Bạn ơi, đi với tôi về Moscow...

12/10/2019 - 07:37

PNO - Hạnh phúc nhất trong những ngày trở về Moscow chính là những giờ phút được lang thang vô định. Khung cảnh bình yên và đẹp đẽ đến mức khiến ta có thể lặng người đi vì cảm động và sung sướng.

“Bạn ơi, đi với tôi, lên đỉnh núi khi trời chiều.
Đỉnh non của Lê-nin, lòng chan chứa tình yêu.
Bạn ơi, ta ngó sang thành Mạc Tư Khoa phía kia đồi.
Từ trên đỉnh núi cao nhìn rộng đến chân trời...”…

Hình như những ai từng học ở nước Nga vào khoảng thập niên 60 - 90 của thế kỷ trước đều biết bài hát này. Giai điệu thiết tha mà mạnh mẽ, lời hát tràn ngập yêu thương và niềm tự hào khi được kể, được mời gọi mọi người ngắm nhìn thành phố Moscow thân yêu còn đeo đẳng da diết nhiều người mãi đến nhiều năm sau, khi họ đã rời nước Nga. 

Cũng là điều đáng ngạc nhiên khi từ ngày cuộc sống phát triển hơn, người Việt Nam được sống thoải mái hơn, thì tour du lịch đi Mỹ, Anh, Pháp, Ý… hay các nước Đông Nam Á được chào bán đầu tiên, chứ không phải là Nga.

Ban oi, di voi toi ve Moscow...
Lâu đài của quý tộc Nga thế kỷ XVI

Một nước Nga đau đáu trong lòng hàng chục thế hệ yêu văn chương, yêu con người và đất nước Nga xô viết đã từng sát cánh bên Việt Nam vào thời kỳ chiến tranh lại là điều hình như quá xa vời và khó khăn. Cho đến khoảng năm, bảy năm trở lại đây, các công ty du lịch mới bắt đầu hình thành những tour đi Nga.

Bên cạnh các tour được tổ chức một cách chuyên nghiệp, còn có một kênh du lịch Nga đặc biệt dễ thương. Đó là khi những cựu sinh viên, những cựu nghiên cứu sinh hay những người đã từng làm việc ở Nga trở thành những hướng dẫn viên tình nguyện, đưa bạn bè, người thân cùng mình trở về Nga, trở về vùng đất lưu giữ thời thanh xuân của mình. 

Vào một ngày cuối tháng Chín, giữa mùa thu chín của Nga, tôi cũng làm một hành trình trở về kỷ niệm như thế, cùng một cô bạn chưa từng đến Nga. Cô bạn ấy đã từng đặt chân đến 20 nước trên thế giới và đã nhiều năm mơ ước đến Nga - đất nước của những nhà thờ hình củ hành dát vàng lấp lánh, của Quảng trường Đỏ vang tên trong lịch sử thế giới, của những cung điện nguy nga. Và tôi, một người từng sống, học tập ở Nga một thời tuổi trẻ, muốn đưa cô bạn thân về thành phố Moscow cùng tôi, để kể một câu chuyện của kỷ niệm.

Câu chuyện của kỷ niệm

Ngay từ trước chuyến đi, cô bạn đã luôn háo hức nói với tôi: “Trước tiên, ta đến quảng trường Đỏ, chị nhé! Em muốn chụp hình ở đó, nhất là cái nhà thờ nổi tiếng…”. Có ai đến Moscow mà không lên Quảng trường Đỏ, trái tim của nước Nga. Dù có chiêm ngưỡng nó hàng trăm lần trên ảnh thì chỉ càng làm thôi thúc thêm mong muốn được nhìn thấy nó ngoài đời. Câu chuyện về vị Sa hoàng độc ác đã cho đâm mù mắt kiến trúc sư xây nên nhà thờ này, để ông không thể xây thêm được một nhà thờ đẹp như thế càng khiến người ta háo hức mê say nó hơn.

Ban oi, di voi toi ve Moscow...
Điện Kremlin - trái tim của nước Nga

Mà cũng lạ, hơn sáu năm sống ở Nga, có hàng trăm lần đến đây (vì trường tôi gần đó), chưa bao giờ tôi mất đi niềm hứng thú lên Quảng trường Đỏ. Và bây giờ, khi trở lại Nga sau gần 30 năm xa cách, nơi đầu tiên tôi muốn tới, tất nhiên cũng là chốn quen thuộc này. Quảng trường Đỏ bây giờ khác với Quảng trường Đỏ ngày xưa của tôi. 

Cây cầu kính bềnh bồng nhô ra ngoài dòng sông vô cùng lãng mạn. Ngôi nhà thờ bên cạnh Bảo tàng Cách mạng từng bị phá sập, nay được xây lại tuyệt đẹp. Phía sau nhà thờ xuất hiện một công viên sinh thái với hàng trăm loại hoa cỏ lạ và đẹp từ khắp nước Nga được mang về đây. Sau Bảo tàng Cách mạng, trên quảng trường thênh thang, cứ vài tuần người ta lại trang trí thật đẹp mắt.

Ngày tôi vừa đến, nơi đây là những gian hàng trang trí toàn bằng hoa lộng lẫy. 20 ngày sau trở lại để chia tay với quảng trường Đỏ đã thấy những cánh đồng hoa cúc đủ màu mênh mông, cứ như mình lọt vào một nơi hoàn toàn khác.

Quảng trường Đỏ hôm nay có thêm một khúc của dòng sông ngầm, phía vườn Alekxandr, nơi người ta đặt tượng các nhân vật trong truyện cổ tích Andersen. Ai cũng cố nhón qua dòng nước để chạm vào con cá vàng của ông lão đánh cá. Và ở ngay cây số 0 trên Quảng trường Đỏ, người ta chờ nhau để tung đồng xu may mắn cầu ước. Điều này 30 năm trước khi tôi còn ở Moskva chưa từng có.

Dù rằng cô bạn gái nói chỉ cần đến Quảng trường Đỏ và chụp hình với nhà thờ St.Basil là thỏa mãn lắm rồi, chúng tôi vẫn dành ra ba ngày để ghé qua những điểm đến quan trọng nhất của Moscow, cũng là những nơi lưu giữ bao kỷ niệm của bất cứ ai từng sống, học tập, lao động ở Moscow.

Ban oi, di voi toi ve Moscow...
Nhà thờ St.Basil trên quảng trường Đỏ

Đó là lang thang và ngắm các gian hàng lưu niệm, các tiểu cảnh, nghe nhạc và xem các họa sĩ vẽ tranh trên con phố cổ Arbat, thăm khu triển lãm các thành tựu kinh tế quốc dân, ghé vào hai khu thương mại lớn nhất của Liên bang ngày xưa và nước Nga bây giờ: GUM và SUM, leo lên đồi Lê-nin (nay đã lấy lại tên từ ngày xa xưa, một cái tên dễ thương: đồi Chim sẻ)… những địa chỉ ấn tượng

Chuyến trở về Nga lần này, tôi nhất định ghé thăm vài địa danh gắn liền với những tên tuổi, những con người làm nên nền văn hóa vĩ đại của đất nước này. Thời sinh viên, tôi đã từng tìm đến những ngôi nhà - bảo tàng Maksim Gorky, Chekhov, Dostoyevsky… sau hàng chục năm, đó vẫn là những địa chỉ ấn tượng nhất.

Tôi đã đến thăm ngôi làng của các nhà văn Nga nằm trong những cánh rừng rộng lớn. Đa số là dạng nhà nghỉ đơn sơ, xinh xắn, thơ mộng. Chẳng có nhiều thời gian, chúng tôi chỉ kịp ghé thăm bảo tàng của nhà thơ Eptusenko và nhà nghỉ của nhà văn Pasternak.

Trong bảo tàng của nhà thơ Eptusenko, tôi đã được ngắm nhìn vô số bức ảnh quý giá của ông. Với chiếc máy ảnh Nga đơn sơ, ông đã ghi lại bao khuôn mặt con người bình dị, sống động nhất. Và ngạc nhiên, cảm động biết chừng nào khi trong những loạt ảnh quý giá đó, tôi được nhìn thấy những bức ảnh ông chụp đất nước ta. 

Từ một nơi trang trọng như bảo tàng của Eptusenko bước sang ngôi nhà nghỉ ngoại ô của nhà văn Pasternak (nhà văn Nga được giải thưởng Nobel năm 1958) là một không gian bình yên, giản dị, nhẹ nhàng. Sự giữ gìn chu đáo, đầy trân trọng của đất nước này với những ký ức văn hóa khiến người ta phải ngưỡng mộ.

Ban oi, di voi toi ve Moscow...
Búp bê Matryoshka

Từ những vật dụng cũ kỹ được bảo tồn một cách tự nhiên cho đến những chậu cây, bông hoa trên bệ cửa sổ vẫn luôn xanh tươi. Dường như cuộc đời của những nhà văn ấy vẫn còn tiếp diễn trong đời sống hôm nay.

Và còn vô số điểm đến quý giá cho những người “trót” mang nặng tình yêu văn học Nga như tôi. Là cụm tượng đài nhà văn Skolokhov giữa công viên rộng mênh mông. Lá vàng rơi lác đác trên những trang bản thảo đúc bằng đồng nằm trên mặt đất… 

Một đời sống bình dị, nhẹ nhàng

Thế nhưng có lẽ đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất trong những ngày trở về Moscow chính là những giờ phút được lang thang vô định. Đó là buổi dạo những ngôi chợ nông trường với các gian hàng trái cây, rau củ quả, thịt cá trứng sữa đầy màu sắc và mùi vị.

Bao nhiêu năm ở Việt Nam, tôi vẫn chưa thể nào quên được mùi hương của những trái táo. Trái cây nhập khẩu sang Việt Nam có lẽ đã được giữ lạnh đến cả tuần, cả tháng nên hương thơm chẳng còn. Cho nên đến Nga, tôi luôn tìm mọi dịp để hít hương táo. Hàng chục loại táo với màu sắc và mùi vị khác nhau khiến tôi no nê cảm nhận và sự thích thú. Nho, lê và nhiều loại trái cây được các bà cụ Nga hái lượm trong rừng, trong vườn nhà cứ thơm nức hương mùa thu.

Ban oi, di voi toi ve Moscow...
Chợ IzMailopxki

Đó là những buổi dạo chơi trong các cánh rừng - công viên giữa lòng thành phố. Mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm của nước Nga, đang về. Rừng thu thơm tho và yên tĩnh. Cây cối hát bản nhạc màu vàng với những tông bổng trầm khác nhau. Những chú sóc chạy thoăn thoắt trong rừng, những chú vịt trời bơi lững lờ trên đầm lầy. Thỉnh thoảng, chúng lại đập cánh bay lên, kêu những tiếng khàn khàn quàng quạc báo hiệu một mùa di cư bắt đầu...

Khung cảnh bình yên và đẹp đẽ đến mức khiến ta có thể lặng người đi vì cảm động và sung sướng. Chỉ có ở đó, bạn có thể hít căng lồng ngực, cảm nhận không khí rừng, mùi vị rừng và quên mất rằng đang ở giữa một thủ đô lớn có nhịp sống vô cùng sôi động. 

DÀNH CHO NGƯỜI LẦN ĐẦU ĐẾN NGA
* Làm visa đi Nga có dễ không? 
Cực kỳ dễ và đơn giản: chỉ cần thư mời, tờ khai, passport 
Phí làm visa: 720.000 đồng.
Khi xin visa, hãy ghi rõ những thành phố bạn sẽ đến. 
Nếu bạn có người quen đang sống ở Nga thì có thể nhờ họ làm thư mời. Chi phí thư mời cho hai người: 6.000 rúp. 
* Vé máy bay
Lúc đầu, tôi dự định mua vé máy bay của hãng Emirates nhưng mất đến 15 giờ bay, chờ quá cảnh ở Dubai nên sau đó, tôi quyết định mua của Aeroflot - bay thẳng hết 10 tiếng.  
* Hải quan Nga
Khi máy bay hạ cánh, hãy nhanh chóng tới cửa hải quan. Có năm làn cho người Việt ở bên phải khu hải quan. Không được mang theo rau hay thịt tươi sống hoặc đồ cấm khác vào Nga.
* Ngôn ngữ 
Người Nga hầu như không sử dụng 
tiếng Anh. 
* Thẻ tàu điện ngầm
Bạn chỉ cần mua thẻ 500 rúp, dùng hết rồi lại đóng thêm tiền là có thể đi metro và xe buýt. Hệ thống tàu điện của Nga không khó đi, chỉ cần nhìn vào line màu. 
* Thẻ điện thoại + 4G: 
Nếu đi khoảng 1 tuần đến 10 ngày, bạn nên mua thẻ khoảng 350 rúp, gọi điện và dùng 4G thoải mái. 
* Chỗ nghỉ
Bạn có thể đặt phòng trên booking, giá ở homestay hoặc căn hộ khoảng từ 400.000 đồng/đêm cho hai người. 
* Tiền tệ
 Nga dùng đồng rúp. 100 rúp = 36.000 đồng.

Song Văn

Ảnh: Cao Xuân Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI