Phép màu của “ông bụt” áo trắng

28/02/2017 - 06:30

PNO - Lần theo địa chỉ trong hồ sơ bệnh án, bác sĩ Trang Đắc Hiếu đã tìm đến tận nhà tôi ở An Giang, kêu tôi trở lại bệnh viện để chữa trị tới nơi tới chốn.

Năm nào cũng vậy, ngày Thầy thuốc Việt Nam luôn gợi cho tôi nhớ đến một người với bao cảm xúc thương kính, quý mến, trân trọng và vô cùng biết ơn - một vị tiên áo trắng trong cuộc đời không may của tôi. 

Căn bệnh sốt bại liệt làm đôi chân tôi rất yếu, bước thấp bước cao tôi cứ bị vấp té hoài. Nhất là khi đi học, đường ở quê trời mưa trơn trợt thì thật là khổ. Đầu thập niên 1960, vừa học xong phổ thông thì cũng là lúc có đoàn bác sĩ thiện nguyện của Hoa Kỳ sang Việt Nam hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy, giải phẫu chỉnh hình cho những bệnh nhân kém may mắn như tôi. Ôi, biết bao nhiêu là vui mừng, cả gia đình ba má, các anh tôi ai cũng như bắt được vàng, hy vọng số phận của con mình, em mình sẽ được thay đổi; sẽ được bước đi trên đôi chân lành lặn, khỏe mạnh như bao người bình thường khác.

Phep mau cua “ong but” ao trang
 

Mà nhà nghèo quá, má tôi cố xoay xở, vay mượn chỗ này chỗ nọ mới được một ít. Đâu ngờ việc mổ xẻ lại kéo dài cả mấy năm trời. Vì mỗi lần mổ xong một chỗ, băng bột lại, chờ vài tháng cho lành, cắt bột, chụp phim. Nếu bác sĩ xem chưa ổn, cho nghỉ dưỡng ít tuần là phải lên bàn mổ lại. Một chỗ phải mổ lại nhiều lần là chuyện bình thường, mà tôi bị tật cả hai chân. 

Lúc đó bác sĩ De Palma và bác sĩ Trang Đắc Hiếu (là giám đốc bệnh viện) đứng mổ chính. Tất nhiên cả bác sĩ Mỹ và Việt đều không nhận thù lao nhưng tiền ăn, tiền phòng, tiền thuốc men cho người bệnh cũng đâu có ít. Khi việc điều trị tiến triển được nửa đường thì má tôi hết xoay xở nổi, không còn có thể mượn cậy ở đâu nữa. Đành phải đem tôi về quê trong nỗi thất vọng, bất lực. Như người bị rơi xuống vực thẳm, nhưng tôi chỉ dám khóc thầm vì sợ ba má buồn thêm...

Thế rồi “ông bụt” hiện ra. Lần theo địa chỉ trong hồ sơ bệnh án, bác sĩ Trang Đắc Hiếu đã tìm đến tận nhà tôi ở An Giang, kêu tôi trở lại bệnh viện để chữa trị tới nơi tới chốn, ông sẽ giúp đỡ hết chi phí. Hơn một năm sau tôi được xuất viện. Dù không hoàn toàn bình thường như người không có bệnh tật gì nhưng tôi đi đứng khỏe hơn, tốt hơn trước rất nhiều. Tôi đi học trở lại rồi đi làm, tự sống được bằng sức lao động của mình. Trong cái rủi bị tật nguyền cũng có cái may, gặp được người tốt, tôi như được sinh ra lần nữa. 

Trải qua bao nhiêu năm rồi mà tôi có cảm giác như mọi chuyện mới xảy ra hôm qua. Dáng dấp người thầy thuốc giàu lòng nhân ái đẹp như tiên ông vẫn đậm nét trong tâm trí tôi. Tôi luôn thắc mắc, không biết bây giờ ông ở nơi nào, có khỏe không? Nhà ông ở đâu? Phải chi mình biết để thỉnh thoảng được ghé thăm, được nhìn thấy, được cầm tay ông...

Năm đó ông khoảng 45 tuổi, rất đẹp người, nhìn rất sang, khuôn mặt chữ điền, mắt một mí. Cốt cách nghiêm trang nhưng toát ra vẻ rất hiền từ, nhân hậu, trầm tĩnh. Nhớ một lần khi cắt bột xong, tôi được đưa về ngồi ở băng đá hành lang sau của trại. Khi cô y tá lau rửa vết thương cho tôi, đau lắm nhưng tôi ráng nín thở chịu đựng, không dám nhúc nhích, từ xa ông thoăn thoắt đi lại nghiêm giọng: “Cô nhẹ tay giùm một chút đi, không thấy bệnh nhân đau sao?”. Cô y tá luống cuống xanh mặt, còn tôi thì trào nước mắt cảm động vì được quan tâm, chia sẻ.

Cho tới bây giờ, lần nào nhớ đến ông, tôi cũng không cầm được nước mắt. Ông là giám đốc bệnh viện, nhưng việc gì cần làm và tốt cho bệnh nhân là ông không từ chối. Ông “kiêm” luôn cả kỹ thuật viên cắt và băng bột. Ông cũng phụ khiêng, bồng ẵm bệnh nhân từ dưới băng-ca lên cái bàn cao để cắt băng. Có khi ẵm một bệnh nhân nam rất nặng, ông phải dùng hết sức mình rồi đứng thở vì mệt. Tôi chưa thấy ông bác sĩ giám đốc nào vì công việc, vì bệnh nhân của mình đến như vậy. Thương ông biết bao nhiêu.

Ban ngày đã vất vả, đến đêm khi cô y tá trực đã yên giấc, bóng áo trắng của ông vẫn đi rảo qua các giường bệnh, coi có người nào mới mổ còn đang đau nhức rên rỉ thì ông cho thêm thuốc giảm đau. Lúc nào ông cũng nhẹ nhàng ân cần với người bệnh. Tôi sợ nhất là lúc cắt bột, tiếng rít của chiếc máy cắt nghe ghê lắm, lần nào tôi cũng sợ xanh xám cả mặt và ông lúc nào cũng dịu dàng “không sao đâu cháu, chỉ chút xíu là ổn thôi mà”.

Trong đời người, nếu ai cũng có một thần tượng để hướng về, để trân trọng, quý mến thì thần tượng của tôi là bác sĩ Trang Đắc Hiếu. Tôi luôn nghĩ về ông để sửa mình, để mở lòng với mọi người và để mỗi ngày phải sống tốt hơn như những gì ông đã làm, đã dành cho mình, cho mọi người. Ông bác sĩ đáng kính, ở một nơi nào đó xin ông hiểu rằng lúc nào con cũng nhớ đến và yêu kính ông - ông bụt của con. 

Kim Oanh

(H.Hóc Môn, TP HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI