Chạm tay vào ký ức

23/01/2019 - 14:35

PNO - Chỉ biết rằng, thời gian qua đi và con cái đều lớn khôn. Đôi khi chúng ta vô tư bỏ quên đâu đó nỗi niềm đau đáu của cha mẹ.

Hà biết mẹ giận nên lẳng lặng thu dọn chén bát đi rửa. Cô lén nhìn theo dáng bà đi ra phía vườn lặng lẽ chăm mấy cây húng quế vừa lên. Mấy ngày nay mẹ ốm nằm bẹp trên giường, cộng với việc đang giận con gái nữa nên hai mẹ con chẳng ai nói với ai câu nào. Lỗi nằm ở phía Hà, cô biết nên chỉ tích cực làm việc nhà hơn, những mong lấy công chuộc tội.

Hà mới thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh và nhập học hồi khai giảng đầu năm học mới vừa rồi. Cả nhà chỉ một mẹ một con, việc mẹ Hà đồng ý cho Hà đi học xa cũng là một sự cố gắng của bà, không nói về khía cạnh vật chất. Bà lo lắng "nước xa không cứu được lửa gần". Con gái có điểm gì đi chệch đường ray khi tiếp cận nhiều yếu tố ở môi trường mới, bà không trực tiếp nắm bắt và uốn nắn được.

Cham tay vao ky uc
Ảnh minh họa

Thì nay, điều bà lo lắng mơ hồ nhất cũng đã tới. Mới lên thành phố học được gần nửa năm, Hà đã "dao động" bởi nhóm bạn "sang chảnh" người thành phố. Rằng con gái thời nay còn ai để tóc dài quá vạt áo và tết đuôi sam nữa, nhìn quê chết đi được. Ngó qua ngó lại, trong lớp chuyên văn Hà theo học, con gái chiếm áp đảo sĩ số của lớp nhưng chẳng ai trung thành với kiểu tóc cổ điển như cô nữa. Ai cũng thay đổi kiểu nọ mốt kia, hay ít nhất cắt ngắn và lên mầu. Công nhận nhìn bọn họ hợp mốt và hiện đại thật.

Mái tóc dài vốn là niềm tự hào không chỉ của chính cô mà còn của mẹ nữa. Thấy con gái có suối tóc đổ dài suôn mượt, lại không bị rụng mà ngày một dầy dặn thêm, mẹ Hà mê lắm. Bà nói "cái răng cái tóc là góc con người". Thời nay ít người còn nuôi tóc dài như thời của bà. Nhưng nếu được ông trời phú cho mái tóc dài và đẹp, cũng nên lấy đó làm niềm tự hào và phát huy nuôi dưỡng nó. Trong đám đông hàng trăm người tóc lên mầu kiểu nọ kiểu kia, Hà lúc nào cũng rieng biệt. 

Thế mà Hà chẳng nâng niu trân trọng những thế mạnh vốn có của cô, lại muốn hoà mình vào đám đông. Đành rằng đó là "thức thời", là hợp mốt nhưng cũng là xoá mình đi, trộn mình vào một bức tranh đồng màu. 

Cham tay vao ky uc

Mái tóc dài của cô từng là sự hãnh diện của mẹ (Ảnh minh hoạ)

Cuối tuần rồi về quê nghỉ tết, Hà khiến mẹ thảng thốt khi xuất hiện trước cửa với mái tóc ngắn đã được cắt hợp mốt và lên màu nâu đỏ. Thái độ của Hà, thậm chí quá tự tin với kiểu tóc mới khiến mẹ Hà có phần sốc. Bà vốn không phải là người quá bảo thủ và cổ điển. Xu hướng gì hợp thời, miễn con gái thấy tự tin và hạnh phúc khi nắm bắt chúng là được. Chỉ có điều mọi thứ đến nhanh quá khiến bà ngỡ ngàng. 

Bà không lên tiếng quở mắng trách giận gì con gái, chỉ đôi khi lén tiếng thở dài. Nhiều lần Hà bắt gặp mẹ nhìn chăm chú vào gương mặt cô hồi lâu như thôi miên. Không biết bà đang mường tượng và nuối tiếc khuôn mặt dịu hiền quen thuộc của con gái với mái tóc đen dài trước kia, hay đang cố làm quen với hình ảnh một cô gái cá tính với mái tóc ngắn hợp thời có chút nghịch ngợm nhưng đầy xa lạ.

Hà dọn dẹp xong, vẫn thấy mẹ lúi húi ngoài vườn. Gió vô tình làm bật mở cánh cửa tủ khép hờ và cuốn album gia đình rơi xuống. Hà ngỡ ngàng như chạm tay vào ký ức khi lần giở cuốn album với hình ảnh xưa khi cả gia đình còn đông đủ cả bố lẫn mẹ. Hà bé tí xíu đang bá vai bố cô cười toe toét. Từng giai đoạn Hà lớn lên, trưởng thành cùng thời gian đều được mẹ nâng niu và rửa từng tấm ảnh để lưu lại. Tấm ảnh gần đây nhất, Hà đang thả mái tóc đổ dài như suối ngồi bên cửa nhà. Mới đó thôi mà những điều ấy đã không còn nữa.

Bên cạnh cuốn album ảnh gia đình còn có một chiếc hộp nhỏ. Hà tò mò mở ra xem. Đôi giày bé xíu, có lẽ mẹ cô lưu giữ lại kỷ vật dành cho cô bé Hà thời đôi bàn chân nhỏ xíu của cô lần đầu tiên xỏ vào. Còn có một nhúm tóc nhỏ mẹ cô buộc cẩn thận đặt bên cạnh. Thời gian làm cho mái tóc đã bị khô cứng đi, nhưng Hà không khó nhận ra đó là chùm tóc của một em bé. Có lẽ lần đầu tiên Hà để mẹ cắt tóc, bà vẫn lưu luyến không nỡ bỏ chúng đi mà trân trọng giữ lại làm vật lưu niệm cho tới tận bây giờ.

Cham tay vao ky uc
Ảnh minh hoạ

Những món đồ nhỏ xíu đã cũ kỹ đi cùng với thời gian, nhưng với mẹ Hà đó là cả sự gửi gắm tình yêu dành cho con cái và trân trọng từng quãng thời gian phát triển của con. Hà bần thần nghĩ, không biết khi cô lập gia đình và có con, liệu cô sẽ có những thói quen "lẩm cẩm" đáng yêu như mẹ cô đang tỉ mẩn làm hay không? Chỉ biết rằng, thời gian qua đi và con cái đều lớn khôn, đôi khi chúng ta vô tư bỏ quên đâu đó nỗi niềm đau đáu của cha mẹ. Để trong một lúc nào đó ta bất chợt chạm tay vào ký ức, những kỷ vật bé mọn kéo theo cả trời kỷ niệm khi xưa hiện về.

Kỷ vật ấy trở thành những thứ có giá trị tinh thần vô giá không đong đếm cụ thể được. Chỏm tóc lần đầu tiên Hà để mẹ cắt đi, bà vẫn nuối tiếc, vẫn trân trọng và lưu giữ cho tới tận bây giờ. Còn cô, được trời phú cho mái tóc dài đổ như suối, vậy mà giá trị tự thân hiện tại đó cô lại mải chạy theo trào lưu và chối bỏ. Bảo sao mẹ cô hay nhìn cô thảng thốt và nén tiếng thở dài.

Hà sẽ lên tiếng xin lỗi mẹ, bằng chính sự chân thành trong trái tim mình. Và cô sẽ nuôi tóc dài trở lại, không phải vì cố làm đẹp lòng mẹ mà bởi chính Hà nhận ra rằng, cô phù hợp hơn với mái tóc dài ấy.

Lệ Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI