chẳng khác gì hành khất! 

Chiang Khan, diem den cho tinh nghe si
Các tăng lữ đang khất thực ở Chiang Khan.

Nhớ lúc vừa bước vào căn guesthouse bằng gỗ sau một hồi bạo dạn đập cửa đánh thức chủ nhà, tôi cũng chả buồn quan tâm nó đẹp thế nào (dù nó đẹp thật), chỉ muốn ngủ và ngủ. Vậy mà khi vừa nhìn ra ban công và ngồi lên giường, chúng tôi đã quyết định ở lại đây lâu hơn dự kiến. Chiang Khan gây ấn tượng trước hết là ở những căn nhà gỗ trải dài và san sát nhau. Mỗi nhà một vẻ, dấu ấn người chủ cũng toát ra từ phong cách của từng căn nhà. 

Con đường nhỏ hẹp bên trong thị trấn men từ khu phố ra tới tận bãi bờ sông Mekong, dẫn ra đường lớn bằng hai mươi mấy cái “soi”. Chiều tối, người dân lẫn khách cùng đổ ra đường để đi dạo và mua những đồ lưu niệm mộc mạc, đáng yêu. Trên đường chỉ có xe đạp, vespa, xe hơi cổ và vài chiếc minivan để chở khách du lịch. Những ngày tháng Bảy ở Chiang Khan, trời không nắng, cũng chẳng mưa, chỉ nhiều mây và lâu lâu rải xuống vài hạt mưa phùn. Tất cả biến Chiang Khan thành một nơi thanh nhàn, gần gũi và có gì đó rất nghệ sĩ. 

Chiang Khan, diem den cho tinh nghe si
Hoàng hôn trên sông Mekong

Nói thị trấn này là chốn nghệ sĩ cũng đúng. Sau khi vấp chân làm rớt hết chồng đĩa nhạc của anh chủ nhà xuống, tôi phát hiện ra anh có cả một bộ sưu tập đĩa nhạc của Lisa Ono. Thấy tôi vừa loay hoay xếp lại đĩa vừa nhìn kỹ từng cái bìa, anh hỏi ngay: “Bộ cậu cũng thích Lisa Ono à?”.

Rồi từ từ dạo khắp căn nhà, tôi mới té ra mấy trăm tấm postcard anh treo khắp nơi đều là do chính tay anh chụp. Mấy ai biết đằng sau vẻ ngoài khẳng khái, bình dân, đây từng là một giảng viên về nhiếp ảnh. Bảo với tôi rằng “chán đời, chán việc”, anh mới cùng bạn gái mở guesthouse với niềm vui thú được đón bao lữ khách mỗi ngày.

Cô bạn gái hay cười của anh còn là tay pha chế đồ uống và nướng waffles ngon nhứt thị trấn. Nhắc đến nghệ sĩ, tôi còn nhớ cả anh giám đốc kinh doanh tập đoàn nội thất lớn nhất nhì đất Thái, từng là golf thủ, biết chơi guitar, piano, violin, sưu tập đồ cổ, đi hơn chục nước... nhưng rồi cũng vì cái lý do bâng quơ là “chán” mà bỏ việc về đây nướng bánh pha trà, chăm sóc vợ con. Rồi còn có hàng tá nghệ nhân đan vòng, đan giỏ, nghệ sĩ đàn ca múa hát tỏa khắp con đường từ chiều đến tối nữa...

Lại nói về bức ảnh hành khất. Dù đó chính là lý do thôi thúc cô bạn đồng hành tới được đây, nhưng rõ ràng sự đời oái ăm vốn là ở giấc ngủ. Những cuộc hành khất từ ban mai của nhà sư có lẽ chưa đủ thiêng liêng để bạn tôi thức kịp để ngắm nhìn. Xem như ước nguyện ban đầu của cô gái thờ đạo… ngủ đã phá sản, nhưng những ngày ở Chiang Khan đã thực sự rất đẹp. 

“See you next year!” - câu chào tạm biệt tiếng Anh duy nhất mà anh chủ nhà có thể nói cũng là lời hẹn mà nhiều du khách muốn thực hiện. 

Hữu Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI