Nhà cung cấp đuối lý, BigC cũng... bạc tình

05/07/2019 - 06:25

PNO - Nhiều nhà cung cấp cho rằng, dù hợp đồng của họ đã hết nhưng cách mà BigC ngưng nhập hàng đột ngột bất chấp những rủi ro họ phải gánh thì không giống cách làm ăn của đối tác với nhau.

BigC ‘nặng tay’ thanh lọc đối tác Việt

Chiều ngày 4/7, trong cuộc họp với Bộ Công thương, phía Central Group - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC tại Việt Nam thông tin, sẽ mở ngay đơn hàng cho 50 nhà cung cấp. Cùng thời điểm BigC công bố thông tin này, một số nhà cung cấp  hàng đã nhóm họp cùng nhau tại TP.HCM, họ cho rằng, thông tin còn quá chung chung. Và động thái này chỉ để "xoa dịu" các doanh nghiệp may mặc đối tác trong thời điểm hiện tại. 

Nha cung cap duoi ly, BigC cung... bac tinh
Nhà cung cấp hàng may mặc cho BigC bức xúc trước hành động ngưng đơn hàng của siêu thị

“Sâu xa về vấn đề có thể thấy việc ngưng đơn hàng của các nhà may mặc đối tác của BigC hoàn toàn không bình thường. Nếu chỉ đơn giản là tái cơ cấu thì không nhất thiết phải tạm ngưng toàn bộ tất cả các nhà cung cấp vào một thời điểm”, đại diện đơn vị may mặc tên Đ. đặt vấn đề.

Một nhà cung cấp tên Dung cho biết, trước giờ chị làm việc với rất nhiều siêu thị không chỉ riêng BigC, nên bản thân chị không muốn gặp vấn đề với siêu thị. Tuy nhiên, để mình phải ra mặt để “đấu tranh”, hay phản ứng như thế với BigC thì hoàn toàn không muốn, nhưng vì anh em công nhân những người đã gắn bó với mình hơn chục năm nên phải ra mặt bảo vệ họ.

Trước “tin vui” BigC mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp, chị Dung cho hay, không thấy có nhiều hy vọng ở động thái bày của BigC. Với các nhà cung cấp, khi đưa hàng vào BigC hay bất kỳ siêu thị nào, họ duy trì được doanh thu không chỉ từ đơn hàng mà nhờ rất nhiều vào chương trình khuyến mãi. Khi siêu thị chạy các chương trình khuyến mại, tên nhà cung cấp được đăng tải thương hiệu trên các ấn phẩm của siêu thị,…

“Phía BigC chỉ mở đơn hàng thường mà không chạy khuyến mãi được, hay thậm chí BigC mở đơn hàng chỉ để làm đúng cam kết lỡ ký với nhà cung cấp rồi thì số lượng hàng không bao nhiêu cả, nó không giải quyết được nhiều lượng hàng tồn kho của bên đơn vị tôi và các nhà cung cấp khác”, chị Dung nói.

Nhà cung cấp này cho hay, hiện cơ sở của chị còn hàng tồn kho khoảng hơn 20 tỷ đồng. Nếu BigC không muốn hợp tác nữa thì phải cho bên cung cấp hàng như chị có lộ trình từ 6 tháng để có thể giải tồn hết lượng hàng hoá đã lỡ sản xuất cho họ. Để công nhân của chị có thời gian tìm việc khác đúng với thu nhập hiện giờ.

Một đại diện khác của công ty may Đ. T  cũng đưa ra quan điểm tương tự vì nếu BigC không nhập hàng thì thiệt hại cho doanh nghiệp Việt rất lớn. Thời gian các đơn vị này chuẩn bị hàng cho BigC phải từ 3-6 tháng trước khi giao và hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu may mặc rất nhiều. 

"Phía BigC hứa 2 tuần nữa sẽ giải quyết thỏa đáng. Nhưng phía công nhân, không có việc để giao liên tục trong 2 tuần họ sẽ hoang mang và đi tìm việc chỗ khác. Doanh nghiệp dễ phá sản, riêng công ty của tôi là đã đến 300 nhân sự",  Đại diện may mặc V. nói.

BigC ‘nắm đằng chuôi’, DN Việt bị động

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho biết, về mặt pháp lý phía các đơn vị cung ứng hàng may mặc Việt Nam đã bị “việc vị”, pháp lý bị “lủng” ngay từ đầu.

Ông Hậu phân tích, một nhà cung cấp hàng hoá khi muốn đưa hàng vào một hệ thống siêu thị thì phải cam kết, thoả thuận ngay từ đầu các hạng mục như: thời gian bao lâu, mức chiếc khấu bao nhiêu... Thứ hai, là yêu cầu đối phương không được đơn phương chấm dứt hoặc cắt ngang đơn hàng tránh bị ảnh hưởng đến doanh thu.

Nha cung cap duoi ly, BigC cung... bac tinh
Đông đảo công nhân, doanh nghiệp may mặc kéo băng rôn phản đối BigC ngưng nhập hàng hôm 3/7

Dù vậy, theo ông Hậu, kênh siêu thị cũng chưa hẳn là con đường rộng cửa cho hàng Việt. Cụ thể, muốn đưa sản phẩm vào siêu thị thì doanh nghiệp phải “cõng” rất nhiều khoản phí như: quảng cáo, bán hàng, giá-kệ,… điều này nhiều doanh nghiệp sống dở, chết dở.

Luật sư Hậu cho rằng, khi đưa hàng vào siêu thị phải có thoả thuận, hợp đồng rõ ràng vì phải đảm bảo tính pháp lý trước. Trường hợp này pháp lý bị “lủng” cho nên khó đòi quyền lợi. Đây là bài học để các đơn vị hiểu rõ và vận dụng pháp lý tốt hơn.

Nhà cung cấp phải lựa chọn kênh phân phối phù hợp trước sự cạnh tranh khốc liệt. Đồng thời, cần lường được rủi ro để đưa vào hợp đồng. Cơ bản, hiện nay chiết khấu của mỗi siêu thị mỗi nơi khác nên phải chặt chẽ về mặt về pháp lý.

Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc phân biệt đối xử hàng Việt ở BigC

Liên quan đến thông tin Big C từ chối nhận hàng may mặc Việt Nam. Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 4/7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm tra liệu có tình trạng phân biệt đối xử với hàng hoá Việt Nam ngay trên lãnh thổ không? Phó Thủ tướng cũng cho biết, trước đó từng nghe những cảnh báo về tình trạng này.

Nhìn rộng ra, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với bài toán pháp lý chứ không thể đtrông chờ vào “giao tình”. Cần phân tích những điểm lợi thế và bất lợi trong hợp đồng (nếu còn thời hạn). Trường hợp kí mới, cần thỏa thuận chiết khấu hợp lý lâu dài, đưa các điều khoản rủi ro và cách giải quyết cụ thể để bảo vệ DN của mình.

Như báo Phụ Nữ TP.HCM đã thông tin, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương (chiều 4/7), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đã tiếp nhận thông tin về việc BigC ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam ở chuỗi siêu thị này. 

Trước những bức xúc của các Doanh nghiệp Dệt may trong nước liên quan tới vấn đề này, sáng 4/7, Bộ Công thương đã tổ chức một cuộc họp, trong đó có sự tham dự của Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC, cùng đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hệ thống bán lẻ BigC Việt Nam với 200 nhà cung cấp về hàng may mặc tại hệ thống phải giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký và tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

“Quan điểm một mặt hoan nghênh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, song kiên quyết bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam”, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Sau buổi làm việc, bước đầu BigC cam kết ngay trong hôm nay (4/7) sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp Việt Nam. Trong 10-14 tuần tới, BigC sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị còn lại. Sẽ có 100 doanh nghiệp khác tiếp tục được mở đơn hàng.

Với 50 nhà cung cấp còn lại, BigC cho hay sẽ tiếp tục làm kỹ hơn vì chưa đáp ứng được quy định và cam kết như đã ký. Tập đoàn Central Group khẳng định, mọi việc họ làm vẫn tuân thủ đúng nội dung tinh thần hợp đồng đã ký với các nhà cung cấp Việt Nam cũng như pháp luật Việt Nam.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI